Đó là trận đấu diễn ra vào ngày 13/11/1982 và cũng là trận bảo vệ đai WBA lần thứ hai của Ray Mancini.
Thảm kịch tồi tệ của trong lịch sử boxing
Vào thời điểm đó, Mancini là một trong những tên tuổi sáng giá nhất làng quyền anh. Trở thành nhà vô địch thế giới ở tuổi 21 và được hậu thuẫn bởi ông trùm Bob Arum, không ai nghi ngờ về tương lai phía trước của võ sĩ người Mỹ.
Nếu không có bất ngờ xảy ra, Mancini được cho là sẽ nhanh chóng bước chân vào hàng ngũ huyền thoại như cách Muhammad Ali đã làm trong quá khứ tại hạng nặng.
Hình ảnh trận đấu giữa Ray Mancini (trái) và Duk Koo Kim. Ảnh: Getty. |
Đối thủ của Mancini là một cái tên kém danh, Duk Koo Kim, võ sĩ đến từ Hàn Quốc. Trong quá khứ, Kim chưa từng tham dự một trận đấu nào kéo dài đến 15 hiệp và cũng chưa một lần sang Mỹ. Tay đấm này có cuộc sống không mấy dư dả và làn da bị sạm.
Điều duy nhất làng quyền anh biết về tay đấm 23 tuổi là qua lời mô tả của Bob Arum. Đó là “một tay đấm giàu sức mạnh và rất can trường”.
Thực tế là Kim đã chơi không hề tệ trong trận đấu lớn nhất sự nghiệp. Trước hiệp 14 định mệnh, huyền thoại boxing Sugar Ray Leonard, người trực tiếp bình luận màn so găng, nhận định màn trình diễn của hai tay đấm là rất sít sao.
Bước ngoặt diễn ra ở hiệp đấu áp chót, Mancini ở một tình huống tiếp cận tung một combo đòn hai tay chính xác trước khi có cú móc phải đấm bay đối thủ ra góc võ đài. Bất chấp Kim gắng gượng đứng dậy, trọng tài Richard Green vẫn quyết định cho dừng cuộc đối đầu.
Trọng tài Richard Green tuyên bố dừng trận đấu. Ảnh: Getty. |
Với gương mặt biến dạng do thấm đòn, Kim rơi vào trạng thái hôn mê sâu vài giờ khi trận tranh đai kết thúc. Các bác sĩ tại bệnh viện Desert Springs phát hiện có lượng máu tụ lớn trong não của tay đấm 23 tuổi. Tuy nhiên, mọi nỗ lực cứu chữa rơi vào vô vọng. Bốn ngày sau, Kim qua đời bỏ lại người vợ Lee Young Mee với đứa con trong bụng.
Nỗi đau khủng khiếp và sự thay đổi của toàn bộ làng quyền anh
Cái chết thương tâm của Duk Koo Kim là cú sốc lớn đối với làng quyền anh thế giới. Ray Mancini tự cho mình là kẻ sát nhân. “Tôi là một kẻ phá hoại. Mỗi ngày thức dậy, tôi đều nhìn vào gương tự hỏi mình đã làm gì. Tôi muốn xóa sạch những ký ức đó nhưng không thể”.
Với tổn thương tâm lý nghiêm trọng, Mancini mất đai sau hai năm và chỉ chơi 8 trận trong 10 năm kế tiếp trước khi giải nghệ. Theo lời của Bob Arum, Mancini “đã đánh mất bản thân cũng như thất bại trong việc kiếm tìm sự vĩ đại như kỳ vọng”.
Ở một diễn biến khác, tồi tệ hơn, ba tháng sau trận đấu, mẹ của Kim tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Bốn tháng tiếp theo, đến lượt trọng tài chính Richard Green tìm đến cái chết. Còn con trai của tay đấm người Hàn Quốc, Chi Wan Kim, sinh năm 1983, không một lần được nhìn thấy mặt cha.
Hình ảnh hiếm hoi trước khi qua đời của Duk Koo Kim. Ảnh: Getty. |
Bi kịch của Kim trở thành chủ đề nóng nhất làng quyền anh thập niên 80. Trước sức ép, WBC tuyên bố mọi trận đấu do liên đoàn này tổ chức sẽ chỉ kéo dài tối đa 12 hiệp và đề xuất thêm hàng loạt các quy trình y tế mới trong cuộc họp vào năm 1982. Ba hiệp hội quyền anh lớn còn lại là WBA, IBF và WBO cũng nhanh chóng theo bước WBC.
Quy trình kiểm tra sức khỏe được làm chặt chẽ hơn với các bài kiểm tra não, phổi hay điện tâm đồ. Mặt khác, võ đài cũng được tăng số dây đai để giảm thiểu khả năng tay đấm rơi khỏi khi bị knock-out.
Và ký ức về Duk Koo Kim sẽ không bao giờ bị lãng quên như cách người vợ của võ sĩ này, dù chỉ bên cạnh ông vỏn vẹn 14 tháng vẫn lưu lại những ký ức về ông cho đến nay.
Trong một bài viết vào năm 2011, cái chết của Duk Koo Kim được tờ Bleacher Report bình chọn là scandal gây sốc nhất lịch sử làng quyền anh.