Thụy Sĩ là điểm đến du lịch thu hút rất nhiều du khách Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock. |
Thụy Sĩ với phong cảnh, ẩm thực, lịch sử và khu mua sắm sang trọng, từ lâu là điểm đến phổ biến của du khách Trung Quốc, những du khách chi tiêu nhiều nhất tại đây.
Đối tác quen thuộc
Theo Phòng Thương mại Thụy Sĩ, Lucerne là điểm đến được du khách Trung Quốc tìm kiếm nhiều nhất ở nước này. Thành phố đáp ứng tất cả các tiêu chí dành cho du khách Trung Quốc với hồ Lucerne lấp lánh, kiến trúc thời Trung cổ, các đỉnh núi thơ mộng như Pilatus và Titlis cùng nhiều khu mua sắm cao cấp.
Thị trấn cổ Lucerne, nằm bên hồ Lucerne, Thụy Sĩ. Ảnh: Shutterstock |
Lucerne (hay Luzern) là thành phố thuộc tiểu bang cùng tên, nằm ở vùng Trung Bắc Thụy Sĩ. Thành phố này cách Zurich khoảng 50 km và Geneva tầm 90 km. Đây là một trong những đô thị nổi tiếng nhất Thụy Sĩ, được xem là đầu mối giao thông, kinh tế, văn hoá và truyền thông của khu vực.
Thụy Sĩ đã quảng bá du lịch cho người dân Trung Quốc trong hơn 20 năm. Hai quốc gia đã ký thỏa thuận song phương về xúc tiến du lịch vào năm 2007. Năm 2019, lượng khách đến từ Trung Quốc đại lục đạt mức cao nhất - chiếm 1,8 triệu lượt lưu trú qua đêm. Những chuyến xe buýt du lịch chở đầy người Trung Quốc đã trở thành hình ảnh phổ biến ở Lucerne.
Dù một số quốc gia láng giềng như Italy và Áo đã áp đặt các hạn chế với khách Trung Quốc do lo ngại Covid-19, Thụy Sĩ không có kế hoạch trong việc kiểm tra hoặc cách ly những người từ Trung Quốc. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì du lịch là một ngành quan trọng đối với Thụy Sĩ, chiếm gần 3% GDP và 4,4% việc làm.
Một đoàn tàu bánh răng leo lên đỉnh núi Pilatus, Lucerne, Thụy Sĩ. Ảnh: Shutterstock. |
Bên cạnh đó, người Trung Quốc được cho là những du khách nước ngoài chi tiêu cao nhất tại Thụy Sĩ, chi trung bình 403 USD mỗi người mỗi ngày. Năm 2019, thu nhập từ du khách Trung Quốc ước tính hơn 755 triệu USD. Du lịch Thụy Sĩ được dự đoán sẽ “phục hồi đáng kể” vào mùa hè năm 2023 sau khi đón tiếp các lượt khách quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Sara Roloff, quan chức hàng đầu của ngành du lịch Thụy Sĩ, xác nhận cách tiếp cận quảng bá du lịch ở châu Á của nước này đã thay đổi rất ít so với trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Bà Roloff cho biết ngành du lịch Thụy Sĩ từ lâu đã coi Trung Quốc là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển.
Quanh cảnh núi Titlis nổi tiếng của Thụy Sĩ. Ảnh: Shutterstock. |
Trong suốt những năm Trung Quốc đóng cửa do Covid-19, du lịch Thụy Sĩ vẫn tích cực quảng bá trên các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến tại quốc gia tỷ dân như Weibo và WeChat.
Phát triển trải nghiệm mới
Ngành du lịch Thụy Sĩ đang thúc đẩy các trải nghiệm du lịch mới cho khách Trung Quốc với hy vọng cách tiếp cận này sẽ trở nên phổ biến thời hậu Covid-19.
“Những khách du lịch Trung Quốc thường rất tò mò và có xu hướng muốn khám phá nhiều hơn. Do đó, chúng tôi đã nghiên cứu một số giải pháp, và đưa ra các đề xuất về cách trải nghiệm Thụy Sĩ mới lạ”, quan chức ngành du lịch Thụy Sĩ Simon Bosshart nói.
Một trong những ưu đãi lớn nhất cho khách du lịch tới Thụy Sĩ là mạng lưới đường sắt. Thuỵ Sĩ vốn được biết đến là một trong những quốc gia nổi tiếng nhất về hệ thống đường sắt, đi qua hàng loạt dãy núi, đường hầm và rừng rậm đẹp. Các cơ quan quản lý du lịch nước này đang nghiên cứu các đề xuất để thúc đẩy du lịch bằng tàu hỏa cho người Trung Quốc.
“Các mục tiêu dài hạn là chứng minh sự an toàn, tốc độ và sự tiện lợi của phương tiện giao thông công cộng ở Thụy Sĩ đối với khách du lịch”, bà Nina Shi, đại diện Swiss Travel System tại Trung Quốc, cho biết.
Châu Âu có diện tích nhỏ thứ hai thế giới nhưng sở hữu nền văn hóa đa dạng, có lịch sử phát triển lâu đời. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về lục địa già.