Nếu phải nhận xét chung về đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội năm học 2021-2022, nhận định ban đầu của tôi là đề vừa sức, không đánh đố học sinh, có tính phân loại ngay trong cấu trúc quen thuộc, kiểm tra đúng những đơn vị kiến thức và kỹ năng cơ bản trong chương trình.
Nguyên nhân của nhận xét trên xuất phát từ kết quả khảo sát hệ thống đề thi tuyển sinh môn Ngữ văn lớp 10 THPT hàng chục năm qua hầu như không có thay đổi từ cấu trúc tới tính chất, mức độ, kiểu dạng các câu hỏi.
Đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 của Hà Nội năm nay. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Bao nhiêu năm qua cấu trúc đề vẫn không đổi
Sự thay đổi trong cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn từ năm 2011 tới nay chỉ xê xích một chút ít ở quỹ điểm, hoặc 7/3, hoặc 6/4; ở thứ tự phần kiểm tra kiến thức nghị luận văn học và nghị luận xã hội trước hay sau.
Không khó để nhận ra sự lặp lại trong nội bộ cấu trúc hai phần của đề thi - hơn chục năm qua, cả hai phần đều có cùng một kiểu dạng với sự kết hợp giữa câu hỏi đọc hiểu và yêu cầu viết đoạn văn.
Các câu hỏi tập trung mấy dạng cơ bản: Câu hỏi kiểm tra kiến thức về tác phẩm văn học (tên tác phẩm, tên tác giả, năm sáng tác, hoàn cảnh sáng tác, những tác phẩm cùng chủ đề…); câu hỏi kiểm tra kỹ năng phân tích, cảm thụ (phát hiện và phân tích giá trị biểu cảm của một biện pháp tu từ, một cấu trúc ngữ pháp đặc biệt, một hình ảnh, từ ngữ…); câu hỏi kiểm tra kỹ năng viết đoạn văn cùng những yêu cầu về kiến thức tiếng Việt.
Hai phần trong cấu trúc đề, dù hướng tới nghị luận xã hội hay nghị luận văn học, chủ yếu sử dụng ngữ liệu phần đọc hiểu là một trích đoạn văn học trong sách Ngữ văn lớp 9.
Ví dụ, năm 2011 là hai đoạn trong Nói với con và Người con gái Nam Xương; năm 2012 là hai đoạn trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính và Lặng lẽ Sa Pa; năm 2013 là hai đoạn trong Mùa xuân nho nhỏ và Hoàng Lê nhất thống chí; năm 2014 là hai đoạn trong Chiếc lược ngà và Nói với con; năm 2015 là hai đoạn trong Đoàn thuyền đánh cá và Những ngôi sao xa xôi; năm 2017 là hai đoạn trong Nói với con và Làng; năm 2018 là hai đoạn trong Đoàn thuyền đánh cá và Người con gái Nam Xương.
Năm 2020, phần nghị luận văn học là bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương và câu nghị luận xã hội là một ngữ liệu đọc hiểu trích trong sách Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2019. Sau mỗi ngữ liệu đọc hiểu là yêu cầu viết một đoạn văn.
Cấu trúc ấy cứ lặp đi lặp lại trong hàng chục năm, sẽ tạo tâm lý học tủ từ kiến thức tới kỹ năng khi ôn luyện, nhất là giảm thiểu cảm giác hồi hộp đợi chờ luôn thú vị trước mỗi kỳ thi, hạn chế cảm hứng sáng tạo cho học trò.
TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng cách ra đề thi của Hà Nội chưa phát huy tính độc lập, chủ động của học sinh. Ảnh: NVCC. |
Tránh những câu hỏi vạch sẵn đường đi, nước bước
Đề thi tuyển sinh môn Ngữ văn năm 2021, phần nghị luận văn học cũng sử dụng ngữ liệu đọc hiểu và nghị luận là đoạn trích trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, phần nghị luận xã hội cũng là một trích đoạn trong sách Ngữ văn lớp 9, tập 2.
Phần thứ nhất gồm 3 câu hỏi kiểm tra các kiến thức về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu. Câu hỏi số 1 kiểm tra những kiến thức về tác giả, tác phẩm (năm sáng tác bài thơ, tên tập thơ); câu hỏi số 2 kiểm tra kỹ năng viết đoạn văn theo những yêu cầu cụ thể về nội dung và hình thức được xác định trong câu lệnh; câu hỏi 3 kiểm tra kỹ năng thông hiểu và cảm thụ văn học... Đó là những đơn vị kiến thức và kỹ năng quen thuộc với cấp THCS nên chắc chắn sẽ không làm khó cho các em.
