Cách giúp bạn có thể nói “Không” một cách khéo léo. Ảnh: New York Times. |
Tara là một quản lý cấp cao. Mới đây, cô có một người sếp mới - người luôn đặt nhiều trách nhiệm lên Tara. Cô luôn cảm thấy quá tải và lo lắng, không biết làm thế nào để hoàn thành mọi việc. Đôi khi, cô ấy tức giận, bực bội và căng thẳng đến kiệt sức. Tara muốn từ chối, nhưng, cô đã thử và do dự.
Tara không phải cá biệt. Trang Forbes chỉ ra rằng mọi người thường có xu hướng lo lắng nếu nói “Không” với sếp. Người lãnh đạo sẽ nghĩ rằng bạn không đủ năng lực, tận tâm, không có tham vọng, thậm chí là lười biếng.
Nỗi sợ hãi của Tara và những điều kể trên là dĩ nhiên. Theo một nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) về mối liên quan giữa nỗi đau (từ các mối quan hệ) xã hội và nỗi đau thể xác, trên thực tế, việc lo lắng khi từ chối hoàn toàn liên quan đến thần kinh của chúng ta.
Chúng ta cảm thấy tổn thương khi bị xã hội từ chối, việc này giống như một nỗi đau thể xác. Nhiều người cũng vì thế mà khó từ chối những người xung quanh. Chỉ cần trong đầu họ xuất hiện ý nghĩ từ chối ai đó, ngay lập tức họ sẽ thấy bản thân bị đe doạ, kích hoạt các phản ứng chiến đấu, bỏ chạy hoặc đứng im.
Nhưng bạn hoàn toàn có thể kích thích bộ não bằng cách thay đổi suy nghĩ và niềm tin của bạn về việc đưa ra từ chối. Hãy tưởng tượng rằng bạn có thể nói "Không" với sếp bằng sự tôn trọng và chuyên nghiệp.
Bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy
Việc nói “không” tưởng rằng đơn giản nhưng lại chứa nhiều liên tưởng tiêu cực. Hãy đặt nó vào các trường hợp khác nhau với ba nguyên tắc sau.
Tránh cảm thấy có lỗi
Bạn thường nghĩ rằng khi đồng ý làm quá nhiều việc, bạn sẽ được thừa nhận là người hữu ích, tốt bụng, tham vọng hoặc hào phóng. Tuy nhiên, nếu từ chối, chính bạn có thể cảm thấy giảm hiệu suất và sự tự tin, thậm chí, bạn cảm thấy bực bội và tức giận.
Tuy nhiên, thay vì cảm thấy việc nói “Không” là ích kỷ, bạn hãy coi nó như một hành động thực tế. Có thể, bạn sẽ chịu đựng sự khó chịu và khó xử trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, việc nói "Không" sẽ khiến bạn làm việc tốt hơn, cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Ngoài ra, sự trung thực, rõ ràng về ranh giới sẽ có lợi cho bạn, sếp và công ty.
Xây dựng sự tự tin
Thay vì nghĩ rằng việc nói “Không” khiến bạn trở thành kẻ thất bại, khiến mọi người thất vọng, hãy nghĩ rằng đây là cơ hội để bạn khẳng định bản thân và tự tin vào mong muốn của bạn.
Từ chối công việc mới có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái trong ngắn hạn, nhưng khi bạn khẳng định được bản thân ở công việc hiện tại, bạn sẽ xây dựng được sự tự tin cho mình. Điều đó là minh chứng cho việc bạn đã phán đoán đúng. Thời gian, nhu cầu và sức khỏe của bạn là quan trọng và sếp cần tôn trọng điều đó.
Mở ra cơ hội
Thay vì lo lắng việc nói “Không” đồng nghĩa với bỏ qua cơ hội, hãy nghĩ rằng nó đang mang lại cho bạn nhiều cơ hội hơn.
Với thời gian, không gian và năng lượng được giải phóng, bạn có nhiều năng lượng để tham gia vào các cơ hội mới. Nó sẽ đưa bạn đến nơi bạn muốn, phù hợp hơn so với nhiệm vụ mà sếp giao cho.
Hãy thể hiện sự cảm kích trước khi nói "Không". Ảnh: Careeraddict. |
Bốn cách để nói “không” với sếp
Thể hiện sự cảm kích
Trước tiên, bằng năng lượng tích cực, hãy nói rằng bạn rất vui và cảm kích khi nhận được lời đề nghị từ sếp. Ngay cả khi nhiệm vụ đó là điều bạn không muốn làm, đó vẫn là dấu hiệu tuyệt vời cho thấy sếp tin tưởng và thấy bạn là người có năng lực. Hãy sử dụng cơ hội này để nói rằng bạn yêu thích công việc của mình và đã cống hiến cho công ty như thế nào.
“Cảm ơn sếp đã nhớ đến tôi trong nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, tôi thực sự rất hài lòng với công việc hiện tại và đã cam kết rằng sẽ tập trung hoàn thành nó...", Fobes gợi ý.
Thông báo các nhiệm vụ ưu tiên
Bạn có thể liệt kê các dự án hoặc nhiệm vụ đang làm, thể hiện rằng bạn cần ưu tiên hoàn thành chúng. Điều này giúp sếp của bạn hình dung khối lượng công việc bạn đang đảm nhận và có cái nhìn rõ hơn về những khó khăn bạn đang đối mặt. Từ đó, sếp có thể loại bỏ một số nhiệm vụ nhất định để có chỗ cho nhiệm vụ mới.
Nếu sếp thúc ép và bắt buộc bạn phải thực hiện nhiệm vụ mới, bạn có thể yêu cầu tạm dừng một số nhiệm vụ nào đó, chuyển giao cho người khác để bạn có “khoảng trống” cho công việc sắp tới.
Ví dụ, “Hiện tại, tôi hoàn toàn tập trung vào dự án A vì đó đang là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Tôi hiểu rằng nhiệm vụ mới rất quan trọng, tuy nhiên, để hoàn thành tốt, sếp muốn tôi làm dự án nào?".
Bạn đã hứa làm việc khác
Hãy chỉ ra cho sếp thấy rằng nếu đảm nhận nhiệm vụ mới, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ khiến người khác thất vọng. Bằng cách từ chối, bạn thể hiện rằng bạn quan tâm và cam kết thực hiện công việc của mình với như thế nào.
Ví dụ, “Tôi xin lỗi, nếu tôi thực hiện nhiệm vụ này, tôi sẽ khiến X thất vọng”. Hoặc cụ thể hơn, “Tôi sẽ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mới này, các nhiệm vụ khác sẽ bị ảnh hưởng”.
Tìm giải pháp khác thay thế
Bạn có thể đề nghị hỗ trợ theo một cách khác như tham dự cuộc họp, cung cấp ý tưởng, xem xét kế hoạch dự kiến, thay vì đảm nhận toàn bộ công việc và chịu trách nhiệm ở mọi quy trình.
Ví dụ, “Tôi xin lỗi, tôi không thể phụ trách hoàn toàn, nhưng tôi sẽ làm công việc…”.