Chào đời ở thành phố Villalba, tỉnh Caltanissetta, Italy vào năm 1910, “bố già” Angelo Bruno di cư tới Mỹ khi còn nhỏ và định cư ở phía nam thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania cùng anh trai Vito. Cộng đồng gốc Italy chiếm tỷ lệ khá lớn trong dân số ở phía nam thành phố Philadelphia. Gia đình ông mở một tiệm thực phẩm ở thị trấn Feltonville, thành phố Philadelphia.
Năm 1922, Angelo tới trường, nhưng bỏ trường trung học giữa chừng để mở cửa hàng thực phẩm riêng. Trong thời gian kinh doanh, Angelo ở cùng với một người họ hàng của John Simone, phần tử mafia cộm cán. Nhờ mối quan hệ với John Simone, Angelo dần trở thành cộng sự thân cận của Carlo Gambino, một trong những ông trùm của gia tộc tội phạm Gambino khét tiếng ở thành phố New York. Người dìu dắt Angelo vào thế giới tội phạm là Michael Maggio, kẻ giết người từng gieo rắc kinh hoàng khắp nước Mỹ.
Hai thập niên dưới triều đại của “Bố già hòa nhã”
Vỏ bọc của Angelo Bruno là doanh nhân có sự nghiệp thành công, sở hữu công ty hỏa táng ở bang New Jersey, công ty nhôm ở bang Florida. Angelo bị bắt lần đầu vào năm 1928 vì lái xe ẩu. Những lần bắt tiếp theo liên quan tới hành vi sở hữu súng trái phép, sản xuất rượu trái phép, đánh bạc trái phép, nhận tài sản bị lấy cắp.
Angelo Bruno chủ trương phi bạo lực, cấm đàn em bán ma túy và hạn chế giết người. Ảnh: Nypost.com. |
Năm 1959, Angelo trở thành người đứng đầu tập đoàn tội phạm Philadelphia. Nhờ nguyên tắc hạn chế bạo lực, trong suốt 20 năm tiếp theo, Angelo đã tránh được sự chú ý của giới truyền thông, các lực lượng hành pháp và các băng đảng khác.
Không giống như đa số trùm mafia, Angelo luôn tránh giết người để thanh toán ân oán, nợ nần, mà ưu tiên hối lộ và phát triển sức mạnh mềm. Dù bị bắt nhiều lần, Angelo chỉ phải nhận mức án nhẹ. Mức án nặng nhất mà ông từng nhận là 2 năm tù giam.
“Bố già hòa nhã” Angelo cấm thuộc hạ buôn ma túy, mà chỉ thực hiện các hoạt động truyền thống của mafia như cho vay nặng lãi, cá cược. Mặc dù vậy, ông cho phép các băng nhóm khác phân phối heroin ở Philadelphia để nhận một phần lợi nhuận. Chủ trương ấy khiến nhiều thủ lĩnh cấp cao dưới trướng ông tức giận, vì họ muốn trực tiếp phân phối ma túy.
Cuộc đời “bố già hòa nhã” Angelo Bruno kết thúc vào ngày 21/3/1980, khi đang ngồi trong ôtô ở phía trước dinh thự. Một sát thủ đã bắn vào đầu Angelo khiến ông trùm tử vong ngay lập tức. John Stanfa, tài xế của ông, bị thương. Nhiều người tin Antonio Caponigro, cố vấn của “bố già”, đã ra lệnh giết ông. Vài tuần sau, người dân phát hiện thi thể bầm dập của Antonio Caponigro trong xe tải. Một số thành viên khác liên quan tới vụ ám sát Angelo cũng bị tra tấn và mất mạng.
Nội chiến băng đảng sau cái chết của "Bố già hòa nhã"
Vụ ám sát Angelo Bruno châm ngòi cho cuộc chiến băng đảng ở Philadelphia. Philip Testa, người thay thế Angelo, bị ám sát vào năm 1981 bởi vụ nổ bom đinh. Trong 4 năm tiếp theo, hơn 20 nhân vật cộm cán khác trong băng đảng lần lượt mất mạng vì làn sóng thanh toán lẫn nhau, bao gồm con trai của ông trùm Philip là Salvatore Testa.
Ông trùm thay thế Philip là Nicodemo Scarfo (biệt danh “Nicky”) may mắn hơn người tiền nhiệm khi tại vị tới 10 năm. Khác với Angelo, “bố già Nicky” nóng tính và thích bạo lực. Hắn cho phép đàn em bán ma túy, đồng thời buộc các băng đảng khác nộp “phí đường phố” khi bán ma túy trong lãnh địa.
Để xử lý những tranh chấp nhỏ, “bố già Nicky” không hề do dự khi ra lệnh giết người. Sự tàn bạo của Nicky đã thu hút sự chú ý của FBI, cảnh sát và cơ quan công tố. Năm 1988, họ đã thành công trong việc tống Nicky cùng hàng loạt thủ lĩnh của băng đảng Philadelphia vào tù với mức án dài hạn.
John Stanfa, ông trùm thay thế "Bố già Nicky". Ảnh: Nypost.com. |
Sau khi Nicky vào tù, băng đảng Philadelphia vẫn bành trướng, song FBI không biết nhân vật nào đứng đầu tập đoàn. Nhờ các nỗ lực nghe trộm và cài nội gián vào tổ chức mafia, họ mới tìm ra manh mối về ông trùm mới.
Thông tin về nhân vật đứng đầu tổ chức mafia ở Philadelphia khiến cả FBI lẫn cảnh sát sửng sốt. Ông trùm cao nhất chính là John Stanfa, tài xế riêng của “bố già” Angelo Bruno. Sau khi Angelo chết, John đã khai man với FBI nên phải nhận mức án 8 năm tù giam. Mãn hạn tù, ông ta lập công ty và sống kín đáo. Mặc dù ngồi ở vị trí cao nhất, John không hề phô trương thanh thế và để một đàn em điều hành băng đảng nên nhiều người không biết ông ta chính là “bố già” mới.
Sự chống đối của nhóm mafia trẻ
Giống như Angelo Bruno, ông trùm John Stanfa cấm đàn em buôn ma túy và chỉ tập trung vào các hoạt động kiếm tiền truyền thống như đánh bạc, cho vay nặng lãi, tống tiền.
Joseph Salvatore Merlino, thủ lĩnh của nhóm mafia trẻ trong băng đảng tội phạm Philadelphia. Ảnh: The Guardian. |
Nhờ nghe trộm một cuộc họp của John Stanfa với các thủ lĩnh cấp cao của ông ta, FBI biết John đang lo ngại sự chống đối của nhóm mafia trẻ trong tập đoàn tội phạm Philadelphia. Trong thời gian John sống ở tù 8 năm, nhóm mafia trẻ đã tung hoành mạnh mẽ. Họ tỏ ra không muốn phục tùng John vì cho rằng ông ta không xứng đáng với vị trí ông trùm cao nhất. Thủ lĩnh của nhóm mafia trẻ là Joseph Salvatore Merlino, người Mỹ gốc Italy. Joseph luôn chống lệnh của ông trùm tối cao John và cho phép đàn em bán ma túy.
Không chỉ sống theo phong cách xa hoa, nhóm mafia trẻ còn tỏ ra kiêu ngạo, khinh suất khi thường xuyên phát biểu trước báo giới, không chịu trả tiền mỗi khi ăn ở nhà hàng. Những hành vi của họ khiến John Stanfa cảm thấy tức giận.