Trong lần gần đây muốn mua một chiếc laptop mới, Han Kexin (Thượng Hải, Trung Quốc) dành nhiều thời gian để tìm kiếm. Sau khi tham khảo trên các sàn thương mại điện tử, cô phát hiện laptop được tiếp thị hướng đến phụ nữ ưu tiên kiểu dáng hơn là chất lượng. Những mẫu máy này có thiết kế thời thượng nhưng các thông số về kỹ thuật, thời lượng pin đều yếu hơn mà giá lại cao hơn.
"Hàng điện tử thường được quảng cáo là nam tính, ám chỉ phụ nữ không quan tâm hoặc thiếu hiểu biết về công nghệ. Các thương hiệu cố gắng thu hút người mua là phụ nữ bằng những người người nổi tiếng nam hấp dẫn và những chiếc laptop bóng bẩy, nhiều màu sắc với tông màu hồng hoặc bạc", Han, học viên cao học, nói.
"Hồng" không chỉ là một màu sắc - nó còn là một khoản phí, theo Sixth Tone. Phần lớn phụ nữ đang phải trả nhiều tiền hơn so với nam giới khi mua sắm các đồ dùng, quần áo, sản phẩm chăm sóc cá nhân được quảng cáo nhắm đến họ. Những sản phẩm đó thường không có thêm tính năng hay ích lợi nào.
Phổ biến trên toàn cầu với tên gọi "thuế hồng" nhiều năm qua, hiện tượng này gần đây còn gây ra cuộc tranh luận ở Trung Quốc khi một nhóm sinh viên đại học khởi kiện gã khổng lồ mỹ phẩm L'Oréal.
Theo đó, nhóm sinh viên chỉ ra sự chênh lệch giá giữa các loại sữa rửa mặt dành riêng cho từng giới tính, trong đó phiên bản dành cho phụ nữ có giá cao hơn 67 nhân dân tệ (9,24 USD) dù thành phần, tác dụng và thể tích gần như giống hệt so với phiên bản dành cho nam.
Khẳng định sự chênh lệch này là phân biệt đối xử giá cả và vi phạm sự công bằng cho người tiêu dùng, các sinh viên đã đệ đơn kiện đòi hoàn lại toàn bộ tiền. L'Oréal đồng ý yêu cầu, với điều kiện nhóm sinh viên không thảo luận về vụ việc này một cách công khai nữa.
Tuy nhiên, nhóm sinh viên không chấp nhận bởi lo ngại điều này sẽ cản trở việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tương lai. Cuối cùng, sau quá trình hòa giải tại tòa, nhóm sinh viên rút đơn kiện, L'Oréal hoàn lại toàn bộ tiền mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào.
Không chỉ mỹ phẩm, thuế hồng còn tồn tại sâu sắc ở nhiều lĩnh vực khác.
Một dự án năm 2022 của khoa Truyền thông Báo chí thuộc Đại học Thâm Quyến đã phân tích hơn 20.000 danh sách sản phẩm trên nền tảng thương mại JD.com. Dự án phát hiện các sản phẩm dành cho nữ giới, từ đồ chơi trẻ em đến quần áo người lớn và đồ dùng cho người cao tuổi, thường có giá cao hơn các mặt hàng tương tự dành cho nam giới, dù không có sự khác biệt đáng kể về các tính năng cốt lõi.
Mua sắm công bằng
Dai Fu, sinh viên luật tại Bắc Kinh, theo dõi sát sao vụ việc của L'Oréal, gần đây phát hiện ra một mẹo đơn giản để tránh thuế hồng: mua đồ ở các khu vực dành cho nam giới trên cửa hàng online.
Khi đang lướt Pinduoduo, nền tảng bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc nổi tiếng với mức giá cực rẻ, cô phát hiện ra một chiếc áo phông trơn được bán ở khu dành cho nam với giá chỉ 40 nhân dân tệ. Ở khu dành cho nữ, chiếc áo tương tự có giá hơn 100 nhân dân tệ vì được giới thiệu là theo phong cách "JK" - một phong cách thời trang đường phố phổ biến ở Nhật Bản lấy cảm hứng từ đồng phục học sinh.
“Kể từ đó, tôi nhận thấy quần áo nam thường thoải mái hơn quần áo nữ và rẻ hơn”, cô gái 20 tuổi cho biết.
Sự chênh lệch này rõ rệt hơn với các sản phẩm chăm sóc da và làm đẹp. Dai cho biết: "Đối với các sản phẩm dành cho phụ nữ, có vẻ như các doanh nghiệp thêm vô số thứ không cần thiết, ví dụ như 'đẻ' ra nhiều bước chăm sóc da. Ngược lại, các sản phẩm dành cho nam giới nhấn mạnh vào sự tiện lợi, nhanh chóng và giá cả phải chăng".
Trong khi đó, Han thấy việc tránh thuế hồng không dễ. “Tôi có thể phải dành nhiều công sức hơn để lựa chọn sản phẩm một cách cẩn thận, và ngay cả như vậy, không phải lúc nào tôi cũng có thể phát hiện ra những cạm bẫy của thuế hồng trên các nền tảng thương mại điện tử”, cô than thở.
Các sản phẩm hướng đến nhóm khách hàng phụ nữ thường được thay đổi tập trung vào màu sắc, kiểu dáng. Ảnh: VCG. |
Không chỉ riêng Han, trên nền tảng xã hội Douban, hơn 26.000 thành viên của “Liên minh những người phản đối thuế hồng” chia sẻ các chiến lược để tránh, thảo luận về các vấn đề giới tính và tổ chức tẩy chay các thương hiệu áp dụng giá dựa trên giới tính.
