Để chống chọi với cái nóng gay gắt của mùa hè, nhiều người Hàn Quốc thường tìm đến những món ăn đặc biệt được cho là giúp bổ sung năng lượng, trong đó có bonsitang - món hầm nóng với thịt chó, theo Korea Times.
Tuy nhiên năm nay, dù "chobok" - ngày đánh dấu bắt đầu dịp nóng nhất trong năm ở Hàn Quốc - đã tới, những con phố từng đông đúc với nhiều nhà hàng thịt chó ở chợ Moran, Seongnam, tỉnh Gyeonggi vẫn vắng tanh vào hôm 13/7.
Chợ Moran từng là một trong 3 chợ thịt chó lớn nhất Hàn Quốc, cung cấp thịt nấu chín từ những năm 1960. Tuy nhiên, con hẻm từng có hơn 50 nhà hàng thịt chó hiện gần như bốc hơi, chỉ còn khoảng 20 quán vẫn mở cửa.
Nhiều quán thịt chó ở con phố nổi tiếng Hàn Quốc biến mất hoặc kinh doanh ảm đạm. Ảnh: Lee Hae-rin/Korea Times. |
Sự suy giảm của ngành kinh doanh thịt chó phần lớn do lệnh cấm được thông qua ở xứ củ sâm hồi đầu năm. Theo đó, Quốc hội nước này đã thông qua dự luật cấm nhân giống, giết mổ, phân phối và bán thịt chó. Việc thực thi luật sẽ bắt đầu từ năm 2027.
"Dịp chobok này sẽ là lần cuối cùng chúng tôi bán món thịt chó hầm. Mùa boknal (khoảng thời gian nóng nhất mùa hè) từng là thời điểm bận rộn nhất trong năm với chúng tôi, nhưng giờ thì không còn như vậy nữa", một chủ nhà hàng kinh doanh tại chợ Moran hơn 30 năm nói. Bà cho biết doanh số năm nay đã giảm mạnh xuống còn khoảng 20% so với năm ngoái.
“Chúng tôi vẫn có một số khách quen thỉnh thoảng đến ăn bosintang. Tất nhiên, món này lành mạnh và ngon. Nhưng kể từ khi chính phủ cấm kinh doanh, chúng tôi có ít khách hàng hơn và không còn cách nào khác ngoài việc ngừng bán. Thay vào đó, chúng tôi sẽ bán nhiều thịt dê đen và thịt vịt hơn”, một chủ nhà hàng khác cho biết.
Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Hàn Quốc năm 2022, có 1.156 trang trại nuôi chó ở Hàn Quốc, nuôi hơn 520.000 con chó để lấy thịt và 1.666 nhà hàng bán hơn 388.000 con chó làm thực phẩm mỗi năm.
Vì luật đặc biệt yêu cầu những người nuôi chó lấy thịt phải bán số lượng còn lại hoặc tìm cho chúng một ngôi nhà mới trong thời gian 3 năm (tính đến tháng 2/2027) nên chính phủ Hàn Quốc đang xem xét kế hoạch bồi thường cho chủ trang trại chó và chủ nhà hàng, dự kiến công bố vào tháng 9. Để đủ điều kiện được bồi thường, chủ doanh nghiệp phải nộp kế hoạch đóng cửa hoặc chuyển đổi kinh doanh trước ngày 5/8.
Nhiều người kinh doanh thịt chó vẫn bày tỏ sự phản đối luật cấm. Ảnh: Yonhap. |
Tuy nhiên, nhiều người trong ngành kinh doanh này vẫn tiếp tục phản đối.
Hiệp hội thịt chó Hàn Quốc, một tổ chức toàn quốc với gần 1.000 thành viên, đã đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp hồi tháng 3, yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm thịt chó, với lý do lệnh này xâm phạm quyền lựa chọn chế độ ăn uống của người dân và quyền tự do nghề nghiệp của các thành viên.
“Sáu tháng đã trôi qua kể từ khi có luật cấm ăn thịt chó. Tuy nhiên, chính phủ đã không bảo vệ được quyền của chúng tôi và không đưa ra các tiêu chuẩn hoặc thậm chí là các kế hoạch cơ bản để hỗ trợ việc đóng cửa và chuyển đổi mô hình kinh doanh”, nhóm này cho biết trong một tuyên bố tại cuộc họp báo ở Seoul, ngày 9/7.
“Cho đến nay, các quyền cơ bản và quyền sở hữu của người chăn nuôi và các bên liên quan trong ngành đã bị vi phạm nghiêm trọng đến mức việc phục hồi dường như là không thể, và thời điểm chúng tôi bị buộc phải ra đường đang đến rất gần”.
Nhóm này yêu cầu Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra điều tra các viên chức tại Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc - những người chịu trách nhiệm về các kế hoạch bồi thường - với lý do rằng Bộ này đang lạm dụng quyền hạn và làm suy yếu quyền sinh tồn của họ.
Trong khi đó, liên minh gồm 8 nhóm bảo vệ quyền động vật đã tổ chức một sự kiện chung tại Suối Cheonggye vào 13/7 để tưởng nhớ những chú chó đã chết vì bị con người tiêu thụ và kêu gọi chính phủ trấn áp nạn buôn bán gây tranh cãi này.
"Trong thời gian 3 năm, các bên liên quan trong ngành cần nhanh chóng đóng cửa các cơ sở - đang nhân số lượng chó (thông qua sinh sản) để nhận thêm trợ cấp - và ngừng tiếp tục tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm cả giết mổ động vật", Lee Sang-kyung, nhà vận động tại Humane Society International Korea, cho biết, đồng thời kêu gọi chính phủ chấm dứt hiệu quả nạn buôn bán thịt chó.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.