Nhà tôi có trẻ 7 tuổi bị mắc Covid-19 nhưng triệu chứng nhẹ nên được điều trị tại nhà. Khi cháu bị sốt, tôi nên sử dụng thuốc nào để hạ sốt? Và gia đình cần làm gì khi cháu có dấu hiệu nặng lên?
Sở Y tế Hà Nội
Theo tài liệu "Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà" được Sở Y tế Hà Nội ban hành, khi trẻ mắc Covid-19 được điều trị tại nhà, gia đình cần cho trẻ nằm phòng riêng, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi, uống nhiều nước, đảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ. Trẻ cần được vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng sạch sẽ.
Ngoài ra, cha mẹ nên đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày cho trẻ hoặc khi cảm thấy trẻ sốt. Nếu trẻ bị sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ nên cho trẻ uống Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, lặp lại mỗi 4-6 giờ nếu vẫn còn sốt.
Độ tuổi trẻ em | Dạng thuốc |
<1 tuổi | Paracetamol bột 80 mg |
1-2 tuổi | Paracetamol bột 150 mg |
2-5 tuổi | Paracetamol bột 250 mg |
5-12 tuổi | Paracetamol bột 325 mg |
>12 tuổi | Paracetamol bột 500 mg |
Cha mẹ cần chú ý theo dõi các triệu chứng của trẻ khi được điều trị tại nhà. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường, cần báo y tế: sốt trên 38,5 độ C; tức ngực; đau rát họng, ho; cảm giác khó thở; tiêu chảy; SpO2 <96% (nếu đo được); trẻ mệt, không chịu chơi; ăn/bú kém.
Ngoài ra, các dấu hiệu trẻ chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc tổ y tế cộng đồng để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay:
- Thở nhanh theo tuổi: 1-5 tuổi (≥ 40 lần/phút); 5-12 tuổi (≥ 30 lần/phút); trên 12 tuổi (≥20 lần/phút).
- Cánh mũi phập phồng.
- Rút lõm lồng ngực.