Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ở Hàn Quốc được thể hiện nhiều trên phim ảnh. |
Shim Yeon-sun (40 tuổi) rất ngạc nhiên trước cách cư xử của mẹ trong bữa tiệc tối thân mật, gặp gia đình cô dâu lần đầu tiên để thảo luận về kế hoạch đám cưới cho anh trai cô.
“Mẹ tôi, người từng thể hiện bản thân một cách khiêm tốn tại buổi 'sanggyeonnye' của tôi bằng cách nói: 'Con gái tôi vẫn còn phải học hỏi nhiều điều', hôm đó lại trở thành người hoàn toàn khác", Shim nói. Sangyeonnye là buổi gặp mặt trước đám cưới, nơi gia đình cô dâu và chú rể gặp nhau lần đầu tiên, theo Korea Herald.
Shim tiếp tục mô tả việc mẹ cô công khai thể hiện "vẻ bề trên" trong cách tiếp xúc với con dâu tương lai. Có lúc, mẹ cô nhìn thẳng vào mắt con dâu tương lai và hỏi: "Con tính nấu gì ăn sáng?".
Shim nói: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy mẹ tôi cư xử như một bà mẹ chồng điển hình của Hàn Quốc, ám chỉ vợ phải nấu bữa sáng cho chồng. Hơn nữa, anh trai tôi thậm chí còn không ăn sáng thường xuyên".
"Si-world" ở Hàn Quốc
Để hiểu được sự thay đổi thái độ đột ngột của mẹ Shim, trước tiên phải nắm được khái niệm "si-world" của người Hàn Quốc. "Si" nghĩa là "bố mẹ chồng/bố mẹ vợ", tiền tố trong tiếng Hàn dùng để biểu thị mối quan hệ được hình thành thông qua hôn nhân.
Đối với những người thuộc "si-world", địa vị làm dâu rể dường như đưa một số người quay ngược lại nhiều thế kỷ trước, về thời mà người vợ được cho là phải ngoan ngoãn, nhu mì và phục tùng. Phụ nữ trẻ Hàn Quốc ngày nay, những người ngày càng theo đuổi sự nghiệp, quan tâm đến bình đẳng giới và tin vào sự đóng góp bình đẳng trong công việc nội trợ, đang phải đối mặt với những định kiến về giới mà họ vốn tin rằng đang phai mờ.
Một cuộc khảo sát năm 2022 của Duo, công ty mai mối hàng đầu tại Hàn Quốc, ghi nhận sự ảnh hưởng của tính cách cha mẹ chồng/vợ tương lai lên quá trình ra quyết định kết hôn. Ở nam giới, 59,2% cho rằng điều đó hơi quan trọng, 24% cho rằng rất quan trọng trong khi 12,8%, cảm thấy không quan trọng lắm, và 4% không thấy quan trọng chút nào.
Ở phụ nữ, 47,2% cho rằng điều đó rất quan trọng, 46,4% hơi quan trọng, chỉ 3,2% cho rằng không quan trọng lắm và 3,2% thấy không quan trọng chút nào.
Cuộc khảo sát được thực hiện trên 250 nam giới và 250 phụ nữ chưa kết hôn tính đến tháng 6/2022.
Nhiều người Hàn Quốc thế hệ trước vẫn xem việc con dâu phải chăm lo cho gia đình chồng là điều hiển nhiên. Ảnh minh họa: Soul of Seoul. |
Phần lớn căng thẳng và kịch tính nảy sinh trong "si-world" đều xoay quanh mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, đôi khi là giữa chị và em dâu.
Tương tự mẹ của Shim, ảnh hưởng của "si-world" có thể khiến các cá nhân cư xử khác biệt khi họ thấy mình trong vai mẹ chồng của một người phụ nữ.
Tư duy này bắt nguồn từ niềm tin truyền thống của những người Hàn Quốc thế hệ lớn tuổi, những người thường được dạy xem hôn nhân là quá trình cha mẹ gửi con gái của họ về nhà chồng - "sijip" trong tiếng Hàn - với kỳ vọng rằng con gái sẽ hòa hợp được với văn hóa của gia đình chồng.
Kim, bà mẹ 61 tuổi có một cô con gái đã kết hôn, nói rằng đối với một người Hàn Quốc thế hệ lớn tuổi, rất khó để hoàn toàn coi nhẹ hoặc từ bỏ niềm tin này cũng như những tập tục liên quan.
“Là mẹ của một cô con gái, thật khó để tôi không lo lắng về việc con gái tôi tạo ấn tượng ban đầu xấu với bố mẹ chồng”, bà nói.
Khi gia đình bà Kim gặp mặt nhà thông gia lần đầu tiên để bàn kế hoạch tổ chức đám cưới, hai bên đã thống nhất không trao đổi quà cưới giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, vì lo ngại con gái mình có thể bị đối xử tệ nếu không làm vậy, Kim đã mua túi Chanel cho mẹ chồng và chị dâu của con gái.
"Con gái giận tôi vì làm điều này. Nó nghĩ điều đó là không cần thiết, nhưng tôi chắc chắn rằng cuối cùng con bé sẽ hiểu tôi. Tôi đơn giản là không thể mạo hiểm bất cứ điều gì có thể khiến con gái tôi đau khổ", bà nói.
Mặt khác, đàn ông mới kết hôn thường được đối xử như những “vị khách”, được nhà vợ phục vụ chu đáo.
