Paul (hơn 30 tuổi) hiện sống một mình ở Glasgow. Anh đã phải bỏ công việc trong lĩnh vực thể thao từ tháng 5 do đại dịch. Anh nói rằng những ngày sau đó là "khoảng thời gian mờ nhạt, chán chường".
“Ngay khi vừa mở mắt vào buổi sáng, tôi sẽ đi tới tủ lạnh, lấy ra một ít bia hoặc rượu rồi cứ thế bắt đầu uống", anh kể.
Paul đã tiêu tốn khoảng 7.000 bảng Anh - toàn bộ số tiền tiết kiệm - vào rượu bia và các hóa đơn. Anh cũng không thể trả tiền nhà và thuế hội đồng.
Suốt một năm, anh chàng say sưa quá nhiều. Paul uống mỗi tối sau giờ làm việc và dịp cuối tuần sẽ nhậu từ tối thứ 6 đến hết ngày chủ nhật. Đôi khi, anh uống và thức thâu đêm dù sáng mai phải đến chỗ làm.
Có một tối, Paul còn mời cả một nhóm người không quen biết về căn hộ của mình và cùng nhậu nhẹt. Sự ồn ào khiến hàng xóm của anh gọi cảnh sát. Paul phải ra tòa và nộp phạt.
“Mọi thứ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Rượu khiến tôi tê liệt và không thể giải quyết những chuyện đáng ra có thể làm được”, Paul nói.
Sau lần ra tòa, Paul nhận ra anh có thể mất việc làm và cả chỗ ở nếu vẫn tiếp tục tình trạng này. Anh bắt đầu lên kế hoạch để trả các khoản nợ và tự cai rượu bia mà không cần sự hỗ trợ từ chuyên gia hay người thân.
“Tôi chưa gặp trở ngại nào đáng kể và thấy việc này cũng không quá khó. Hạn chế duy nhất là từ một người đã bỏ thuốc nhiều năm, bây giờ tôi phải hút đến 20 điếu một ngày. Sau rượu chắc tôi lại phải cai thuốc lá”.
Paul từng gặp rắc rối vì nhậu nhẹt triền miên, không thể kiểm soát cơn thèm rượu. Ảnh minh họa. |
Paul không phải người duy nhất cố từ bỏ rượu bia trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19 tại Anh.
Theo cuộc khảo sát vào tháng 7 của tổ chức từ thiện Alcohol Change UK, trong 1.647 người từng nghiện rượu, có 37% cố gắng quản lý lượng đồ uống có cồn họ uống trong thời gian phong tỏa chống dịch. Cách thức thường là kiểm soát lượng rượu mua về, xin lời khuyên từ bác sĩ hoặc tự đặt ra những ngày không uống rượu.
Lượng truy cập vào phần “Nhận trợ giúp ngay bây giờ” trên trang web của Alcohol Change UK trong 3 tuần sau khi có lệnh phong tỏa đã tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thoát khỏi ám ảnh rượu bia
Tối 13/6, Charlotte Davies (47 tuổi, quản lý văn phòng đến từ Warfield, quận Berkshire, Anh) vẫn vui vẻ cùng chồng ngồi xem TV sau khi 2 người nấu ăn xong. Trước đó, cô đã uống hết 2 chai vang đỏ.
Lúc lấy rượu từ garage, Davies thất thần khi nhận ra 36 chai rượu mới mua qua mạng đã sắp hết. Cô tự nhắc mình phải nhớ để đặt thêm.
Hôm sau, cô thấy nôn nao khủng khiếp. “Tôi đã ốm, bị đau đầu và cảm giác chán nản vô cùng”, Davies nói. Người phụ nữ cố gắng cầm cự lâu nhất có thể. Đến 17h30, cô uống thêm một chai vang.
Davies hạ quyết tâm đó sẽ là lần cuối cùng cô sa đà vào rượu. Cô thấy đã chịu đựng quá đủ, bởi đây không phải lần đầu tiên người phụ nữ này gặp rắc rối với chứng nghiện rượu.
Có lần cô dự đám cưới, say xỉn rồi làm loạn trên sân khấu. Ngày hôm sau, những bức hình về khoảnh khắc đáng xấu hổ được đăng lên Facebook, Davies phải năn nỉ người kia gỡ chúng xuống.
Vài năm trước, lúc đang ở Manchester để cùng bạn xem cuộc thi marathon, Davies bị ngã trong tình trạng say xỉn sau khi rời nhà hàng. Vết sẹo đến giờ vẫn còn trên cánh tay cô.
