Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái chết của một chú chó gây tranh cãi ở Hàn Quốc

Dù nhận thức về quyền động vật ngày càng tăng, việc bảo vệ, xây dựng hệ thống pháp lý dành cho thú cưng ở xứ củ sâm vẫn chưa đạt nhiều hiệu quả.

3 năm trước, chú chó Boksun được ca ngợi như một anh hùng vì đã cứu người chủ nhân khi đó bị đột quỵ.

Tuy nhiên tháng trước, Boksun được tìm thấy trong tình trạng chảy nhiều máu tại nhà ở Jeongeup, tỉnh Bắc Jeolla, do bị bạo hành. Người chủ đã đưa Boksun đến bác sĩ thú y, song khi thấy chi phí điều trị quá đắt, anh đã chọn từ bỏ việc cứu chữa. Sau đó, chú chó được tìm thấy đã chết bên trong tủ lạnh của một nhà hàng thịt chó.

Câu chuyện bi thảm của Boksun, được Mạng lưới cứu hộ Beagle công bố, đã đặt ra câu hỏi về cách nhiều người Hàn Quốc đối xử với động vật, theo Korea Herald.

Xử lý chưa nghiêm

Tuần trước, Mạng lưới cứu hộ Beagle đã yêu cầu cảnh sát điều tra kẻ tấn công ban đầu cũng như chủ nhân của con chó vì hành vi ngược đãi động vật. Nhóm cho rằng người chủ phải chịu trách nhiệm về cái chết của chú chó, cáo buộc người này đã bán Boksun cho quán thịt chó khi nó vẫn còn sống. Tuy nhiên, người chủ bác bỏ điều này, tuyên bố thú cưng của mình đã chết vào thời điểm đó.

Tại Hàn Quốc, những kẻ ngược đãi động vật thường không phải chịu phạt dù bị kết án. Theo dữ liệu do văn phòng ông Song Ki-hun thuộc đảng Dân chủ đối lập thu được, chỉ 2,9% trong số 4.221 người nhận cáo buộc ngược đãi động vật từ năm 2017 đến tháng 3 năm nay bị truy tố đưa ra xét xử.

Khoảng 47% không phải đối mặt cáo buộc hình sự nào, trong khi 32% bị phạt nhẹ. Trong số 346 người phải chịu mức phạt các loại, gần 60% là phạt tiền, chỉ 5,5%, tương đương 19 người, ngồi tù.

bao hanh thu cung anh 1

Boksun từng được ca ngợi như anh hùng khi cứu chủ đột quỵ song cuối cùng lại chết thảm.

Theo luật hiện hành, một người bạo hành động vật đến chết có thể bị phạt tới 3 năm tù giam hoặc 30 triệu won (21.581 USD).

"Đã có sự cải thiện đáng kể trong nhận thức cộng đồng về quyền và bảo vệ động vật nhưng phía tòa án vẫn chưa bắt kịp những thay đổi này", ông Song nhận định.

Dữ liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc do văn phòng ông Lee Myeong-soo thuộc đảng Quyền lực Nhân dân công bố cho thấy các vụ ngược đãi động vật tăng mạnh trong những năm gần đây.

Năm 2011, có 98 trường hợp vi phạm luật bảo vệ động vật song con số này là 398 vào năm 2017 và 992 vào năm 2020.

Vào tháng 7, cảnh sát bắt được 2 người đàn ông bị tình nghi điều hành một phòng trò chuyện mở chia sẻ hình ảnh và video bạo lực với động vật.

"Tình trạng đối xử tàn ác với động vật gia tăng đang trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Điều này phải bị chấm dứt, đặc biệt khi những hành động đó có nguy cơ nhắm vào cả con người", ông Lee nói.

Một số chuyên gia về tâm lý học tội phạm chỉ ra điểm tương đồng giữa những kẻ ngược đãi động vật và tội phạm bạo lực vì cả hai nhóm đều thiếu sự đồng cảm với nạn nhân của mình.

bao hanh thu cung anh 2

Những người bạo hành thú nuôi được cho có khả năng cao bạo lực với cả con người.

