Nhiều nhân viên bảo vệ tại Hàn Quốc chịu cảnh lạm dụng, bị phân biệt giai cấp. Ảnh minh họa: Yonhap. |
Tấm biểu ngữ được treo trước một khu chung cư tại Seoul để tưởng nhớ nam nhân viên bảo vệ tự tử do bị lạm dụng ở nơi làm việc đã bị gỡ xuống, phản ánh nạn bắt nạt và phân biệt giai cấp nặng nề ở Hàn Quốc, Korea Bizwire đưa tin.
Nhận viên bảo vệ 70 tuổi, được gọi là Park, làm việc ở khu phức hợp được 11 năm, đã tự kết liễu cuộc đời. Trong lá thư tuyệt mệnh, ông viết rằng "gabjil" - thuật ngữ chỉ việc lạm dụng của cấp trên - là nguyên nhân dẫn đến cái chết của mình.
Những tờ rơi và biểu ngữ với cụm từ "gabjil" cũng được dán xung quanh khu chung cư, làm nổi rõ vấn nạn phân biệt giai cấp, thứ bậc trong xã hội Hàn Quốc.
Sếp bắt nhân viên làm thêm giờ mà không trả lương hoặc nhân viên bị người quản lý bắt nạt, bạo lực ngôn ngữ, yêu cầu đưa hối lộ hoặc trả lương không đúng hạn là những ví dụ cho gapjil.
Cái chết của người đàn ông chỉ là một ví dụ về sự ngược đãi mà các nhân viên bảo vệ ở nước này phải đối mặt.
"Đạo luật Không lạm dụng nhân viên bảo vệ" được triển khai vào tháng 10/2021 để giải quyết những vấn đề này, nhưng nhiều nhân viên bảo vệ vẫn tiếp tục làm việc dưới áp lực phân biệt.
Vụ việc lần này cũng phơi bày ý thức sâu sắc về chủ nghĩa giai cấp trong xã hội Hàn Quốc, nơi mọi người bị đánh giá dựa trên công việc, ngoại hình và hoàn cảnh sống.
Tấm biểu ngữ tưởng niệm bị gỡ bỏ do cư dân cho rằng chúng sẽ làm giảm giá trị tài sản. Điều đó đã nêu bật nhận thức về quyền tài sản: người ta ưu tiên giá trị tài sản vật chất hơn mạng sống của một con người.
Biểu ngữ tưởng niệm nam bảo vệ được đặt ở chung cư tại Daechi-dong vào ngày 15/3, sau đó bị gỡ xuống do cư dân phàn nàn. Ảnh: Yonhap. |
Phân biệt giai cấp nặng nề
Theo một cuộc khảo sát của nhóm dân sự Gabjil119 - nhóm công dân cung cấp tư vấn pháp luật cho nạn nhân bị lạm dụng - hầu hết nhân viên bảo vệ đều phải chịu những quy định làm việc không công bằng, bị cư dân can thiệp và lạm dụng bằng lời nói.
Tháng 5/2020, vụ một bảo vệ bị lạm dụng đến chết từng gây rúng động dư luận xứ củ sâm. Theo Korea JoongAng Daily, bảo vệ họ Choi (59 tuổi), làm việc ở khu chung cư tại quận Gangbuk, phía bắc Seoul đã tự tử vì bị làm nhục.
Trong thư tuyệt mệnh, Choi cho biết mình bị một cư dân, là nhà sản xuất tên Shim, đánh đập và lăng mạ liên tục. Nhiều cư dân khác đã rất sốc, bởi Choi là bảo vệ được yêu mến vì thái độ lịch sự và chăm chỉ.
Một trong những nhiệm vụ chính của Choi với tư cách là bảo vệ là điều tiết tình trạng tắc nghẽn giao thông ở bãi đậu xe, giúp người dân ra vào bằng ôtô.
Theo anh trai của nạn nhân, người trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh với Christian Broadcasting System, vụ lạm dụng bắt đầu vào ngày 21/4/2020 tại bãi đậu xe ngoài trời của khu chung cư.
Khi Choi cố đẩy chiếc xe đang đỗ của Shim để thêm chỗ cho một chiếc khác, Shim đã nổi cơn thịnh nộ. Anh ta bắt Choi trả xe về chỗ cũ, sau đó kéo nam bảo vệ đến văn phòng quản lý khu chung cư, mắng té tát như một "người hầu" và bảo Choi thôi việc.
Ngày 27/4, Shim bị cáo buộc đã xông vào nhà tắm và đánh Choi đến chảy máu mũi. Anh trai nạn nhân cho biết, Shim đã lợi dụng việc nhà tắm không có camera an ninh để hành hung Choi.
Nhưng Shim lại đổ tội ngược, nói rằng Choi đánh đập mình và yêu cầu bồi thường 20 triệu won.
Dưới áp lực quá lớn, nhân viên bảo vệ đã nộp đơn khiếu nại Shim về hành vi lạm dụng thể chất lên cảnh sát. Một số cư dân biết về vụ án đã tình nguyện giúp Choi tìm luật sư.
Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát đã khiến vụ án bị hoãn. Choi suy sụp và cuối cùng chọn tìm đến cái chết.
Lạm dụng, phân biệt giai cấp là vấn đề nhức nhối tại Hàn Quốc. Ảnh: The New York Times. |
Gabjil119 cho biết cơ cấu việc làm gián tiếp và các hợp đồng siêu ngắn, dẫn đến mức độ đảm bảo công việc cực kỳ thấp, là những lý do cơ bản khiến nhân viên bảo vệ phải đối mặt với sự bắt nạt của người thuê nhà/nhà thầu.
Nhóm dân sự, được thành lập để giải quyết các vấn đề như quấy rối tại nơi làm việc và nợ lương, cho rằng những vấn đề này là yếu tố góp phần dẫn đến việc nhân viên bảo vệ bị ngược đãi.
Trường hợp gỡ bỏ biểu ngữ tưởng niệm càng cho thấy cần có thêm hành động để giải quyết tình trạng bắt nạt và phân biệt giai cấp tại nơi làm việc trong xã hội Hàn Quốc.
Bất chấp phong trào chống gapjil, Hàn Quốc có thể còn chặng đường dài phía trước để giữ cho môi trường làm việc công bằng và xã hội bình đẳng hơn.
Luật chống lạm dụng tại nơi làm việc có hiệu lực vào năm 2019, nhưng luật này chỉ kỷ luật hoặc phạt hành chính tối đa 8.000 USD. Trong cuộc khảo sát của Gabjil119 năm ngoái, gần 29% nhân viên cho biết họ bị lạm dụng tại nơi làm việc.
Yun Ji-young, luật sư nhân quyền chuyên giúp đỡ các nạn nhân gapjil - cho biết: “Gapjil vẫn được coi là việc nội bộ của công ty. Người muốn đưa vấn đề ra bên ngoài xã hội thường đối mặt với sự thù ghét".
Tuy nhiên, nếu không có trách nhiệm giải trình nhiều hơn, anh Park tại Gabjil119 lo ngại sẽ không có nhiều thay đổi với những người lao động đang bị ngược đãi bởi sếp của họ.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.