Trường phổ thông dân tộc nội trú Lý Tự Trọng (xã A Xan, huyện Tây Giang) nằm cách trung tâm tỉnh Quảng Nam gần 200km, giáp biên giới Lào. Có một thầy giáo bảo rằng vì học trò họ sẵn lòng làm cái bang để các em khôn lớn, trưởng thành.
Phòng nội trú của Trường Lý Tự Trọng. |
Không hối tiếc
Nằm ở vùng xa, cách biệt, với gần 400 học sinh nhưng trường hết sức ngăn nắp, sạch sẽ như một đơn vị quân đội.
Là hiệu phó, ngoài việc dạy học, công việc của thầy Nguyễn Quang Tuấn là lo hậu cần cho nhà trường. Không thể để học sinh chịu rét, nhiều lần về quê công tác thầy tìm đến bạn bè ngày xưa để xin quyên góp.
“Năm mới lên dạy, nhìn các em áo quần tả tơi, mặt mũi lấm lem, chân trần co ro lạnh. Tôi quay về trường cũ ở thị trấn Hà Lam đặt vấn đề với thầy cô Trường Lê Quý Đôn. Mấy ngày sau, nhiều thùng áo quần của các bạn học sinh miền xuôi chuyển ngược lên cho học sinh ở đây” - thầy Tuấn kể.
Ở biên giới, chỉ cần một tháng mưa hoặc một cú sạt lở đường là lương thực cho các em bị hụt. Vì vậy cần phải dự trữ thức ăn đủ cho hai ba tháng.
Các thầy cô trong trường còn nuôi hơn 10 con heo và tận dụng biogas để nấu bếp và đỡ cảnh nhọc nhằn thầy trò ra rừng tìm củi trong mùa mưa.
“Anh Quang Bùi, bạn học của mình lúc nhỏ, bây giờ làm ăn cũng khá. Tôi tìm đến nhà đặt vấn đề, anh đồng ý và ủng hộ ngay hệ thống biogas và hệ thống pin năng lượng mặt trời, không những dùng cho trường này mà cho cả bốn xã vùng cao. Ở trường này tôi làm “cái bang” nhiều năm rồi. Thấy học trò mình tốt tươi hơn thì chẳng có gì phải hối tiếc” - thầy Tuấn tâm sự.
Tất cả nhờ thầy cô
Không chỉ nuôi ăn, dạy chữ cho các em, thầy cô còn lo luôn việc ốm đau bệnh tật cho từng học trò của mình.
Cách đây một tháng, thầy Tuấn phải dùng xe máy của mình chở hai học sinh Ríh Thị Vàng và PơLong Thị Phương vượt 200km đường rừng về Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để chữa bệnh.
Hai em bị thận mà cha mẹ các em thì ngày ngày ra rẫy tìm cái ăn đã khó, lấy gì lo chữa bệnh cho con. Chữ nghĩa, bệnh tật, ăn uống... tất cả nhờ thầy cô. Tiền viện phí, ăn ở, thuốc thang, 10 ngày nằm viện thầy Tuấn lại đứng ra kêu gọi bạn giúp rồi tự tay mình chăm các em đến ngày khỏe mạnh trở về trường.
Nói về thầy, PơLong Thị Phương tâm sự: “Ở đây thầy cô còn hơn cha mẹ em ở nhà. Được các thầy thương nên bọn em phải đến lớp học cho thầy cô vui”.
Ngày tết thầy cô 20/11, sân trường tràn ngập hoa rừng với đủ sắc màu được các em hái tặng thầy cô.
Thầy Tuấn đưa tấm hình vừa chụp trong điện thoại cho tôi xem, ảnh một trái tim xếp bằng kẹo ngọt với dòng chữ ngoằn ngoèo: “Chúng em yêu thầy cô lắm”. Đây là dòng chữ của một học sinh khuyết tật, thiếu khả năng viết nhưng với sự thương yêu, kèm cặp của các thầy cô, hôm nay em đã tự viết được dòng chữ vào tờ giấy rồi xếp kẹo lên trên để ở bàn thầy.
“Nhìn dòng chữ mà mừng rơi nước mắt. Làm thầy miền biên viễn vui chỉ chừng ấy thôi” - thầy Tuấn nói trong ánh mắt vui tươi.