Song Byung-ho, người đứng đầu Hiệp hội Tâm lý học tội phạm Hàn Quốc, chỉ ra rằng có thể quan sát thấy các mức độ rối loạn nhân cách chống đối xã hội khác nhau ở những kẻ ngược đãi động vật, chẳng hạn như thiếu sự đồng cảm với người khác và không thể kiềm chế ham muốn bạo lực.

“Nếu những kẻ ngược đãi động vật không thể thỏa mãn sự kích thích thông qua hành vi bạo lực, thì rất có khả năng là họ có thể nhắm vào con người, đặc biệt là những nhóm yếu như phụ nữ hoặc trẻ em".

Lee Soo-jung, giáo sư tâm lý pháp y tại Đại học Kyonggi, cũng chỉ ra mối tương quan tương đối cao giữa tội phạm bạo lực và ngược đãi động vật.

Cụ thể, một số tội phạm khét tiếng Hàn Quốc bị phát hiện từng bạo hành động vật. Kẻ giết người hàng loạt Yoo Young-chul, bị kết án tử hình vì đã giết 20 người từ năm 2003 đến năm 2004, đã đâm hoặc đánh đập những chú chó đến chết trước khi phạm tội với người.

Kang Ho-sun, kẻ cướp đi mạng sống của 10 người, cũng được cho đã giết những con chó hắn nuôi từ năm 2003 đến năm 2006, chủ yếu bằng phương thức tàn ác.

Động vật không phải tài sản

Với nhận thức về quyền động vật ngày càng cao ở Hàn Quốc, ngày càng có nhiều nỗ lực giải quyết các điểm mù về luật pháp và quy định liên quan đến bạo hành động vật. Ví dụ, nhiều nhóm bảo vệ đang tập trung vào Đạo luật dân sự quốc gia, khi quy định rằng động vật là tài sản sở hữu của con người.

Theo đó, vì động vật chỉ được coi như đồ vật, một người giết thú cưng của người khác có nghĩa vụ phải bồi thường theo giá mua của con vật, giống như một người hàng xóm bồi thường cho cái cửa sổ bị vỡ.

Để giải quyết vấn đề này, một quy trình lập pháp đang được tiến hành nhằm cung cấp cho động vật một địa vị hợp pháp bằng cách bổ sung điều khoản "động vật không phải là tài sản" trong Đạo luật dân sự. Nếu được ban hành, điều này sẽ đánh dấu một bước đột phá mang tính biểu tượng trong việc thúc đẩy quyền động vật.

bao hanh thu cung anh 3

Nhiều nhà lập pháp, nhóm vì quyền động vật đang nỗ lực để vật nuôi được bảo vệ nhiều hơn.

Ví dụ, việc được bồi thường cho những vết thương tâm lý phải chịu đựng sau khi mất thú cưng do bị người khác ngược đãi sẽ dễ dàng hơn nhiều so với khi vật nuôi được định nghĩa hợp pháp là tài sản.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đang cân nhắc sửa đổi điều khoản loại trừ động vật khỏi các vụ cưỡng chế thu giữ tài sản. Hồi tháng 7, hạ nghị sĩ Shin Jung-hoon thuộc Dân chủ đối lập cũng đã đề xuất một dự luật sửa đổi tương tự.

Ngoài ra, một bản sửa đổi của Đạo luật Bảo vệ Động vật có hiệu lực vào ngày 27/4/2023 sẽ đưa ra các hình phạt nặng hơn đối với những kẻ có hành vi tàn ác với động vật. Ví dụ, bỏ mặc thú cưng đến chết có thể bị trừng phạt tương tự tội ngược đãi động vật đến chết với mức phạt tù tối đa là 3 năm.

Luật mới cũng sẽ cấm những kẻ từng bị kết án bạo hành động vật được tiếp tục nuôi thú cưng, giao lại cho chính quyền địa phương chăm sóc, xử lý.

Bố mẹ mua cừu để giết thịt, con trai xin giữ làm thú cưng

Thấy con cừu đáng thương, cậu bé ở Giang Tô (Trung Quốc) cầu xin bố mẹ không giết thịt con vật và giữ lại làm thú cưng trong nhà.

Mai An

Ảnh: Yonhap

Bạn có thể quan tâm