Chiều 17/11, bốt điện nằm trên hè phố Trưng Nhị, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội phát nổ rồi bốc cháy.
Theo nhân chứng, sau tiếng nổ, bốt điện bùng cháy và lan sang một số người ngồi ở quán nước trà đá ngay cạnh.
Theo hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội, trạm biến áp bốc cháy được lắp trên vỉa hè, gồm tủ điện và biến áp gắn trên cột bê tông. Một người đàn ông bị lửa bén làm cháy quần áo, trượt da gào thét trên đường. Người này cùng các nạn nhân khác đang được cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia.
Nạn nhân được người dân dội nước làm mát. Ảnh: Cắp từ clip. |
Theo chuyên gia điện của Đại học Bách Khoa Hà Nội, trạm biến áp nhất thiết phải có khoảng cách an toàn với khu vực sinh hoạt. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người dân không để ý đến điều này. Thậm chí, các hộ dân đã tận dụng diện tích ngay dưới chân trạm biến áp làm nơi đặt bếp nấu ăn, bắc lò than đun nước để bán trà đá bất chấp nguy hiểm.
Sự việc đã cảnh báo mạnh mẽ đối với người dân chủ quan khi sinh hoạt bên cạnh các bốt điện - trạm biến áp.
PGS Lê Năm - nguyên Giám đốc Viện Bỏng quốc gia - cho hay hàng năm có từ 3.500-4.000 bệnh nhân bỏng nặng, hoặc rất nặng vào điều trị. Bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận các ca bỏng do cháy nổ trạm biến áp.
Thậm chí cả cán bộ, kỹ sư điện cũng bỏng trong lúc kiểm tra trạm biến áp mà không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động.
Theo PGS Lê Năm, các nạn nhân từ vụ nổ trạm biến áp thường là do bỏng nhiệt chứ không phải bỏng điện. Các tia lửa điện phóng cháy tạo thành lửa lan ra những người ở khu vực gần.
Trong trường hợp này, nếu xử lý nhanh, tốt, vết thương của nạn nhân sẽ nông, không nguy hiểm tới tính mạng như bỏng điện. Còn bỏng do điện giật nguy hiểm hơn rất nhiều bởi dòng điện sẽ tàn phá cơ thể, phá hủy các tổ chức gây bỏng sâu, di chứng nặng.
Về nguyên tắc sơ cứu bỏng do cháy bốt điện - trạm biến áp, PGS khuyến cáo cách nhanh và hiệu quả nhất là dùng nước sạch dội ngay lên vết thương.
“Với các phản ứng cháy trên cơ thể, lúc này nhiệt độ sẽ từ 60-80 độ C. Việc dùng nước ngay lập tức dội lên sẽ có tác dụng hạ nhiệt giúp vết thương đỡ sâu hơn. Bỏng nông dễ điều trị hồi phục hơn. Việc này phải được thực hiện sớm khi gặp nạn. Nếu để lâu, việc sơ cứu này không còn tác dụng”, PGS Lê Năm khuyến cáo.
Trong trường hợp cấp bách, có thể tạm thời sử dụng các nguồn nước khác nhau để sơ cứu cho nạn nhân. Sau đó, người dân phải tìm nguồn nước sạch để rửa sạch vết thương cho họ.
Chuyên gia cũng lưu ý tuyệt đối không dùng các biện pháp dân gian như nước mắm, kem đánh răng, mỡ... bôi lên vết bỏng. Thực tế đã ghi nhận nhiều ca nhiễm trùng do cách sơ cứu sai lầm này.
Sau khi sơ cứu, nạn nhân cần được đưa đến bệnh viện sớm nhất để bác sĩ xử lý.