Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách tránh thai nào tốt nhất?

Một số phụ nữ triệt sản nhưng vẫn có bầu. Thực tế, các phương pháp tránh thai đều có tỷ lệ thất bại nhất định.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết hiện nay, phụ nữ có thể chọn lựa nhiều phương pháp tránh thai như thuốc uống, tiêm, cấy dưới da, miếng dán, đặt vòng.

"Không ít người đặt câu hỏi đâu là cách tốt nhất để tránh thai. Câu trả lời là không có phương pháp tốt nhất, chỉ có phương pháp phù hợp với mỗi người. Phù hợp được hiểu cả về mặt thói quen, hoàn cảnh, hiệu quả và tác dụng phụ", TS Trung nói.

Thói quen

Nếu bạn đang dùng phương pháp ngừa thai bằng thuốc uống và không thấy tác dụng phụ, hãy tiếp tục. Tiến sĩ Trung lưu ý nhiều người hay thay đổi phương pháp tránh thai theo sự mách bảo của bạn bè thay vì dùng ổn định. Việc chuyển sang phương pháp mới có thể không phù hợp hoặc gây tác dụng phụ.

cach tranh thai phu hop anh 1

Các bác sĩ khuyên phụ nữ nên dùng ổn định một phương pháp tránh thai phù hợp với cơ thể. Ảnh: Shutterstock.

Hoàn cảnh

Những yếu tố quyết định phương pháp tránh thai phù hợp là độ tuổi, số con, tiền sử sẩy hoặc nạo thai, thời gian mong muốn có thai tiếp theo, bệnh nền, các vấn đề liên quan phụ khoa như u nang, u xơ, cổ tử cung...

Ngoài ra, độ tuổi của chồng, con, công việc hiện tại cũng là yếu tố quan trọng để cân nhắc phương pháp tránh thai phù hợp.

TS Trung lưu ý bệnh nhân mắc u xơ tử cung dưới niêm mạc nên tránh đặt vòng. Bệnh nhân có tiền sử viêm gan, men gan tăng nên tránh dùng thuốc tránh thai dạng uống. Phụ nữ trẻ, từng nạo thai 2-3 lần, không được uống thuốc tránh thai, nên dùng que cấy dưới da.

Tác dụng phụ

Thực tế, một số phụ nữ vẫn có thai dù đã triệt sản. Do đó, mỗi phương pháp tránh thai đều có tỷ lệ thất bại nhất định, không có cách nào là triệt để.

Những phương pháp có tỷ lệ thất bại cao là thuốc tránh thai chỉ chứa progestin (thường dùng khi cho con bú), thuốc khẩn cấp. Đặc biệt, thuốc tránh thai khẩn cấp cho hiệu quả cao khi uống sớm, thường không quá 36 giờ sau khi quan hệ.

cach tranh thai phu hop anh 2

Tác dụng phụ của thuốc tránh thai biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Ảnh: Shutterstock.

Những phương pháp tránh thai mang lại hiệu quả cao là que cấy dưới da, thuốc uống hàng ngày, triệt sản, đặt vòng.

Tuy nhiên, vòng tránh thai có thể khiến kinh nguyệt trong 2-3 tháng đầu nhiều hơn bình thường. Tình trạng rong kinh, đau bụng có thể xuất hiện. Đặc biệt, phụ nữ đặt vòng tránh thai hay có tình trạng ra huyết trắng nhiều hơn bình thường.

Cấy que tránh thai cũng rất an toàn. Tuy nhiên, que cấy tránh thai có thể khiến phụ nữ bị rong kinh hoặc không có kinh nguyệt trong vài tháng.

Thuốc tránh thai loại phối hợp (kết hợp hai thành phần nội tiết) chỉ mang đến hiệu quả nếu dùng đúng. Nhược điểm của phương pháp này là phụ nữ phải nhớ lịch uống. Một số trường hợp gặp các tác dụng phụ như tăng cân, mụn, nám da...

Bác sĩ Trung nhận định đến nay, nhiều phương pháp tránh thai dần đi vào quên lãng do tác dụng phụ. Điều này chứng tỏ không có loại nào là tốt nhất, hầu hết đều ẩn chứa tác dụng phụ. Những tác dụng phụ này xuất hiện và gây ảnh hưởng khác nhau ở mỗi người.

Do đó, khi bị chậm kinh hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mang thai, phụ nữ hãy nhanh chóng kiểm tra hoặc tới cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám.

Những điều phụ nữ mang thai cần tránh Uống rượu bia, hút thuốc lá, tiếp xúc với các hóa chất độc hại, tập thể dục quá sức... là những điều phụ nữ cần tránh trong khi mang thai.

Những ngộ nhận về bao cao su

Bao cao su là biện pháp tránh thai phổ biến hiện nay, tuy nhiên, nhiều người vẫn còn hiểu biết sai lầm về sản phẩm này.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm