Kiyotaka Nishimura chính thức ngừng kinh doanh General Warrant - một quán rượu kiểu izakaya, gồm quầy bar 14 chỗ ngồi kết hợp với phục vụ món ăn - mà anh cùng vợ là Makiko đã vận hành ở ngoại ô Tokyo (Nhật Bản) suốt 10 năm qua.
Nói cách khác, General Warrant là “nạn nhân” của Covid-19. Vợ chồng nhà Nishimura đóng cửa vào cuối tháng 3, chỉ 10 ngày sau khi Nhật Bản thoát khỏi tình trạng khẩn cấp lần thứ 2.
Sau đó, hai người chuyển tới Ayabe, một thị trấn nông thôn ở tỉnh Kyoto, nơi họ dự định tiếp quản việc quản lý ngọn núi và đi săn bắn.
“Đại dịch Covid-19 buộc chúng tôi phải làm vậy”, Kiyotaka (43 tuổi) nói với Nikkei.
Mặc dù đã phát triển thực đơn bán mang về và thương lượng giảm tiền nhà thành công với chủ thuê, anh vẫn gặp khó khăn trong việc trang trải tiền mặt bằng 170.000 yen/tháng (1.550 USD) cho không gian vỏn vẹn 33 m2.
Kể từ khi Kiyotaka và vợ quyết định lên núi, Tokyo tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 vì Covid-19, kéo dài từ từ 25/4 đến 11/5.
“Tôi cảm thấy tích cực vì bản thân đã đưa ra quyết định đúng đắn”, Kiyotaka chia sẻ vào hôm 28/4.
Vợ chồng Nishimura quyết định ngừng kinh doanh, chuyển tới một thị trấn vùng nông thôn để sinh sống. Ảnh: Nikkei. |
Ngành ẩm thực chật vật tồn tại
Nhật Bản là một trong những quốc gia quy tụ nền ẩm thực đa dạng nhất thế giới, từ các tiệm sushi trứ danh đến những quán đồ Hoa chính thống và cả thiên đường nhà hàng phương Tây thời thượng, theo Nikkei.
Bản thân Tokyo còn là thủ đô sao Michelin của thế giới. Theo ấn bản năm 2021 của Cẩm nang Michelin, tới 212 nhà hàng ở Tokyo sở hữu ít nhất 1 ngôi sao Michelin, vượt xa Paris (Pháp) với con số 115.
“Ngành dịch vụ ăn uống và văn hóa ẩm thực của xứ Phù tang cung cấp cho nó một số quyền lực mềm đẳng cấp thế giới”, Nobuko Kobayashi, đối tác của công ty EY Strategy and Consulting, nhận định với Nikkei.
Vì vậy, không lạ gì khi nhiều du khách đổ xô tới Nhật Bản để thưởng thức ẩm thực. Cựu Thủ tướng Shinzo Abe thậm chí đã biến những khách du lịch sành trở thành trụ cột trong chiến lược tăng trưởng của ông.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh nguy hiểm kéo dài đã đẩy ngành kinh doanh ẩm thực nước này tới bờ vực nguy hiểm.
Trong vòng 1 năm, chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp tới 3 lần, chủ yếu tại các khu vực đông dân cư như Tokyo, Osaka, Hyogo… Lần mới nhất dự kiến kết thúc vào ngày 11/5 nhưng bất ngờ bị kéo dài tới cuối tháng do Covid-19 hoành hành.
Tình trạng khẩn cấp tiếp tục kéo dài tới cuối tháng 5 ở nhiều tỉnh, thành phố tại xứ Phù tang. Ảnh: Nikkei. |
Các nhà hàng, quán bar là đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ những tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Nếu ở lần thứ 2 họ phải đóng cửa sớm, lần này họ không được bán rượu và những loại đồ uống có cồn khác.
Chính phủ hy vọng biện pháp này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa các thực khác khi họ tháo khẩu trang để ăn uống trong không gian chung, khép kín.
Nhiều chủ nhà hàng, quán bar vốn quá ngao ngán lệnh giới nghiêm từ tình trạng khẩn cấp thứ 2. Những lần trì hoãn kéo dài đã cản trở họ vận hành kinh doanh toàn lực, kéo theo doanh thu giảm đáng kể.
Một số khác không còn cách nào, đành phải bỏ công việc kinh doanh. Theo báo cáo của Tokyo Shoko Research, 842 nhà hàng đã nộp đơn phá sản với khoản nợ ít nhất 10 triệu yen (hơn 91.600 USD) vào năm 2020, tăng 5,3 % so với một năm trước đó.
Từ tháng 2/2020-4/2021, số lượng doanh nghiệp không phân biệt ngành nghề phá sản vì Covid-19 đã lên tới con số 1.299. Chiếm tỷ lệ cao nhất là ngành dịch vụ đồ ăn với con số 233, bất chấp việc chính phủ đã trợ cấp cho các doanh nghiệp.
Không ít hộ kinh doanh “chế giễu” khoản trợ cấp của chính phủ. Tại Tokyo, những nhà hàng thực hiện chỉ thị của chính phủ sẽ được nhận 40.000-200.000 yen/ngày (366-1.832 USD), tùy thuộc vào quy mô kinh doanh.
Tuy nhiên, nhiều chủ sở hữu nhà hàng, quán bar cho biết chừng đó chẳng thấm vào đâu so với chi phí cố định.