Hệ thống đề thi tuyển sinh môn Ngữ văn lớp 10 THPT ở Hà Nội chục năm qua hầu như không có thay đổi, từ cấu trúc tới tính chất, mức độ, kiểu dạng các câu hỏi.
TS Trịnh Thu Tuyết
Tôi muốn suy nghĩ nhiều hơn về cách hiểu hai chữ “đồng chí” trong bài thơ cùng tên, từ yêu cầu viết đoạn văn trong câu hỏi số 2: “Làm rõ cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng”.
Câu lệnh này yêu cầu học sinh phân tích những yếu tố cơ bản nhất làm cơ sở cho tình đồng chí, cơ sở xuất phát từ cách hiểu ý nghĩa của từ “đồng chí” - một từ Hán Việt quen thuộc. Đây cũng là những kiến thức các thầy cô giảng bao nhiêu năm nay và chắc chắn học trò đã thuộc lòng: Tình đồng chí xuất phát từ sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ đói nghèo, cùng chí hướng cầm súng chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước, những con người hiểu nhau, thương nhau và có thể chia sẻ với nhau như những người tri kỉ!
Những điều đó không sai, nhưng nếu quá nhấn mạnh sự đồng cảm/đồng cảnh, liệu có khiến ý nghĩa của hai chữ “đồng chí” bị giới hạn hẹp lại?
Thực tế, khi các em học lớp 12, tới bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, khi giảng đôi điều về tác giả và sự ra đời của tác phẩm, tôi thường phải giúp học trò thấy rõ cơ sở tạo nên vẻ đẹp hào hoa, hào hùng của người chiến sĩ Tây Tiến, cơ sở của những câu thơ lãng mạn ngọt ngào.
Trước những câu hỏi của học trò về sự đối sánh giữa vẻ đẹp của những người lính tới từ nơi “nước mặn đồng chua” với những người lính có xuất thân từ “Hà Nội dáng kiều thơm”, tôi đã phải nới rộng khái niệm “đồng chí” từ bài thơ các em đã thuộc lòng ý tứ, quan niệm từ lớp 9 - theo cách chiết tự từ “đồng chí”.
Học sinh phải hiểu họ là những người cùng chí hướng, còn sự xuất thân của họ chỉ là một trong những yếu tố tạo nên sự đa dạng, phong phú của cuộc sống, cách hiểu ấy khiến học sinh được tiếp xúc đồng thời với những người lính ra chiến trường vẫn canh cánh với “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày / Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” và những chàng trai hào hoa lãng mạn dằn lòng ra đi, bỏ lại cả một Hà Nội “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”…
Cách hiểu này khiến khái niệm “đồng chí” rộng hơn, tránh được những cực đoan nhiều khi tạo ra bi kịch cho cả cuộc đời lẫn văn chương!
Cũng cần lưu tâm hơn tới việc thay đổi quan niệm khi thể hiện yêu cầu trong các câu lệnh. Để phát huy tính chủ động, độc lập, sáng tạo cho học trò, nên tạo những câu hỏi mở thực sự, tránh định hướng, cần có niềm tin vào khả năng tư duy và cảm thụ của các em thay vì đặt các em trước một hành lang hẹp.
Ví dụ, câu hỏi số 3 của phần 1:“Đoạn cuối bài thơ có một hình ảnh giản dị mà giàu sức gợi: “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Hình ảnh thơ đó giúp em hiểu gì về vẻ đẹp của những anh bộ đội Cụ Hồ?”.
Nếu thay bằng cách hỏi không vạch sẵn đường đi nước bước, ví dụ: “Hãy trình bày cảm nhận của em về hình ảnh những người đồng chí qua hình ảnh cuối bài thơ:“Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”, học sinh sẽ được dành một khoảng không gian rộng cho những suy ngẫm, liên tưởng, cảm nhận độc lập. Các em cũng tránh được cách học tủ, học theo văn mẫu đã quá nhàm chán bao lâu nay!
Câu hỏi số 2 phần nghị luận xã hội có lẽ cũng nên diễn đạt lại cho logic hơn khi “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người” là một câu hỏi, chưa phải ý kiến. Dó vậy, có thể yêu cầu một câu lệnh phù hợp hơn.
Ví dụ: “Dựa vào đoạn trích trên kết hợp với những hiểu biết xã hội, hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi để trả lời câu hỏi: “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?”.
Văn chương luôn hướng tới cái đẹp và cái đẹp luôn cần sự mới mẻ cùng một khoảng trời tự do cho suy tưởng và cảm nhận! Và các đề Văn càng cần điều đó!