Lim, 30 tuổi, kết hôn vào tháng 12 năm ngoái, cho biết: “Chồng tôi có thể dễ dàng tự nhiên như ở nhà lúc sang chỗ bố mẹ tôi. Nhưng thành thật mà nói, không dễ để tôi làm được điều đó khi đến nhà bố mẹ anh ấy. Tôi biết rằng tôi phải rửa bát ở đó hoặc ít nhất là chứng tỏ rằng tôi sẵn sàng làm việc đó”.
Thế hệ mới, xung đột mới
Một người con dâu “ngoan” điển hình sẽ hết lòng chăm sóc bố mẹ chồng. Trước đây, khi phụ nữ sống với bố mẹ chồng, việc chăm sóc này được thực hiện trực tiếp hơn.
Giờ đây, khi các cặp vợ chồng mới cưới sống tách biệt với nhà chồng, việc được kỳ vọng thường xuyên đến thăm và gọi điện để hỏi han sức khỏe bố mẹ chồng đã trở thành nguyên nhân gây xung đột với nhiều phụ nữ trẻ Hàn Quốc.
Hiện, kỳ vọng về việc con dâu hỏi thăm sức khỏe cha mẹ chồng còn chuyển sang không gian trực tuyến như KakaoTalk - ứng dụng nhắn tin được sử dụng rộng rãi nhất ở Hàn Quốc.
“Sau ngày cưới của chúng tôi, bố chồng tôi đã lập nhóm chat gia đình trên KakaoTalk. Trong đó có mẹ chồng, bố chồng, chồng tôi và tôi”, Lim chia sẻ. Cô cho rằng thật nực cười vì trước đó, gia đình chồng cô chẳng hề có cái gọi là “nhóm chat gia đình”.
Bố chồng cô, giáo viên đã nghỉ hưu, thường chia sẻ một số câu trích dẫn hoặc bài thơ vào mỗi buổi sáng trong nhóm chat và Lim cảm thấy gặp khó khăn khi phản hồi chúng.
“Tôi cảm thấy không thoải mái nếu không nhắn lại gì cho ông ấy". Lim giải thích rằng đối với chồng cô, điều đó dường như không khiến anh bận tâm vì đơn giản anh không trả lời vì anh là con trai của họ, nhưng đối với cô thì không như vậy.
Cuối cùng, Lim đã mua một bộ biểu tượng cảm xúc KakaoTalk được thiết kế đặc biệt dành cho con dâu, với các biểu cảm đa dạng cùng lời nhắn kèm như "cảm ơn", "thật tuyệt vời", "bố mẹ là nhất". Cô được một người bạn cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự gợi ý điều này.
“Bây giờ tôi gửi những biểu tượng đó mà thậm chí chẳng đọc những bài thơ mà bố chồng gửi”, cô kể. Ngoài ra, còn có một bộ biểu tượng cảm xúc dành cho con rể, nhưng cô nghĩ không nhiều đàn ông thấy cần thiết phải mua.
Ai nắm giữ chìa khóa?
Một số người cho rằng sự đóng góp kinh tế của bố mẹ chồng cho đám cưới của họ cũng là chìa khóa giải quyết mâu thuẫn này.
“Thành thật mà nói, tôi nghĩ nó còn liên quan đến việc nhà chồng chi bao nhiêu tiền cho đám cưới và nhà riêng của hai vợ chồng. Gia đình tôi không khá giả lắm nên bố mẹ tôi cũng không đóng góp gì nhiều khi anh trai tôi lấy vợ. Tôi nghĩ yếu tố này cũng góp phần khiến bố mẹ không cư xử khắt khe với chị dâu tôi”, Yoon Ji-youn (30 tuổi) nói.
Người chồng có vai trò quan trọng trong việc cân bằng mối quan hệ giữa vợ và gia đình mình. Ảnh: VCG. |
Trong khi đó, nhiều bà vợ cho rằng giải pháp giải quyết mâu thuẫn với mẹ chồng nằm ở phía nửa kia.
“Ngay cả mẹ tôi cũng nghĩ rằng tôi nên phục tùng, nên tôi không trách gì thái độ của bố mẹ chồng. Đó chính là cách họ sống ở thế hệ của họ. Nhưng chồng tôi lẽ ra phải biết rõ hơn. Ngoài ra, nếu anh ấy muốn làm 'hyodo', anh ấy nên biết đó là 'tự phục vụ' và không nên ép buộc vợ”, Ahn (35 tuổi) nói. Thuật ngữ tiếng Hàn “hyodo” hay "lòng hiếu thảo", được định nghĩa là việc phục vụ, chăm sóc cha mẹ.
Luật sư chuyên về ly hôn Park Je-yeon từng chứng kiến vô số trường hợp cặp đôi chia tay do mâu thuẫn nảy sinh từ mối quan hệ với bố mẹ chồng/vợ, chủ yếu là giữa con dâu và bố mẹ chồng. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò người chồng.
Park chia sẻ trường hợp một người chồng yêu cầu vợ bồi thường, cho rằng cô phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ trong mối quan hệ hôn nhân của họ do không thể hòa hợp với gia đình anh và nói xấu họ.
"Tòa án đồng tình người vợ phải chịu trách nhiệm về xung đột với nhà chồng nhưng lại yêu cầu người chồng phải trả 10 triệu won (7.236 USD) tiền cấp dưỡng, vì lỗi chính là do người chồng không đóng vai trò hòa giải", cô nói.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.