Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Căn bệnh khiến 'trái tim trống rỗng'

Do cố gắng đáp ứng kỳ vọng và trách nhiệm gia đình, xã hội, những người trẻ cảm thấy trống rỗng, vô nghĩa, không có mục đích sống.

  • Bệnh "trái tim trống rỗng" là hiện tượng tương đối mới, ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi, chủ yếu ở các cộng đồng châu Á.
  • Đôi khi, sau nhiều năm đấu tranh và hy sinh, một người có thể cảm thấy vô nghĩa và trống rỗng, khiến họ tự hỏi rằng liệu tất cả từng làm có thực sự xứng đáng hay không.
  • Chứng trầm cảm, thậm chí ý định tự vẫn, có thể đi kèm với bệnh "rỗng tim".

Bệnh “trái tim trống rỗng” lần đầu được giới thiệu tại một hội nghị giáo dục vào năm 2016, bởi Giáo sư Xu Kaiwen, phó trưởng trung tâm tư vấn và giáo dục sức khỏe tâm thần tại Đại học Bắc Kinh.

Các triệu chứng của bệnh bao gồm cảm giác chán nản, cô đơn, thờ ơ; không biết sống vì mục đích gì dù đạt nhiều thành tựu nổi bật; cảm thấy phải duy trì các mối quan hệ xã hội tốt vì nghĩa vụ; thậm chí có ý định tự tử.

Biểu hiện của người "rỗng tim"

Tại Trung Quốc và một số khu vực châu Á, chứng bệnh này liên quan đến những người trẻ trúng tuyển vào các trường đại học hàng đầu, nhưng lại không tìm thấy mục đích sống.

Nhiều sinh viên thể hiện sự nỗ lực hết mình vì con đường học tập. Họ sẵn sàng từ bỏ các sở thích cá nhân, hạn chế hoạt động giải trí và thậm chí cả các mối quan hệ. Nhờ đó, họ đạt được đúng như những gì cha mẹ kỳ vọng.

Tuy nhiên, sau kỳ thi đại học, họ phải đối mặt với câu hỏi rằng “Tại sao thành tích thi cử lại quan trọng đến vậy?”.

benh rong tim anh 1

Ảnh: Sixth Tone.

Mặt khác, với sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của xã hội hiện nay, một số người trẻ cảm thấy bị bỏ lại ngay cả khi họ ngày càng thăng tiến trong sự nghiệp.

Những người này nhận thấy cuộc sống và những thành tựu mà mình đạt được đều vô nghĩa. Họ vẫn cảm thấy mình là kẻ thất bại dù còn trẻ tuổi, rất nỗ lực chăm chỉ và quyết tâm.

Tâm bệnh này không chỉ liên quan đến “rỗng tim”, mà còn đề cập đến “cái tôi trống rỗng” bởi những người trẻ này về cơ bản không biết mình là ai. Cảm giác này ngày càng trở nên phổ biến hơn, đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Song, khác với nhu cầu đi tìm và khẳng định bản thân thường thấy ở tuổi vị thành niên, đặc biệt người trẻ phương Tây, bệnh “trái tim trống rỗng” là chuỗi liên tục các hành vi lo âu mạn tính, suy nhược, trầm cảm và thường xuyên có ý định tự tử.

Ở cấp độ xã hội rộng hơn, bệnh “rỗng tim” là sản phẩm của những kỳ vọng và trách nhiệm nặng nề từ phía gia đình đặt lên vai những người trẻ này.

Làm thế nào để trái tim "bớt trống rỗng"?

Có một số bước sẽ giúp bạn dần dần cải thiện và hồi phục tâm bệnh "trái tim trống rỗng".

benh rong tim anh 2

Ảnh: mikoto.raw Photographer/Pexels.

Thừa nhận

Nếu bạn đang trải qua cảm giác trống rỗng, hãy nhẹ nhàng thừa nhận với chính mình. Hãy bắt đầu bằng cách nhận ra cảm xúc và nhu cầu của mình.

Tránh gạt bỏ chính mình và những điều bạn đang cảm nhận. Bạn có thể cảm thấy tội lỗi, nhưng nó sẽ ngăn cản bạn tìm kiếm sự giúp đỡ.

Dành thời gian cho bản thân

Tìm đến một số hoạt động, sự kiện nhất định, như rủ bạn bè đi chơi hoặc dành cả đêm chơi game, là phản ứng tự nhiên giúp bạn trốn tránh khỏi những suy nghĩ về “trái tim trống rỗng” của mình.

