Bác sĩ cho hỏi con tôi 2-3 ngày mới đi đại tiện một lần, bé được 3 tháng tuổi. Dấu hiệu này có phải con bị táo bón không?
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội, tư vấn:
Trẻ trong 3 tháng đầu thường đi đại tiện nhiều hơn là bị táo bón, nếu 2-3 ngày mà trẻ không đi đại tiện thì gọi là bị táo bón. Tuy nhiên, ngoại trừ trẻ táo bón nặng, 5-7 ngày không vệ sinh được mới đáng lo, còn 2-3 ngày không có gì nguy hại cả. Thực tế, nhiều trẻ lúc nào cũng 2 ngày mới đi vệ sinh một lần, ngược lại, có trẻ nhu động ruột nhiều, mỗi ngày 2-3 lần. Nếu tần suất như vậy mà con vẫn tăng cân tốt, bú ngủ bình thường thì không cần điều trị.
Táo bón thường có thể cải thiện hay trị hết hẳn cho trẻ với các cách sau:
- Đối với trẻ bú mẹ: Mẹ cần ăn nhiều rau, ăn đu đủ chín, uống nước rau má, nước dừa tươi, nước râu ngô (râu bắp). Trong thời gian cho con bú, mẹ cần uống tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày (tính cả nước lọc, nước canh và các loại nước khác trong ngày).
Đa phần trẻ bú mẹ trong 3 tháng đầu thường đi ngày 1-3 lần, trẻ bú bình bao giờ cũng bón hơn. Trẻ dưới 6 tháng, bú mẹ hoàn toàn nhưng khi bé bị táo bón, vẫn cần cho uống nước thêm từ tháng thứ 3 trở đi, ngày khoảng 20-30 ml nước ấm và tăng dần lượng nước theo tháng tuổi. Trẻ bú mẹ không bị táo bón, qua tháng thứ 6, mẹ cũng cần tập cho con uống thêm nước mỗi ngày chừng 20 ml nước và tăng dần lên.
- Đối với trẻ bú bình: Với trẻ trên 2 tháng, khi bị táo bón nhiều, có thể áp dụng uống một vị thuốc dân gian rất hiệu quả trong việc trị táo bón đó là lá diếp cá.
Mẹ lấy khoảng 15- 20 lá diếp cá, rửa sạch, ngâm nước muối loãng cho đảm bảo diệt sạch khuẩn. Sau đó giã nát và cho 2-3 thìa cà phê nước sôi vào, chiết ra để nguội, cho con uống ngày 2 lần. Sau 2-3 ngày, con sẽ giảm hẳn. Nên cho uống cách ngày đến khi nào con giảm nhiều hay hết táo bón hẳn thì ngưng. Trẻ dưới 2 tháng, mẹ nên tự uống và cho con bú (liều lượng gấp đôi). Cách này áp dụng cho cả các bé lớn trên 3 tháng, mấy tuổi uống cũng hiệu quả.
- Mát xa bụng: Muốn con đi dễ hơn, ngày 2-3 lần, mẹ xoa bụng cho con theo chiều kim đồng hồ quanh bụng, khoảng 3-5 phút.
Lưu ý: Nếu bé 3-4 ngày chưa đi, mẹ nên điều trị ngay cho con. Không nên để cả tuần, con rất khó chịu, bụng ì ạch khó bú, khó ngủ.