Khi điều trị tại nhà, dấu hiệu nào cho thấy các bệnh nhân Covid-19 đang có diến biến nặng lên?
Mạnh Hiếu - TP.HCM.
TS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), khẳng định yếu tố quan trọng nhất trong việc theo dõi bệnh nhân Covid-19 là phát hiện được các triệu chứng lâm sàng sớm nhất thay vì chú trọng vào các mốc thời gian.
Trong thời gian đầu theo dõi các trường hợp nhiễm nCoV, những yếu tố cơ bản để đánh giá dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, qua đó phát hiện triệu chứng lâm sàng bao gồm mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và nồng độ oxy trong máu. Đây là những yếu tố bệnh nhân hoàn toàn có thể tự theo dõi thông qua quan sát hay một số trang thiết bị đơn giản.
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, tỷ lệ người bệnh bị trở nặng tỷ lệ thuận với độ tuổi, tăng nguy cơ ở người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh ung thư…). Nam giới bị nặng nhiều hơn nữ.
Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân Covid-19 rất cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế và các thiết bị hỗ trợ chuyên nghiệp như máy trợ thở, máy lọc máu, thuốc đặc trị…
Các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm và cần đi cấp cứu như:
- Cảm thấy rất khó thở.
- Đau dai dẳng hoặc cảm giác có áp lực trong lồng ngực.
- Không thể tỉnh táo.
- Da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, mất sức sống.
Ở từng giai đoạn dịch, dựa vào số lượng người nhiễm, khả năng của hệ thống y tế và ý thức cộng đồng, chúng ta cần linh hoạt trong việc điều trị để đạt được hiệu quả cao, an toàn nhất. Điều rất quan trọng là người dân cần thực hiện có trách nhiệm các quy định của Chính phủ, để đảm bảo lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.