Tuy nhiên, bạn nên chống lại sự thôi thúc ấy. Thay vào đó, hãy dành thời gian nhìn vào bên trong chính mình. Điều này có thể bao gồm khám phá những khao khát, nỗi sợ, hy vọng và ước mơ của bạn. Để làm được, bạn có thể thiền, viết lách hoặc tập thể dục.

Ban đầu, bạn có thể cảm thấy không thoải mái. Thế nhưng, khi bạn càng dành nhiều thời gian, năng lượng và chăm sóc bản thân, những cảm giác trống rỗng sẽ vơi bớt đi.

Check-in cảm xúc

Hãy hẹn giờ đồng hồ khoảng 5 phút và quan tâm đến cảm xúc của bạn ngay lúc đó. Bạn có thể đang “chán nản”, “mất tập trung” hoặc “tò mò”. Nó không nhất thiết phải xảy ra một sự kiện, hiện tượng gây tác động mạnh mẽ đến bạn.

benh rong tim anh 3

Ảnh: Vlada Karpovich/Pexels.

Bạn có thể tìm kiếm “danh sách cảm xúc” trên Internet nếu đang gặp khó khăn trong việc đặt tên cho xúc cảm của mình.

Thực hành bài tập này mỗi ngày có thể giúp bạn khám phá sâu hơn về bản thân.

Khám phá sự trống rỗng

Viết nhật ký cũng có thể giúp khắc phục tình trạng “rỗng tim” của bạn. Hãy đặt câu hỏi và ghi lại những câu trả lời thành thực với chính mình trên trang giấy, chẳng hạn như:

  • Liệu tôi tự đánh giá/so sánh bản thân với những người khác?
  • Có phải tôi có xu hướng chỉ để ý đến những thất bại?
  • Trong các mối quan hệ, cảm xúc của tôi được quan tâm, trân trọng hay tôi đang tự giảm thiểu những gì mình cảm nhận?
  • Tôi đang cố gắng chứng minh hay giành chiến thắng điều gì? Vì sao?
  • Liệu tôi có đang tự trách móc bản thân hoặc cảm thấy tội lỗi về những điều ngoài tầm kiểm soát của mình?

Kết nối với người khác

Sau khi tự suy ngẫm và khám phá các cảm xúc cá nhân, bạn có thể kết nối với những người khác. Trò chuyện với bạn bè hoặc người thân có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn, đặc biệt nếu bạn có thể tâm sự với họ về cảm xúc của mình.

Hãy thường xuyên kết nối với những người thân yêu của bạn thông qua các hoạt động xã hội, sở thích và mối quan tâm chung.

Thực hành chăm sóc bản thân

Chăm sóc bản thân có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Nó bao gồm những điều cơ bản như ăn các món bổ dưỡng, ngủ đủ giấc và tập thể dục. Cơn đói và mệt mỏi đôi khi có thể làm trầm trọng thêm cảm giác tiêu cực của bạn.

benh rong tim anh 4

Ảnh: Miriam Alonso/Pexels.

Cân nhắc tìm kiếm những nguồn cảm xúc tích cực cho bạn, như viết nhật ký, một sở thích mới hoặc theo đuổi sáng tạo. Chánh niệm và yoga cũng thường được khuyến khích cho chứng trầm cảm và lo âu.

Bạn cũng sẽ muốn giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội. Điều này dần dần có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Tập khen ngợi bản thân

Hãy nhớ rằng bạn đang làm tốt nhất có thể với những tài nguyên hiện có. Bởi vậy, hãy tự khen ngợi bản thân về những cách bạn nghĩ ra để đối phó với những tình huống xảy ra trong đời sống.

Tìm kiếm giúp đỡ

Đôi khi, một “trái tim trống rỗng” có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực hơn. Khi nhận ra cảm giác trống rỗng, hãy gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ. Họ có thể giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân và phương pháp giải quyết phù hợp.

Retail therapy: Tại sao mua sắm khiến bạn bớt buồn?

Khác với nghiện mua sắm, Retail therapy có thể làm tâm trạng bạn tốt hơn một cách tích cực khi bạn biết tận dụng nó.

Ánh Dương

Đồ họa: Anny Nhi

Bạn có thể quan tâm