Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách nước giàu tạo ra 'vaccine phân biệt chủng tộc'

Nhiều quốc gia đang kêu gọi thay đổi luật sở hữu trí tuệ để thúc đẩy sản xuất vaccine ngừa Covid-19 và giải quyết sự chênh lệch giàu nghèo trong việc tiêm chủng.

Mỹ và một số nước phát triển đang cung cấp vaccine cho những người trưởng thành trong thời gian sắp tới. Trong khi đó, hàng chục quốc gia nghèo nhất trên thế giới vẫn chưa có khả năng tiến hành tiêm chủng cho người dân, theo The Guardian.

Nhiều nhà hoạt động xã hội gọi sự khác biệt này là “vaccine phân biệt chủng tộc”. Họ đề nghị các công ty dược phẩm lớn nhất thế giới chia sẻ bí quyết kỹ thuật nhằm đẩy nhanh dự án tiêm chủng toàn cầu.

“Mục tiêu của các cơ quan y tế hiện nay là quản lý đại dịch. Điều đó có nghĩa là không phải ai cũng được tiếp cận vaccine ngay. Nếu muốn thay đổi điều đó mà không cần đợi đến năm 2024, nó đòi hỏi nhiều tham vọng hơn và sự huy động nguồn lực lớn hơn", Peter Maybarduk, giám đốc dược phẩm toàn cầu của Public Citizen, nói.

vaccine phan biet chung toc anh 1

Maybarduk cho hay mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho toàn thế giới vẫn chưa rõ ràng. Ảnh: New York Times.

Thiếu hụt vaccine ở nước nghèo

Áp lực cung cấp nhiều vaccine hơn cho các quốc gia nghèo cũng đè nặng lên chính quyền Joe Biden. Hiện tổng thống Mỹ thứ 46 đang xem xét việc sử dụng lại hay phân phối 70 triệu liều vaccine trên toàn thế giới. Sau khi bị phản đối kịch liệt, Mỹ đã chia sẻ 4 triệu liều vaccine AstraZeneca với Canada và Mexico.

“Các quốc gia nghèo hơn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vaccine. Ngay cả khi chúng được bán thế nào, vẫn có rất nhiều cách tăng giá khác nhau”, Howard Markel, giáo sư lịch sử y học của Đại học Michigan, nhận định.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 30 quốc gia đã không nhận được một liều vaccine nào. Khoảng 90 triệu liều vaccine dự kiến ​​được phân phối thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bị trì hoãn đến tháng 3 và 4 do đợt bùng dịch ở Ấn Độ.

Tại châu Âu, các ca nhiễm Covid-19 gia tăng và chiến dịch tiêm chủng chậm chạp cũng đã thúc đẩy nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu vaccine hơn.

Ngoài nguồn cung vaccine hiện có, nhiều nhà hoạt động nhận thấy cuộc chiến lớn hơn nằm ở luật độc quyền sáng chế.

vaccine phan biet chung toc anh 2

Nhiều quốc gia đang phát triển hối hả chạy đua tìm kiếm nguồn cung vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

Theo Maybarduk, công nghệ vaccine Covid-19 và các nguồn cung khác nên được chia sẻ giữa các quốc gia trên thế giới.

Một số nhà hoạt động đã sử dụng Moderna như một ví dụ về đòn bẩy mà chính phủ Mỹ nên áp dụng. Đây là vaccine được nghiên cứu với sự hợp tác của Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID).

Thuế của người dân đã cung cấp 6 tỷ USD cho việc phát triển để đổi lại những liều vaccine tiềm năng. Nó cũng đã được thử nghiệm với người Mỹ và những người tình nguyện viên ở 99 địa điểm nghiên cứu.

Mục tiêu trọng tâm của các nhà hoạt động là kiến ​​nghị đình chỉ tạm thời luật sở hữu trí tuệ giữa các quốc gia thành viên trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Họ cho rằng động thái này có thể thúc đẩy các công ty chia sẻ công nghệ, đảm bảo phân bổ vaccine một cách công bằng hơn, tạo tiền đề cho việc rút ngắn thời gian đại dịch.

