Vừa qua, sự việc bé trai 6 tuổi (Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trong ôtô đưa đón học sinh đã khiến rất nhiều người đau xót kèm theo đó là hoang mang, lo lắng. Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân tử vong của bé, theo các chuyên gia y tế, sốc nhiệt và ngạt khí độc trong xe có thể là nguyên nhân khiến bé tử vong.
Dấu hiệu ngạt khí CO
Theo bác sĩ Trần Điền Tú, Trung tâm Cấp cứu 115, TP.HCM, khi bị kẹt trong ôtô không bật điều hòa, xe đóng kín cửa, nạn nhân có thể sẽ tử vong do nhiều yếu tố kết hợp tác động. Đầu tiên đó là kiệt sức do sức nóng của xe. Sức nóng này có thể bắt nguồn từ động cơ đốt trong, nhiệt độ từ môi trường bên ngoài vào và hiệu ứng nhà kính trong xe.
Sốc nhiệt, khí độc có thể "giết chết" con người nếu ngủ quên trong ôtô. Ảnh: Medical Daily. |
Khi xe đóng kín cửa, đồng nghĩa với việc khí oxy rất ít. Thêm vào đó, nạn nhân sẽ bị ngộ độc khi hít phải những độc khí như CO, CO2, NO bị rò từ hệ thống khí thải động cơ vào khoang xe (chủ yếu trong trường hợp xe không được kiểm định đầy đủ).
Bác sĩ Tú cho biết khí CO được sản xuất bằng cách đốt xăng, gỗ, propan, than hoặc nhiên liệu khác. Ở các thiết bị và động cơ ôtô, thông gió không đúng cách hoặc đóng kín cửa sẽ gây tích lũy độc khí này ở mức nguy hiểm.
Khí CO không màu, không mùi, không vị nên rất khó nhận biết một người bị ngộ độc. Nạn nhân thường xuất hiện các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ói mửa, khó thở, mờ mắt, lú lẫn.
Cách sơ cứu nạn nhân bị ngạt trong ôtô
Bác sĩ Tú cho biết trong trường hợp phát hiện nạn nhân nghi ngờ ngộ độc khí và sốc nhiệt trong ôtô, người xung quanh cần mở tất cả cửa sổ trên xe, thậm chí phá cửa kính (nếu cần). Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi xe và chuyển đến bệnh viện gần nhất, hoặc gọi cấp cứu 115 nhờ hỗ trợ.
Sơ cứu đúng cách, kịp thời có thể cứu sống nạn nhân khi bị ngạt trong ôtô. Ảnh: shutterstock. |
Nếu phát hiện bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, hãy bắt đầu hồi sinh tim, phổi căn bản theo quy tắc C,A,B như sau:
C: Circulation
- Kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn.
- Nếu nạn nhân không có mạch, bắt đầu xoa bóp tim ngoài lồng ngực, ngửa đầu nâng cằm và hà hơi thổi ngạt.
- Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ và tiến hành làm mát ngay lập tức bằng cách lau người bằng nước, đặt túi chườm đá hoặc khăn ướt lên đầu, cổ, nách và bẹn của nạn nhân, chờ đội cấp cứu đến.
A: Airway
- Kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi,... phải dùng tay móc ngay ra.
B: Breathing
- Kiểm tra nạn nhân còn thở hay không bằng cách nhìn lồng ngực, ghé tai sát mũi, nghe tiếng thở trong 10 giây. Nếu nạn nhân còn thở, tiếp tục duy trì đường thở Airway.