Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách vượt qua nỗi sợ, tự tin chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT

Trong giai đoạn nước rút trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, không ít thí sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tâm lý.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ chính thức diễn ra trong hai ngày 28/6 và 29/6. Để đạt kết quả tốt, các thí sinh cần có chiến lược kiểm soát lo lắng, chiến thắng nỗi sợ của bản thân.

Tâm lý ảnh hưởng kết quả

Theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo - Trưởng bộ môn Kỹ năng, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech) - tình trạng căng thẳng trước kỳ thi và trong phòng thi là vấn đề thường thấy vì thí sinh ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi đối với tương lai của bản thân. Cùng với đó, áp lực từ gia đình, áp lực đồng trang lứa... cũng khiến các bạn ám ảnh về việc thất bại và lo sợ nhiều hơn.

Hutech anh 1

Nỗi sợ có thể ảnh hưởng đến năng lực làm bài, dẫn đến kết quả không như mong muốn.

Ngoài ra, nỗi lo sợ còn xuất phát từ việc các em chưa tự tin với năng lực học tập và nguyện vọng của mình. Khi bắt tay vào làm bài thi, việc gặp phải những câu hỏi không nằm trong phạm vi ôn tập hay không giải ra đáp án càng khiến thí sinh mất bình tĩnh.

Những cảm giác như căng thẳng, lo sợ, bồn chồn, bất an thực tế là quy luật tâm lý chung của bất kỳ thí sinh nào. Tuy nhiên, theo ThS Chế Dạ Thảo, việc sĩ tử lo lắng quá mức có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe với những biểu hiện như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, tay chân run rẩy, hệ tiêu hóa rối loạn... Đồng thời, điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình giải quyết đề thi của thí sinh.

“Năng lực làm bài thi bị giới hạn từ việc sợ hãi quá nhiều, khiến không ít thí sinh thất bại trong phòng thi”, cô Dạ Thảo nhận định. Dễ thấy, một vài trường hợp dù năng lực học rất tốt nhưng không kiểm soát được tâm lý, gây sụt giảm phong độ làm bài, dẫn đến kết quả không cao.

Bí quyết "vượt vũ môn" thành công

Thấu hiểu điều này, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo gợi ý loạt bí quyết để sĩ tử ứng phó với nỗi căng thẳng, sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới.

Hutech anh 2

ThS Chế Dạ Thảo chia sẻ bí quyết giúp thí sinh vượt qua nỗi sợ để làm bài thi thành công.

Theo cô, trước ngày thi, các bạn nên đi ngủ sớm, không nhồi nhét kiến thức và không đọc những tin tức tiêu cực. Đừng quên chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và các dụng cụ được phép sử dụng, tránh trường hợp để quên, khiến bản thân hoảng hốt, gây ảnh hưởng đến tâm lý.

Trước khi vào phòng thi, thí sinh có thể trò chuyện ngắn vui vẻ với các thí sinh khác. Khi vào phòng thi, các bạn nên quan sát xung quanh phòng và chào thân thiện với giám thị vài lần. Hành động này sẽ tạo cảm giác thân quen và an toàn, giảm trạng thái bất an.

Trong quá trình làm bài, sĩ tử nên làm theo thứ tự từ dễ đến khó. Nếu gặp câu hỏi quá khó không giải ngay được, các bạn nên tạm bỏ qua và quay lại sau. Khi cảm thấy căng thẳng quá mức, bạn hãy hít thở sâu 5-10 lần và uống ngụm nước nhỏ rồi tiếp tục làm bài.

Sau mỗi môn thi, thí sinh hạn chế kiểm tra hoặc so sánh kết quả làm bài với bạn khác. Điều này không giúp ích gì, chỉ làm mất thời gian nghỉ ngơi, ảnh hưởng tinh thần cho bài thi sắp tới.

ThS Dạ Thảo cũng cho rằng ba mẹ đóng vai trò quan trọng không kém trong việc ổn định tinh thần, giảm nỗi sợ thi cử của thí sinh. Thay vì kỳ vọng quá mức hay liên tục hỏi điểm thi gây áp lực, phụ huynh nên động viên, tạo môi trường thoải mái, nhẹ nhàng cho sĩ tử.

Hutech anh 3

Nắm giữ bí quyết vượt qua nỗi sợ từ chuyên gia, các sĩ tử tự tin chinh phục kỳ thi sắp tới.

Với các học sinh lớp 12, kỳ thi sắp tới có ý nghĩa quan trọng, nên tâm lý hồi hộp, căng thẳng một chút là điều bình thường. Lúc này, những lời khuyên bổ ích từ chuyên gia tâm lý sẽ giúp các sĩ tử vượt qua nỗi lo thi cử, thể hiện tốt nhất khả năng của mình và đạt được nguyện vọng mơ ước.

Hutech là trường đại học đa ngành nổi bật với môi trường năng động cho thế hệ Gen Z, chương trình đào tạo chú trọng thực hành, tăng cường trải nghiệm doanh nghiệp. Năm 2023, Hutech tuyển sinh 59 ngành theo 4 phương thức xét tuyển, gồm xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT 2023; xét điểm thi ĐGNL 2023 của ĐHQG TP.HCM; xét tuyển học bạ 3 học kỳ (với điểm trung bình HK1, HK2 lớp 11 và HK1 lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên); và xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (với điểm trung bình cả năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên).

An Nghiên

Bạn có thể quan tâm