- "Vận may tự tạo" là nhìn ra giải pháp trong khi người khác chỉ thấy vấn đề.
- Có 3 rào cản tự giới hạn có thể đã ngăn bạn gặp “vận may tự tạo”.
- Khi vượt qua các rào cản này, những vấn đề phát sinh có thể chuyển từ mối đe dọa thành nguồn cơ hội tích cực cho bạn.
Theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Christian Busch, ông phát hiện rằng nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã phát triển khả năng biến những vấn đề phát sinh trở thành thứ mang kết quả tích cực, hay còn gọi là "vận may tự tạo".
Nói cách khác, “vận may tự tạo” là nhìn ra giải pháp, rồi chủ động giải quyết khi một vấn đề bất ngờ xảy ra, trong khi người khác chỉ thấy rắc rối.
Không chỉ thường thấy trong phát minh khoa học vĩ đại, “vận may tự tạo” cũng hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Ví dụ, chúng ta có thể tìm thấy tình yêu, hay công việc mới, đối tác kinh doanh hợp ý một cách rất tình cờ. Bạn có thể nghĩ đó là do “duyên số” sắp đặt nhưng trên thực tế, đó là một quá trình chủ động nhận biết và xâu chuỗi mọi sự việc.
Một số rào cản thể chất lẫn tinh thần có thể đã ngăn cản bạn “ăn may”, chẳng hạn lịch trình dày đặc, những cuộc họp vô nghĩa hay thói quen hàng ngày kém hiệu quả lấy đi thời gian, sự tò mò và cảm giác vui vui của bạn.
Trong khi đó, chỉ một tâm trí được mài giũa trước mới có thể nắm bắt những cơ hội tình cờ và xử lý các vấn đề nảy sinh bất ngờ.
Những rào cản tự giới hạn bản thân
Có 3 rào cản tự giới hạn có thể đã ngăn bạn gặp “vận may tự tạo”.
Đánh giá thấp khả năng xảy ra của các vấn đề phát sinh
Đánh giá thấp khả năng xảy ra vấn đề phát sinh là điều tự nhiên dễ hiểu. Nhưng khi làm vậy, bạn đã tự chặn mất cơ hội gặp “vận may tự tạo”.
Chẳng hạn, những người dẫn chương trình kinh nghiệm dày dặn thường chuẩn bị sẵn vài câu chuyện cười cho khán giả, bởi họ biết các sự cố luôn có thể xảy ra và đó là cách họ giữ sự chú ý của đám đông về phía mình.
Nói cách khác, bạn chỉ có thể “ăn may” khi chấp nhận rằng điều “không ngờ đến” xảy ra mọi lúc.
Một số rào cản thể chất lẫn tinh thần có thể đã ngăn cản vận may của bạn. |
Điều này được chứng minh qua một nghiên cứu được tiến hành ở Anh về hai người: một người tự coi mình là “may mắn”, người còn lại tự nhận “xui xẻo”.
Các nhà nghiên cứu yêu cầu từng người đi đến quán cà phê được chỉ định, nơi có một tờ 5 bảng Anh được đặt sẵn trên vỉa hè trước cửa ra vào. Bên trong, một doanh nhân thành đạt đang ngồi cạnh quầy pha chế.
Người “may mắn” thấy tờ tiền và nhặt nó. Sau đó, họ vào quán gọi cà phê, ngồi cạnh và làm quen với vị doanh nhân kia. Trong khi đó, người “xui xẻo” không nhặt tiền, cũng không trò chuyện với doanh nhân.
Sau đó, các nhà nghiên cứu hỏi cả hai về ngày tham gia hoạt động của họ trôi qua thế nào. Người “may mắn” vui vẻ kể về ngày tuyệt vời của mình, trong khi người “xui xẻo” nói rằng đó là một ngày không có gì đặc biệt.
Có thể thấy, mặc dù cả hai đều có cơ hội “bất ngờ” như nhau, chỉ một người có thể nắm bắt được chúng.
Tự gạt bỏ những trùng hợp ngẫu nhiên
Khi xây dựng câu chuyện từ các sự kiện trong quá khứ, chúng ta thường giả vờ rằng chúng xảy ra theo một tiến trình tuyến tính, trong khi trên thực tế là quá trình phức tạp hơn. Điều này có thể khiến chúng ta gặp “khuynh hướng nhận thức muộn”.
Sự “hậu hợp lý hóa”, tức xây dựng câu chuyện giải thích một cách thuận tiện và bỏ qua vai trò của các cơ hội may rủi, cũng tương ứng với khao khát của mỗi con người, đó là tìm kiếm sự quen thuộc trong những điều chưa biết và kiểm soát sự bất thường.
Tuy nhiên, nếu loại bỏ nhiều sự việc “không ngờ đến” khỏi câu chuyện của mình, bạn sẽ không nhận ra tầm quan trọng của chúng có thể tác động trong tương lai của bạn.
Hãy thử hỏi bản thân và những người khác về điều gì đã khiến bạn ngạc nhiên trong tuần qua. Bạn sẽ không bao giờ biết được được điều gì có thể xảy ra sau những khoảnh khắc đó, và chúng sẽ khiến bạn khác như thế nào trong tương lai.
Cố định một chức năng
Khi sử dụng một công cụ trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường quá quen với chức năng cụ thể của nó đến mức không thể thấy được tính hữu ích của nó ở bối cảnh khác, hoặc cho rằng những công cụ khác có thể hiệu quả hơn. Đây chính là tính cố định về mặt chức năng.
Ví dụ, khi cần đóng đinh vào tường, bạn thường tìm búa thay vì bất kỳ vật nặng nào đó có thể giúp mình.
Tương tự, nghiên cứu chỉ ra rằng những người đã quen thuộc với một lối giải quyết cho vấn đề nhất định hiếm khi phát triển chiến lược đơn giản, hữu ích hơn. Nói cách khác, họ chọn đi theo “con đường khó khăn” đơn giản vì nắm rõ điều đó.
Thế nhưng, điều tiên quyết cho “vận may tự tạo” là lối suy nghĩ nhanh nhẹn và dùng trí tưởng tượng để cân nhắc cách thức giải quyết mới.
Hãy thử thách trí óc và tinh thần của bạn. Khi đó, khả năng sáng tạo của bạn sẽ phát triển, cho phép bạn suy nghĩ, làm việc theo những cách mới và khác biệt.