Tự tử không phải bệnh tâm thần mà là hậu quả nghiêm trọng của các rối loạn tâm lý. Theo WebMD, những tình trạng này có thể điều trị. Tuy nhiên, người có ý định tự tử thường không chia sẻ với bạn bè hoặc người thân xung quanh. Chúng ta cần quan sát kỹ và tìm cách giúp họ thoát khỏi tuyệt vọng.
Dấu hiệu cảnh báo
Ý định tự tử thường xuất phát từ chấn thương hoặc các khủng hoảng trong cuộc sống như sự ra đi của người thân yêu, mất việc, ly hôn, nhận chẩn đoán bệnh nặng hoặc vấn đề tài chính nghiêm trọng…
Tổ chức National Institutes of Health của Mỹ (NIH) chia các dấu hiệu cảnh báo người có ý định tự tử thành các cấp độ:
Lời nói: Thường xuyên đề cập đến cái chết, cảm giác tội lỗi hoặc hổ thẹn sâu sắc. Một số người luôn ám ảnh việc mình là gánh nặng với gia đình, xã hội, mất đi mục đích sống.
50-70% người đang trong quá trình cân nhắc quyết định có tự tử không sẽ cho người xung quanh dấu hiệu cảnh báo. Họ nói về cái chết, ý định hoặc đe dọa tự sát. Đây là thời điểm họ đang cân nhắc và cần nhận sự giúp đỡ từ người khác. Do đó, mọi dấu hiệu cảnh báo về lời nói cần được xem xét nghiêm túc.
Những người có ý định tự tử thường nói điều lạ, đề cập cái chết, tâm trạng buồn bã, tuyệt vọng. Ảnh: Medical News Today. |
Tâm trạng: Buồn bã hoặc ủ rũ kéo dài, tính cách thất thường, dễ kích động và nổi giận bất ngờ. Ngoài ra, những người nung nấu ý định kết liễu cuộc đời có chung tâm trạng trống rỗng, tuyệt vọng như bị mắc kẹt với các vấn đề của cuộc sống. Họ có nỗi đau tinh thần hoặc thể xác không thể chịu đựng nhưng khó chia sẻ.
Thay đổi hành vi: Nếu bạn thấy một ai đó bất ngờ lập kế hoạch, nghiên cứu về cái chết hoặc nói những điều giả định họ không tồn tại, cần đặc biệt lưu ý. Bạn có thể phát hiện bất thường của họ qua một số thay đổi.
Thông thường, một người có ý định tự tử sẽ bắt đầu bằng việc sắp xếp lại công việc và các mối quan hệ. Họ đột nhiên thăm hỏi bạn bè, thành viên trong gia đình, cho đi tài sản cá nhân, lập di chúc hoặc dọn dẹp nhà cửa. Một số người viết ghi chú trước khi tự sát. Số khác mua súng hoặc thuốc độc, dây thừng.
Những người gặp vấn đề về giấc ngủ hoặc lạm dụng rượu, ma túy, chất kích thích cũng cần được lưu ý.
Theo WebMD, người có ý định tự tử thường trải qua thời gian dài trầm cảm nặng. Sau đó, họ bất ngờ có những hành động mạo hiểm như lái xe nhanh hơn, quan hệ tình dục không an toàn… Ngoài ra, người đó có thể ít quan tâm đến ngoại hình.
Nữ giới có ý định tự tử cao gấp 3 lần nam giới, tuy nhiên, đàn ông dễ dẫn đến hành động. Ảnh: Freepik. |
Nhóm người có nguy cơ tự tử cao
Thống kê từ WebMD cho thấy tỷ lệ tự sát cao nhất là ở thanh thiếu niên và người già. Ngoài ra, một số nhóm có hoàn cảnh đặc biệt dưới đây cũng tiềm ẩn nguy cơ cao: Người lớn tuổi mất vợ/chồng vì ly hôn hoặc qua đời; từng tự tử trong quá khứ; gia đình, bạn bè, đồng nghiệp có tiền sử tự tử; từng lạm dụng thể chất, tình cảm hoặc tình dục; người chưa kết hôn, thất nghiệp hoặc không tìm được mục đích sống; người mắc bệnh nặng hoặc tàn tật; bệnh nhân vừa điều trị tâm thần; nhóm có xu hướng hành vi bốc đồng…
Ngoài ra, dựa trên nghề nghiệp, một số vị trí có nguy cơ dễ có ý định tự sát như: cảnh sát, y bác sĩ làm việc với người mắc bệnh nan y…
Phụ nữ có ý định tự tử cao gấp 3 lần nam giới, tuy nhiên, đàn ông dễ dẫn đến hành động.
Nếu bạn phát hiện một trong các trường hợp bất thường trên, đừng ngại ngần hỏi xem họ có bị trầm cảm hoặc ý định tự sát không. Thay vì khuyên nhủ họ đừng nghĩ dại dột, bạn nên lắng nghe và giải thích cho họ hiểu trầm cảm và các chứng rối loạn khác là tạm thời, có thể điều trị.
Cuối cùng, chúng ta cần đưa nạn nhân tới gặp các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để có phương pháp điều trị tốt nhất.