Là người bán hàng qua livestream toàn thời gian, Qian Fengcang (hay còn gọi bằng biệt danh "Qian Crazy") luôn làm chủ nhịp điệu trong phòng phát sóng trực tiếp, từ đầu đến cuối.
Qian không ngại bận rộn. Từ lâu anh đã làm cùng lúc nhiều việc như giáo viên dạy múa, diễn viên kịch, bartender rồi mới livestream bán hàng.
"Tôi không chịu được sự cô đơn. Thay vì nghĩ về nó, tốt hơn hết tôi nên tìm việc gì đó để làm", anh bộc bạch.
Qian dần trở thành một người bán hàng toàn thời gian. Ban đầu chỉ có vài chục người xem anh livestream khiến anh rất áp lực. "Cứ vài chục phút tôi lại vào nhà vệ sinh một lần, tự nhắc bản thân không được hời hợt chỉ vì ít khách xem. Phải luôn đầy năng lượng, người chăm chỉ sẽ được đền đáp", anh nói.
Qian không có đội hỗ trợ mà hoạt động độc lập. Từ chuyện phát sóng, viết bài giới thiệu sản phẩm đến dùng thử đều do anh đảm nhận. Có ngày chuẩn bị kịch bản tới 4h sáng, anh phải dậy từ 8h và chuẩn bị cho buổi phát sóng trong ngày.
Buồn ngủ là chuyện không tránh khỏi. Qian đã thử đủ cách để vượt qua cơn thèm ngủ của mình như ngậm cục đá vừa lấy ra khỏi tủ lạnh, vặn to âm lượng nhạc...
Bán hàng qua livestream nở rộ ở Trung Quốc trong mùa dịch. |
Doanh số bán hàng của anh đã thực sự tăng, nhưng kéo theo đó là áp lực lớn cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Công việc của anh rất khó khăn. Qian có khoảng 15 buổi livestream mỗi tháng, mỗi lần kéo dài hơn 12 tiếng.
Anh luôn lo sợ một ngày nào đó mình không trụ nổi, đột ngột ngất xỉu vì cường độ công việc quá nặng. Nói lớn liên tục khiến anh bị sưng thanh quản và amidan. Qian đành tạm ngưng công việc để vào viện điều trị một thời gian.
Áp lực đè nén
Cô nàng có biệt danh Treasure Island Baby điều hành một cửa hàng bán túi xách và phụ kiện gần sân bay Song Lưu (Thành Đô). Trước khi dịch bùng phát, nhiều người thường đến cửa hàng của cô mua vali.
Tuy nhiên do dịch, số lượng khách đã giảm mạnh. Dù cô có giới thiệu sản phẩm trên WeChat Moments nhưng dường như cách đó quá khô khan và thiếu chân thực, khó khiến người dùng hứng thú nên hiệu quả bán hàng không cao.
Đây cũng là lúc Baby biết đến bán hàng qua livestream. "Tôi chưa nghĩ đến việc bán được hàng nhờ nó. Tôi bắt đầu với tâm lý muốn trò chuyện với mọi người, miễn là vui vẻ".
Baby bắt đầu thấy hiệu quả khi cô có thể mở rộng kênh bán hàng. Khách hàng cũng tới đông hơn sau khi xem phát trực tiếp, đề nghị cô giới thiệu và tư vấn thêm về sản phẩm.
Không giống những người làm nghề livestream chuyên nghiệp, thường phát sóng suốt 10 tiếng một ngày, Baby chỉ có một vài buổi phát trực tiếp mỗi tuần, mỗi lần kéo dài 5-6 tiếng.
"Chủ yếu phụ thuộc vào mong muốn của người xem. Thời gian phát lâu nhất là từ 19h tối tới 2h sáng. Có lúc tôi rất mệt mỏi và phải ngừng lại".