Trong các lễ hội mua sắm lớn của Trung Quốc, như “618” và “11/11”, nhóm này so sánh giá bán khi sale với giá thông thường và mách nhau mẹo cải thiện từ khóa tìm kiếm. Ví dụ, khi tìm kiếm “thảm tập yoga cho nam” thay vì “thảm tập yoga”, họ tìm thấy các lựa chọn rẻ hơn so với các sản phẩm được tiếp thị hướng đến phụ nữ.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng đang nhận thức rõ hơn về thuế hồng thông qua những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Một video từ tháng 5/2022 trên Douyin thảo luận về thuế hồng đã thu hút hơn 460.000 lượt thích.
Đoạn video ước tính rằng "phụ nữ có thể phải chi nhiều hơn 680.000 nhân dân tệ trong suốt cuộc đời so với nam giới" - một con số đáng kinh ngạc, gây ra nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội xứ tỷ dân.
Dù mạng xã hội có nhiều lợi ích song Han cho rằng chúng không truyền bá thông tin thực tế một cách hiệu quả.
"Họ thừa nhận sự hiện diện của thuế hồng mà không đưa ra các bước để giải quyết", Han khẳng định. Cô cố gắng chia sẻ với gia đình và bạn bè về thuế hồng, nhưng tôn trọng quyết định của họ nếu họ phản đối hoặc nếu xảy ra xung đột.
Dai đồng tình. Sau khi xem các video liên quan đến thuế hồng, cô thường thảo luận về chủ đề này với bạn bè. Tuy nhiên, các cuộc trò chuyện thường chỉ tập trung vào việc phàn nàn về "làm sao điều này lại xảy ra" mà không đi sâu hơn vào vấn đề. Hầu hết người tham gia các cuộc thảo luận là nữ sinh, những người chỉ coi đó là một hiện tượng xã hội.
Cả thương hiệu và khách hàng đều cần thay đổi
Toni Yang, cố vấn thương hiệu 14 năm kinh nghiệm tại Thượng Hải, giải thích rằng các thương hiệu ngày càng lưu tâm khi bị chỉ trích khai thác quá mức tâm lý phụ nữ để "tạo ra nhu cầu" và "gây ra sự lo lắng".
Bà tin rằng nếu một thương hiệu hiểu được nhu cầu bên trong của phụ nữ và biến điều này thành tác động xã hội tích cực thì người tiêu dùng vẫn có thể sẵn sàng trả mức giá cao hơn một chút.
“Chiến lược định giá không chỉ bao gồm tất cả loại chi phí và đầu tư mà còn bao gồm giá trị thương hiệu và giá trị sản phẩm. Đây là lý do hàng xa xỉ có chi phí sản xuất rõ ràng, giá bán cao hơn nhiều nhưng người tiêu dùng vẫn mua chúng”, Yang giải thích.
Theo bà, khi sự nhạy cảm với các vấn đề giới tính ngày càng tăng, các thương hiệu đang nỗ lực tránh những rủi ro liên quan đến chủ đề giới tính và thiết lập mối liên hệ sâu sắc hơn với nhóm khách hàng mục tiêu.
Bà cho biết: “Người tiêu dùng đang trở nên đa dạng hơn, đưa ra quyết định mua hàng dựa trên bản sắc, giá trị và nhu cầu của họ. Các chiến lược định giá nên tập trung vào việc cung cấp dịch vụ và trải nghiệm có giá trị phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau, không phải giới tính. Sau cùng, một bước quan trọng hướng tới bình đẳng giới là chấp nhận rằng nam giới cũng có thể thích màu hồng".
Chưa nhiều người tiêu dùng nữ có nhận thức đầy đủ về thuế hồng. Ảnh: VCG. |
Quê ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) và hiện làm việc tại Mỹ, Gao Peng cũng gặp phải sự chênh lệch giá cả khi mua sắm ở nước ngoài. "Các sản phẩm tẩy lông dành cho nam giới thường rẻ hơn 3-4 USD so với sản phẩm dành cho nữ giới dù chức năng giống nhau", cô cho hay.
Gao nhấn mạnh rằng thuế hồng vẫn chưa được người tiêu dùng nữ công nhận rộng rãi. "Một số phụ nữ cảm thấy mình giá trị khi trả nhiều tiền hơn, được hưởng đặc quyền cái đẹp và nhận lời khen ngợi từ đàn ông vì tuân thủ các khuôn mẫu về phụ nữ", cô gái 26 tuổi nói.
Gao sẵn sàng ký vào bản kiến nghị phản đối thuế hồng và chia sẻ ý kiến của mình trên mạng xã hội nhưng lại gặp khó khăn trong việc tìm thêm cách để ủng hộ mục đích này.
Gao cho biết: “Trong khi nhiều người ủng hộ việc xóa bỏ sự phân biệt giá bất công này, vẫn luôn có một số phụ nữ sẵn sàng trả thuế hồng”.
Nhìn về tương lai, Dai tin rằng thuế hồng sẽ khó có thể xóa bỏ, vì chỉ có một số ít phụ nữ chủ động lên tiếng về mối quan ngại của mình. Ngược lại, Yang nhìn thấy tiềm năng thay đổi:
“Khi các nhóm người tiêu dùng tiếp tục đa dạng hóa, thị trường sẽ tự nhiên loại bỏ các quy tắc không thích ứng được. Với nhận thức ngày càng tăng về bình đẳng giới, hiện tượng thuế hồng sẽ dần biến mất khi nó trở nên ít khả thi hơn trên thị trường”.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.