![]() |
Một số người có thể gặp phải tình trạng đau tim không rõ nguyên nhân. Ảnh: Shutterstock. |
Một số người có thể đột ngột cảm thấy tim đập nhanh, có thể trên 100 nhịp/phút dù không rõ nguyên nhân. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), nhịp tim lúc nghỉ ngơi trung bình của người trưởng thành dao động từ 60–100 nhịp mỗi phút. Khi nhịp tim vượt quá ngưỡng này, dù là thoáng qua hay kéo dài, đó có thể là dấu hiệu cần được theo dõi kỹ.
Phản ứng với cảm xúc mạnh
Căng thẳng, lo âu, tức giận hay sợ hãi đều có thể làm tim đập nhanh, theo Medical News Today. Khi gặp áp lực tinh thần, cơ thể tiết ra hormone epinephrine (adrenaline) từ tuyến thượng thận. Hormone này giúp cơ thể sẵn sàng phản ứng ngay lập tức với căng thẳng. Sự gia tăng adrenaline khiến người ta cảm thấy:
- Tim đập nhanh, không đều hoặc bỏ nhịp
- Huyết áp tăng
- Đồng tử giãn
- Ra mồ hôi
- cảm giác lo lắng, bồn chồn
Cách xử lý: Thông thường, các triệu chứng này sẽ giảm dần khi cảm xúc được ổn định. Nếu thường xuyên bị căng thẳng, người bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh như tăng huyết áp, đau tim hay đột quỵ. Một số cách giúp kiểm soát stress bao gồm:
- Tập thể dục đều đặn
- Thực hành thiền, yoga hoặc massage thư giãn
- Chia sẻ với người thân hoặc chuyên gia tâm lý
Phản ứng với một số loại thuốc, chất kích thích
Khi cơ thể phản ứng với một số loại thuốc, chất kích thích cũng xảy ra hiện tượng tim đập nhanh.
Caffeine: Có trong cà phê, trà, nước ngọt, nước tăng lực. Mỗi người có mức độ nhạy cảm khác nhau với caffeine. Dùng quá liều có thể gây mất ngủ, lo lắng, tim đập nhanh, đau đầu, buồn nôn.
Nicotine: Hoạt chất có trong thuốc lá, có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim thêm 10–15 nhịp/phút, dù được hút, hít hay uống.
Thuốc kê đơn: Một số thuốc có thể gây nhịp tim nhanh như: thuốc xịt hen suyễn, thuốc hạ áp, kháng histamine, thuốc chống nấm, thuốc chống trầm cảm và kháng sinh.
Thực phẩm chức năng: Một vài loại thảo dược có thể ảnh hưởng đến nhịp tim:
- Cam đắng: Dùng để giảm cân, hỗ trợ tiêu hóa – có thể gây tim đập nhanh.
- Valerian: Hỗ trợ giấc ngủ – có thể gây rối loạn nhịp tim, khó chịu, bồn chồn.
- Nhân sâm: Có thể gây mất ngủ, tim đập nhanh, đau đầu, rối loạn kinh nguyệt.
Cách xử lý: Nên giảm tiêu thụ caffeine, rượu, nicotine hoặc tránh lạm dụng các chất kích thích. Nếu triệu chứng xuất hiện sau khi dùng thuốc hay thực phẩm chức năng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đổi loại thuốc phù hợp.
Thay đổi nội tiết tố
Khi mang thai, tim phải bơm máu nhiều hơn để nuôi thai và nhau thai, khiến nhịp tim tăng nhẹ. Nghiên cứu cho thấy, tim thai phụ có thể đập nhanh hơn 7–8 nhịp/phút so với bình thường.
Ngoài ra rối loạn điện giải cũng có thể dẫn đến tình trạng trên. Điện giải (muối khoáng trong máu) giúp dẫn truyền xung điện trong cơ thể. Khi mất cân bằng điện giải, người bệnh có thể gặp tình trạng tim đập nhanh, khó thở, sốt, đầy hơi, lú lẫn, rối loạn nhịp.
Cách xử lý: Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để xác định mức điện giải. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể và mức độ mất cân bằng.
Cuốn sách "Cơ thể phi tuổi tác tâm trí phi thời gian" mang đến cho độc giả nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến quá trình lão hóa của con người. Chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng những phương pháp rất đơn giản.