Khi phát sóng trực tiếp, cô phải mất hơn một tiếng đồng hồ để phân loại hàng hóa, thường đến 3h sáng mới về đến nhà, đồng thời vẫn quản lý chuyện kinh doanh tại cửa hiệu. Điều đó đồng nghĩa với thực tế cô tăng gấp đôi khối lượng công việc.
Nhiều người phải livestream hàng chục tiếng liên tục để bán hàng. |
So với Baby, anh chàng Xiao Lang Jun thường livestream bán hàng dựa trên cả những yêu cầu của khách và cân nhắc riêng của mình. Trước đó, anh là người sáng tạo nội dung video ngắn, có hàng chục triệu fan trên nền tảng Douyin và danh sách các thương hiệu mời quảng cáo ổn định.
Khi làn sóng phát sóng trực tiếp đang tràn đến, công ty anh đang làm việc đã đón đầu cơn sốt. "Trước đây, phương thức kiếm tiền của chúng tôi tương đối đơn giản. Giờ đây, hệ thống phát trực tiếp đang ra mắt và nền tảng này rất được ủng hộ. Vì có đủ người hâm mộ nên tôi cũng thử sức", Xiao nói.
Nghĩ là một chuyện, nhưng thực hiện lại là chuyện khác. Xiao ban đầu nghĩ rằng sẽ dễ dàng để bán hàng trực tiếp qua livestream.
Nhưng sau kinh nghiệm bản thân, anh phải thốt lên: "Ngành này thực sự không dành cho những người có năng lực bình thường. Điều đầu tiên cần vượt qua là sự hồi hộp".
Trước buổi livestream đầu tiên, Xiao đã uống hết nửa chai rượu trắng để lấy can đảm. Kết quả là anh vẫn hồi hộp trước ống kính, nói không khéo léo và còn đọc nhầm tên thương hiệu.
Thoái trào
Dù nhiều người cố gắng chạy theo nghề bán hàng qua livestream, công việc này đang bị thoái trào. Sau nhiều đợt bùng nổ trong năm 2020, cơn sốt này ở Trung Quốc đang dần hạ nhiệt.
Suốt một năm, từ những "siêu sao" phòng phát trực tiếp đến người nổi tiếng trên mạng đều tham gia công việc này, không ít người bất ngờ giàu lên nhờ ít buổi livestream. Vô số người cũng lao vào với mong muốn chia sẻ "chiếc bánh ngọt".
Dữ liệu khảo sát cho thấy trong khoảng thời gian từ 18/6 đến 11/11, sức hấp dẫn của việc livestream bán hàng đã thu hút lượng lớn người tham gia, số người tìm việc trong lĩnh vực này cũng tăng 110,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, cùng với sự nở rộ của nghề livestream bán hàng, câu hỏi "làm thế nào để đi xa hơn với nó" cũng khiến nhiều người phải trăn trở và cuối cùng đành từ bỏ vì quá khó khăn, áp lực.
Báo cáo do Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc công bố năm ngoái cho thấy mức độ hài lòng của khách hàng đối với tất cả khía cạnh của mua sắm trực tuyến chưa đạt 80 điểm, và đặc biệt lo ngại về nguồn gốc sản phẩm cùng cách đưa tin sai thực tế.
Tháng 11/2020, sự cố yến sào Simba bán hàng giả làm rúng động toàn ngành thương mại điện tử. Simba cúi đầu xin lỗi, đồng thời phải bồi thường 60 triệu nhân dân tệ.
Từ đó, nhiều quy định và yêu cầu về kinh doanh qua phát livestream cũng được thắt chặt để đảm bảo an toàn của người tiêu dùng.
Ngày 9/2, Cục Quản lý Không gian mạng Quốc gia và 7 cơ quan khác đã ban hành "Ý kiến hướng dẫn về việc tăng cường quản lý tiêu chuẩn hóa phát sóng trực tiếp", trong đó đề cập việc thiết lập hệ thống quản lý phân phối phát sóng trực tiếp.