Trẻ em sau bao lâu nhiễm nCoV sẽ xuất hiện triệu chứng và các triệu chứng phổ biến là gì?
Bộ Y tế
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em ban hành kèm theo Quyết định số 5155/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định như sau:
Thời gian ủ bệnh Covid-19 của trẻ em là 2-14 ngày, trung bình là 4-5 ngày. Ở giai đoạn khởi phát, trẻ có một hay nhiều triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ.
Tuy nhiên, phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với tình trạng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).
Thời kỳ hồi phục thường kéo dài từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 ngày. Nếu không có các biến chứng nặng, trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.
Nhóm bệnh nhân | Trẻ em | Người lớn |
Thời gian ủ bệnh | - 2-14 ngày. - Trung bình là 4-5 ngày. - Chưa có dữ liệu phân biệt thời gian ủ bệnh giữa các biến chủng mới. | - 2-14 ngày. - Trung bình là 5-7 ngày. - Các ca nhiễm biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn. |
Thời gian hồi phục | - Ngày thứ 7 đến ngày thứ 10. | - Trường hợp nhẹ và trung bình: Sau 7-10 ngày, bệnh nhân hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài. - Trường hợp nặng: Biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 2-3 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng. - Trường hợp nguy kịch có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài. - Một số trường hợp sau nhiễm SARS-CoV-2 gặp các rối loạn kéo dài như bệnh lý tự miễn, hội chứng thực bào... |
Triệu chứng phổ biến | Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ. | + Biến chủng Alpha: - Sốt, ho khan, mệt mỏi, đau đầu, đau họng. - Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng… + Biến chủng Delta: Đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy, khó thở, đau cơ. |
Triệu chứng Covid-19 ở trẻ thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh như nhiễm virus cúm mùa, virus hợp bào hô hấp (RSV), rhinovirus, myxovirus, adenoviru; hội chứng cảm cúm do các chủng coronavirus thông thường; các căn nguyên gây nhiễm khuẩn hay gặp, gồm vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma pneumonia; các nguyên nhân khác có thể gây viêm đường hô hấp cấp tính nặng như cúm gia cầm A/H5N1, A/H7N9, A/H5N6, SARS-CoV, MERS-CoV.
Do đó, các bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt tình trạng nặng của bệnh do Covid-19 (suy hô hấp, suy chức năng các cơ quan…) với nguyên nhân gây bệnh khác hoặc do tình trạng nặng của bệnh lý mạn tính kèm theo. Ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, chúng ta cần chú ý nguyên nhân nhiễm khuẩn đi kèm hay chẩn đoán phân biệt với tình trạng nhiễm khuẩn khác.