Không ít nhà hàng cố gắng bám trụ trong đại dịch, một số khác chấp nhận phá sản vì không thể duy trì kinh doanh. Ảnh: Getty Images. |
Một số quán ăn đang bất chấp tình trạng khẩn cấp của thành phố. Global-Dining, công ty điều hành chuỗi nhà hàng ở Tokyo, đã đệ đơn kiện chính quyền thủ đô và đòi bồi thường thiệt hại do thành phố yêu cầu giảm giờ làm việc.
Công ty này tuyên bố lệnh khẩn cấp “là bất hợp pháp và vi hiến vì nó vi phạm quyền tự do kinh doanh”, theo Nikkei.
Mặt khác, một số nhà hàng quyết tam vượt qua đại dịch bằng cách vay nợ ngân hàng. Theo Hiệp hội Dịch vụ Thực phẩm Nhật Bản, 59 công ty dịch vụ thực phẩm niêm yết đã vay ngắn hạn tổng trị giá 365,6 tỷ yen, gấp 4,6 lần so với trước Covid-19.
Các cá nhân cũng đang vay nhiều hơn dù chưa có số liệu cụ thể, đại diện hiệp hội chia sẻ.
Sự biến mất của thực khách
Năm 2019, du khách nước ngoài đã chi 4,8 nghìn tỷ yen tại xứ Phù tang, tăng 40% so với 4 năm trước đó. Hơn 20% trong số đó dành cho thực phẩm và đồ uống, theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản.
Nhưng giờ đây, khách du lịch đã “biến mất”. Không tương lai nào có thể đoán trước khi đại dịch Covid-19 chấm dứt. Nhật Bản cũng cấm du khách nước ngoài tham dự Thế vận hội Tokyo sắp tới.
Không chỉ du khách nước ngoài, ngành ẩm thực Nhật Bản còn mất thêm một nhóm khách hàng quan trọng khác: nhân viên công sở.
Trong nhiều thập kỷ, những nhân viên cổ cồn trắng ở các thành phố lớn như Tokyo và Osaka có thói quen ăn nhẹ hoặc nhậu nhẹt trước khi trở về nhà.
Shimbashi là một trong số những khu phố nổi tiếng với những nhà hàng, quán rượu izakaya. Ảnh: iStock. |
Chẳng hạn, con phố Shimbashi (Tokyo) từ lâu được biết đến như một địa điểm đi chơi thâu đêm của những người làm công ăn lương.
Kuni Takeda, chủ tịch của công ty tư vấn tiếp thị cho ngành dịch vụ thực phẩm K-Notes, cho biết izakaya là “ốc đảo” nghỉ ngơi của giới nhân viên văn phòng sau những giờ làm việc dài và mệt mỏi.
Giờ đây, nhiều người trong số họ chuyển sang làm việc tại nhà. Các nhân viên trẻ tuổi không cần phải đi uống rượu với sếp nữa.
“Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay”, Hiroko Matsunaga, người điều hành một quán rượu kiểu Nhật izakaya ở khu phố Shimbashi (Tokyo), cho biết.
Sự tàn lụi
Đại dịch cũng làm nổi bật sự thay đổi văn hóa trong ngành công nghiệp nhà hàng và quán bar. Khi thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1981-1994) dần thay thế nhóm baby boomer (sinh năm 1946-1964), văn hóa uống rượu bia sẽ giảm hơn nhiều.
“Thế hệ trẻ từ chối uống rượu mà không có mục đích cụ thể”, ông Takeda cho biết.
Mặc dù cảm thấy như bị “bóp nghẹt”, bà Matsunaga (76 tuổi), người đã đóng cửa quán rượu từ cuối tháng 4, vẫn quyết tâm bám trụ trong ngành dù bà biết con đường phía trước nhiều gian nan.
“Với tình hình này, tôi không nghĩ rằng văn hóa izakaya sẽ sinh động trở lại, kể cả trong tương lai. Thật tệ khi giờ đây, chúng tôi không được phép phục vụ rượu cho khách hàng. Chúng tôi đâu có kinh doanh với trẻ con cơ chứ”, bà tức giận nói.
Bên cạnh dịch Covid-19, các chủ nhà hàng, quán rượu izakaya đến tuổi về hưu "đau đầu" vì không có ai nối nghiệp hay tiếp quản cơ sở kinh doanh. Ảnh: Issei Kato/Reuters. |
Có lẽ Shinya Jochi (33 tuổi), chủ quán gà nướng Miyuki ở quận Asakusa (Tokyo), thấu hiểu nỗi lòng của bà Matsunaga.
Quán rượu của anh phải gánh chịu “cú đấm kép” từ sự biến mất của khách du lịch nước ngoài và cả nhóm nhân viên công sở. Khi Covid-19 bắt đầu tấn công vào năm ngoái, doanh số bán hàng của quán Miyuki giảm tới 80% so với mức đỉnh của họ.
“Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì hoạt động hàng ngày của mình”, anh chia sẻ.
Đại dịch cũng làm gia tăng tác động của tình trạng dân số già hóa của Nhật Bản. Tương tự các doanh nghiệp nhỏ ở các lĩnh vực khác, không ít chủ nhà hàng, quán rượu đã đến tuổi nghỉ hưu mà không có ai kế nghiệp, cũng không có ai mua lại cơ sở kinh doanh của họ.
Ngoài ra, họ đang gặp khó khăn trong việc tìm nhân công, đồng thời phải tăng lương để giữ chân nhân viên hiện tại. Yoshihiro Sakata, một nhà phân tích của Tokyo Shoko Research, dự đoán sẽ còn nhiều vụ phá sản hơn nữa sau khi tình trạng khẩn cấp chấm dứt.
“Việc đưa doanh số bán hàng trở lại như thời trước Covid-19 là điều không thể”, chủ quán Jochi khẳng định.