Dean Baker, nhà kinh tế học vĩ mô, khẳng định đây là trường hợp kinh điển khi một ngành công nghiệp có vai trò trực tiếp trong việc bảo vệ chính nó. Nhưng công chúng thì thường mơ hồ về vấn đề này.

Ràng buộc bởi luật sở hữu trí tuệ

Một phần của cuộc chiến tập trung vào điều khoản của luật thương mại quốc tế được gọi là hiệp định TRIPS (Agreement on Trade-Related Aspect of Intellectual Property Rights).

Đây là một thỏa thuận pháp lý quốc tế giữa các quốc gia thành viên của WTO về khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

TRIPS có hiệu lực vào năm 1995, yêu cầu tất cả quốc gia trong WTO công nhận bằng sáng chế độc quyền 20 năm cho dược phẩm, bao gồm cả vaccine.

Vào tháng 10/2020, Nam Phi và Ấn Độ đưa ra bản kiến ​​nghị đình chỉ thỏa thuận TRIPS trong đại dịch. Ấn Độ là một trong những nơi có ngành công nghiệp sản xuất thuốc lớn nhất trên thế giới.

Nam Phi là một phần của nhóm các quốc gia châu Phi cận sa mạc Sahara, được đánh giá cao về các liệu pháp điều trị ARV trong những năm 1990.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu vaccine phản bác rằng việc thiếu khả năng triển khai tiêm chủng còn phức tạp hơn nhiều so với dỡ bỏ các hạn chế của luật sáng chế. Điều này là do có quá ít nơi sản xuất ngoài Mỹ và châu Âu.

vaccine phan biet chung toc anh 3

Luật độc quyền sáng chế là một trong những điều ràng buộc việc triển khai vaccine Covid-19 trên toàn cầu. Ảnh: NBC News.

“Theo kinh nghiệm của tôi từ việc nghiên cứu vaccine trong vài thập kỷ qua, luật sáng chế không phải là vấn đề lớn nhất. Cơ sở của việc này là phải có cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để biết cách sản xuất hiệu quả”, Tiến sĩ Peter Hotez, giáo sư của Đại học Y khoa Baylor, khẳng định.

Hotez đang nghiên cứu một loại vaccine giá rẻ, dễ sản xuất, có thể được phân phối ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Hotez nhấn mạnh sự phụ thuộc vào các công ty dược phẩm lớn đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt các đơn vị sản xuất vaccine, vốn được thiết kế riêng cho Covid-19 trong khu vực và địa phương.

“Cần có các cơ sở chính ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, cũng như Bắc Mỹ để giúp ứng phó với nhiều đại dịch trong tương lai”, Maybarduk chia sẻ.

Trong tương lai, cuộc chiến vaccine vẫn sẽ diễn ra khi biến thể Covid-19 mới xuất hiện và các công ty dược phẩm đặt lợi nhuận lên hàng đầu.

Hotez cho biết Astrazeneca, Moderna, BioNtech không phải là những công ty thực sự sản xuất vaccin. Họ tham gia bởi vì công nghệ tân tiến sẽ giúp đẩy nhanh việc tạo ra các sản phẩm kiếm tiền thực sự, chẳng hạn vaccine điều trị ung thư và rối loạn thoái hóa thần kinh.

Hiệp định TRIPS dự kiến ​​sẽ được thảo luận lại vào tháng 4 dù việc liên minh của hơn 80 quốc gia nghèo có thành công hay không.

Tuy nhiên, sự phản đối với đơn kiện TRIPS đến từ các nước giàu đã phủ thêm một lớp tăng cường bảo vệ luật độc quyền sáng chế.

Giới trẻ Mỹ khó mua nhà trong tương lai

Với tình hình giá bất động sản tăng cao và sự suy thoái kinh tế do dịch bệnh, thế hệ Millennials sẽ gặp khó khăn hơn trong việc mua nhà.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm