Thạc sĩ Lưu Liên Hương, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết trong đại dịch, nhiều người dân có thói quen tích trữ thực phẩm để hạn chế đi chợ, siêu thị, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.
Chuyên gia lưu ý thực phẩm được bảo quản quá lâu trong tủ lạnh sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Thức ăn đã chế biến chỉ có thể để trong tủ lạnh khoảng 3-4 ngày ở nhiệt độ phù hợp với từng loại.
Lương thực lưu trữ trong thời gian dài sẽ dẫn đến mất màu sắc, hương vị, kết cấu và giảm dinh dưỡng. Ngoài ra, nó còn có thể phát triển vi khuẩn, gây nên một số vấn đề như ngộ độc, rối loạn tiêu hóa hoặc khó tiêu.
Thực phẩm trong tủ lạnh cần được bảo quản đúng cách để tránh các vấn đề về sức khỏe. Ảnh: Getty. |
Để tránh những điều này, theo thạc sĩ Hương, nhiệt độ thích hợp và thời gian chuẩn để bảo quản một số thực phẩm trong tủ lạnh như sau:
- Thực phẩm thông thường 8 độ C, sữa 4 độ C, thịt tươi 3 độ C, kem lạnh -18 độ C, thịt ướp đá -18 độ C, cá đông lạnh -20 độ C.
- Thịt gia cầm sống: Thịt sống trong nhiệt độ 4-5 độ C để trong 1-2 ngày và với -17 độ C sẽ bảo quản được khoảng một năm. Riêng đồ nấu chín không để quá 2-6 tháng.
- Thịt đỏ và thịt lợn: Hai loại này có thể để trong ngăn mát 5 ngày, ngăn đá 4-12 tháng. Thịt chín bảo quản lạnh 3-4 ngày, đông từ 2 đến 6 tháng.
- Thịt băm, nghiền: Loại thịt băm như bò, bê, lợn và gia cầm bảo quản lạnh từ 1-2 ngày, đông 3-4 tháng.
- Thịt chế biến sẵn: Người dân bảo quản trong tủ lạnh khoảng hai tuần khi chưa bóc, 3-5 ngày sau khi mở. Trong ngăn đá, nó có thể để được từ một đến hai tháng.
- Thịt lợn xông khói: Sản phẩm này bảo quản lạnh được một tuần và ngăn đông một tháng.
- Lạp sườn: Người dân sử dụng trong 2 ngày khi bảo quản tủ lạnh và một tháng ở ngăn đông hoặc hơn, tùy từng loại.
- Trứng: Trứng chín bảo quản lạnh được một tuần và sống là một tháng. Đặc biệt, nó để được một năm trong ngăn đông.
Thạc sĩ Hương cho biết người dân khó có thể đảm bảo đúng nhiệt độ yêu cầu vì trong gia đình thường chỉ dùng chung một tủ lạnh. Do đó, người dân chỉ nên mua, dự trữ đồ ăn vừa phải khoảng 2-3 ngày là tốt nhất cho mùa dịch này.
Trước khi chế biến, người dân lấy thức ăn trong tủ ra phải làm rã đông, rửa sạch chất nhờn. Chúng ta cần nấu đạt nhiệt độ chuẩn để chín đều, tránh hiện tượng sống.
Theo thạc sĩ Hương, người dân nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế hoa quả ngọt dưới 100 gam trong ngày và duy trì tinh bột. Lưu ý, chuối, khoai tây, bánh mỳ là những thứ dễ bị biến chất khi bảo quản lâu trong tủ lạnh.
Người dân nên hạn chế ăn vặt, ưu tiên chế biến thực phẩm dưới dạng hấp luộc, kho, hạn chế xào rán nhiều. Người dân cũng cần duy trì sữa cho gia đình mình.