Kể về lần mắc Covid-19 đầu tiên với Zing, chị L. (30 tuổi, giáo viên làm việc tại một Trung tâm giáo dục kỹ năng sống ở Hải Phòng) cho hay: “Do yêu cầu nghề nghiệp, mỗi tuần tôi test nhanh hai lần. Tôi nhiễm SARS-CoV-2 do lây từ con gái 11 tháng tuổi và cô giúp việc”.
Ngày 1/1, chị L. cảm thấy cơ thể lạnh, mỏi người, hốc mắt nặng, ngủ li bì, mất mùi vị, ăn không ngon. Ba ngày sau, chị ho dữ dội, test nhanh hai vạch đậm.
Bất ngờ mắc bệnh nhưng người phụ nữ này đã chuẩn bị tâm lý, tự điều trị triệu chứng ở nhà bằng các loại thuốc ho, thảo dược, vitamin. Sau một tuần, chị test nhanh âm tính.
Trải qua thời gian cách ly và có kết quả xét nghiệm rRT-PCR âm tính, chị đi làm trở lại. Trên bục giảng, nữ giáo viên đeo hai khẩu trang, giữ khoảng cách theo đúng quy định.
Chị L. trong một giờ lên lớp cho học sinh. Ảnh: NVCC. |
Tuy vậy, ngày 13/2, chị cảm thấy khô, rát họng. Hai hôm sau, tình trạng này nặng thêm khiến chị chảy nước mắt, đau xoang mũi, lạnh buốt, tê chân tay, đau đầu, sốt, phải nghỉ dạy.
“Tôi đau đầu dồn dập, lan đến hốc mắt. Cảm giác này thực sự đáng sợ”, chị L. nói.
Về nhà, nữ giáo viên tự test nhanh cho kết quả dương tính. Khi đó, chị tự cách ly với con. Hai ngày sau, cơ thể chị có biểu hiện lạ như nóng, lạnh lưng, sốt dai dẳng, tắc mũi, mất ngủ. Ngày 17/2, con gái chị cũng mắc Covid-19.
“Lần hai nhiễm SARS-CoV-2 khủng khiếp hơn lần một. Tôi uống panadol nhưng vẫn đau đầu, cảm thấy đuối sức. Cầm que test của con trên tay tôi không nghĩ Covid-19 lây nhanh như vậy. Hai mẹ con mất ngủ, tắc mũi cả đêm”, chị tâm sự.
Nhờ rửa mũi bằng nước muối sinh lý, dùng siro, bù đủ nước, chị L. cùng con gái đã khỏi Covid-19 sau 5 ngày.
Đáng chú ý, trong cả hai lần mắc bệnh chị L. chưa tiêm vaccine. Hiện, nữ giáo viên đang chờ qua 6 tháng để tiêm mũi vaccine đầu, thỉnh thoảng chị hay quên, chịu lạnh kém, ăn uống bình thường.
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM cho biết trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 thường gặp ở những người từng mắc một biến chủng này, ví dụ như Delta sau đó là Omicron.
Bản thân là người tái nhiễm hai biến chủng virus, tiến sĩ Minh đánh giá giữa chủng Delta và Omicron có điểm khác nhau.
Cụ thể, người nhiễm Delta mất mùi trong 5-6 ngày sau phát bệnh. Do vậy, trong một chuỗi lây nhiễm không ai mất mùi có thể 80-90% đã nhiễm Omicron.
Về một số trường hợp mắc Covid-19 sau một tháng đã tái nhiễm như chị L., tiến sĩ Minh nói: “Điều này khó xảy ra trên cùng một biến chủng. Sau một tháng mắc bệnh, hệ miễn dịch đủ khả năng bảo vệ. Tuy nhiên, những người hệ miễn dịch yếu có thể khiến các virus hoặc biến thể mới xâm nhập”.
Sau khi nhiễm biến chủng Omicron, kháng thể được tạo ra thường không cao so với Delta. Vì thế, người bệnh còn kháng thể nhưng khả năng chống chịu của cơ thể suy giảm, khả năng tái nhiễm có thể xảy ra trong một tháng, nhất là ở người có hệ miễn dịch yếu.
Tiến sĩ Minh khuyên người dân không nên chủ quan. Thông thường, nguy cơ tái nhiễm nCoV cao sau khoảng ba tháng khỏi bệnh.