Một báo cáo mới được công bố một lần nữa xác nhận thực tế còn tồn tại ở Vương quốc Anh: vào năm 2023, phụ nữ sẽ mất việc làm và chịu khoảng cách thu nhập theo giới tính ngày càng tăng do thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em hợp túi tiền.
Theo Stylist, tại Vương quốc Anh, chi phí trung bình hàng năm cho việc gửi trẻ dưới 2 tuổi vào trường mẫu giáo toàn thời gian là 14.836 bảng Anh, một con số khổng lồ. Mức phí đã tăng 5,9% trong hai năm, số cơ sở có sẵn cùng giảm.
Trong một cuộc khảo sát mang tính bước ngoặt riêng biệt với hơn 4.000 phụ nữ, Phòng Thương mại Anh đã phát hiện có tới 67% cảm thấy nhiệm vụ chăm sóc con cái trong thập kỷ qua khiến họ mất cơ hội tiến thân – bao gồm tăng lương, thăng chức hoặc phát triển nghề nghiệp.
Gần 90% trong số người được hỏi tin rằng cần có thêm hỗ trợ để giúp phụ nữ phát triển tại nơi làm việc.
Gánh nặng chăm sóc con cái khiến phụ nữ mất cơ hội thăng tiến, tăng lương. Ảnh: |
Thật vậy, Đại hội Công đoàn đã tính toán rằng gần 1,5 triệu phụ nữ Anh không được tham gia thị trường lao động vì trách nhiệm chăm sóc con cái, so với 230.000 nam giới, khiến họ có khả năng phải đứng ngoài thị trường lao động cao gấp 7 lần.
Nghiên cứu của BCC, được công bố trùng với Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cũng cho thấy 3/4 phụ nữ không có đủ sự hỗ trợ cho những người đang trải qua thời kỳ mãn kinh.
Chính phủ nước này ngày càng có nhiều áp lực phải tăng cường hỗ trợ cho các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, người ta cho rằng thủ tướng Jeremy Hunt sẽ không công bố bất kỳ khoản tài trợ lớn mới nào cho việc chăm sóc trẻ em.
Shevaun Haviland, tổng giám đốc của BCC, cho biết: "Giải quyết những vấn đề này là điều không thể thiếu đối với phúc lợi của phụ nữ và nơi làm việc của chúng tôi. Giảm các rào cản và đảm bảo phụ nữ có cơ hội như nam giới rất quan trọng đối với hoạt động của bất kỳ nền kinh tế vững mạnh nào".
Ở những quốc gia giàu có như Nhật Bản và Hàn Quốc, phụ nữ vẫn phải lựa chọn giữa gia đình hoặc công việc. Ảnh: The New York Times. |
Không chỉ tại Anh, khoảng cách lương theo giới tính cũng là thực tế ở nhiều quốc gia, trong đó phụ nữ chịu thiệt thòi. Áp lực chăm sóc con cái cũng trở thành rào cản trong sự nghiệp đối với phụ nữ ở các quốc gia, đặc biệt tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong đó, khoảng cách lương theo giới tính ở Hàn Quốc được đánh giá là tồi tệ nhất trong 38 nước phát triển. Theo dữ liệu được thu thập bởi viện nghiên cứu của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc, phụ nữ nước này chỉ được trả mức lương bằng 2/3 nam giới trong nửa đầu năm 2022.
Gần 30% phụ nữ ở nước này có mức lương được phân loại là "thấp" trong nửa đầu năm 2022, con số này chỉ là 9,9% ở nam giới.
Dữ liệu đồng thời chỉ ra có 43% nhân viên nữ được thuê làm lao động tạm thời, cao hơn nhiều so với 30% ở nam giới. Ngoài ra, số năm làm việc bình quân của nữ là 4,81, thấp hơn của nam là 6,92 năm.
Khoảng cách tiền lương theo giới tính của Hàn Quốc là tồi tệ nhất trong số 38 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tính đến năm 2021.
Tương tự, ở Nhật Bản, những bà mẹ đi làm phải chấp nhận mức lương thấp, vị trí làm hợp đồng tạm thời.
Trong chỉ số về vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ trong lực lượng lao động do tạp chí The Economist của Anh tổng hợp, Nhật Bản xếp thứ 28/29 quốc gia phát triển được khảo sát suốt 7 năm liên tiếp.
Nhật Bản xếp thứ 28 và Hàn Quốc thứ 29, cả hai đều không thay đổi vị trí trong cuộc khảo sát hàng năm kể từ năm 2016. The Economist lưu ý rằng phụ nữ ở hai quốc gia Đông Á này “vẫn phải lựa chọn giữa gia đình hoặc sự nghiệp”.
Sự bất công với phụ nữ luôn ẩn mình trong xã hội hiện đại
Khi nghiên cứu về nhiều mặt của đời sống như: Giao thông, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội… phần lớn dữ liệu được thu thập từ nam giới, hoặc không phân biệt giới tính khi tiến hành khảo sát. Từ đó các nhu cầu của phụ nữ không được quan tâm đúng mức. Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về bình đẳng giới. Bình đẳng không nằm ở việc đặt hai giới ngang nhau khi suy xét một vấn đề cụ thể. Sự công bằng đến từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn về các hạn chế của phụ nữ từ đó giúp họ thể hiện hết khả năng của mình và không bị tụt lại phía sau.