Khi trẻ điều trị Covid-19 tại nhà, tôi cần lưu ý những gì để biết tình trạng sức khỏe của con đang có diễn biến xấu, cần đến bệnh viện?
Minh Anh - Hậu Giang.
Bộ Y tế
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em ban hành kèm Quyết định số 5155/QĐ-BYT ngày 9/11 của Bộ Y tế, phần lớn trẻ em mắc Covid-19 đều không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hoá (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).
Trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.
Bộ Y tế đưa ra các dấu hiệu để gia đình phản ứng trước bệnh tình của trẻ như sau:
Triệu chứng | Cách phản ứng |
- Thở nhanh - Khó thở, cánh mũi phập phồng - Rút lõm lồng ngực - Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống - Tím tái môi đầu chi - SpO2 <95%. | - Dấu hiệu chuyển nặng - Báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã, phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay. |
- Sốt >38 độ C - Đau rát họng, ho - Tiêu chảy - Trẻ mệt, không chịu chơi - Tức ngực - Cảm giác khó thở - SpO2 <96% - Ăn/bú kém. | Báo ngay cho nhân viên y tế |
Ngoài ra, Bộ Y tế khuyến cáo phụ huynh điều trị trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ tại nhà, trường hợp điều trị không dùng thuốc cần lưu ý:
- Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi.
- Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol.
- Đảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ.
- Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.
- Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn).
- Theo dõi:
+ Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt.
+ Đo SpO2 (nếu có) tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.