Nguyên nhân khiến Davies quyết tâm thay đổi không phải là cơn nôn nao bất chợt hôm chủ nhật hay lần bị bôi xấu trên mạng xã hội, mà chính là vì Covid-19.
Charlotte Davies quyết tâm phải thoát khỏi chứng nghiện rượu. |
Những ngày ở nhà vì dịch bùng phát, Davies nhận ra suốt nhiều năm qua mình đã không thể kiểm soát cơn cuồng đồ uống có cồn.
“Tôi không biết liệu có cai được chứng nghiện rượu không nếu như dịch bệnh không xảy đến. Công việc đình trệ do Covid-19 dường như trao cho tôi cơ hội được uống thỏa thích. Nhưng rồi cũng chính nó khiến tôi thức tỉnh để nhận ra vấn đề của bản thân”.
Tuy nhiên, để cai được rượu không phải chuyện dễ dàng. Davies bị ám ảnh bởi cơn thèm vang đỏ, kèm theo đó là sự mệt mỏi về thể chất.
“Vì rượu vang đỏ chứa nhiều đường. Việc ngừng uống khiến tôi đau nhức đầu, thèm đồ ngọt và vô cùng mệt”.
Bên cạnh đó, cai rượu còn khiến Davies gặp vấn đề tâm lý bởi trước đó cô dùng rượu như một “cứu cánh” để xua đi căng thẳng trong công việc và cuộc sống.
“3 tuần trước, tôi đã buồn đến nỗi không thể nào ngừng khóc”. Thế nhưng cô nhất quyết không uống một chút rượu nào.
“Tôi nhận thức rõ con đường mà mình chọn lựa. Từng có cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng vì nghiện rượu, tôi đã khiến chồng mình đau khổ nhiều và tình cảm của chúng tôi trên đà rạn nứt. Tương lai dường như thật tăm tối. Và người duy nhất có thể thay đổi nó là tôi”.
Đã 80 ngày kể từ lần cuối cô uống rượu. Garage nơi từng chất cao nhiều thùng rượu giờ đây được thay bằng soda, siro và nước chanh.
Davies tìm được sự giúp đỡ từ những nhóm bạn bè có chung mục tiêu trên mạng như Club Soda, Team Sober UK và Sober Girl Society.
“Nhận được sự ủng hộ từ họ thật tuyệt. Với tôi điều đó thật ý nghĩa, bởi dù người thân có yêu thương mình nhưng chưa chắc cha mẹ hay anh em đã hiểu được điều tôi thực sự cần làm”.
Davies cho biết cô đang rất lạc quan về tương lai. Covid-19 là thảm họa tồi tệ với thế giới nhưng nó đã vô tình mang đến cho cô chút gì đó tốt đẹp.
“Cai được rượu thực sự rất tuyệt vời. Tôi không còn đau khổ vì cơn thèm rượu nữa. Giờ tôi dậy sớm, đi dạo, dần lấy lại những niềm vui trong cuộc sống và thấy thật bình yên”.
Cai rượu trước khi mọi chuyện quá tệ
Jamie Klingler, hiện sống ở London và điều hành một công ty tổ chức sự kiện, vừa tổ chức sinh nhật tuổi 42. Vốn là người nghiện rượu, đây là lần đầu tiên từ khi đủ tuổi trưởng thành, cô không thức dậy sau đêm sinh nhật với cảm giác nôn nao vì say.
Klingler thường uống một hoặc hai chai rượu mỗi đêm, chủ yếu khi ra ngoài giao lưu với đối tác.
Bạn bè đã cố gắng nói chuyện về việc cô uống quá nhiều, song Klingler thường lảng đi hoặc phản đối.
Cô kể tình trạng nghiện rượu của cô tăng lên một mức từ khi mẹ cô qua đời cách đây 2 năm. “Khi đó, tôi chỉ biết say xỉn và ngồi khóc trong một góc nhà. Tôi hoàn toàn đau khổ và hỗn loạn”.
Khi bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa, Klingler gọi 3 chai vang hoa hồng cỡ 10 lít. Cô mải say sưa vì quá buồn chán và cô đơn. Sau khi nói chuyện với một người bạn là bác sĩ, cô được khuyên nên bỏ rượu trước khi mọi chuyện quá tệ.
“Anh ấy nói nếu còn uống rượu thì cơ thể tôi sẽ bị đầu độc, gan của tôi sẽ hỏng và tôi có thể mất mạng”.
Cuối cùng, Klingler tìm được sự giúp đỡ từ một nhóm trên mạng tập hợp những phụ nữ quyết tâm cai rượu.
Thời gian phong tỏa dường như tạo cơ hội để mọi người bỏ rượu, song giờ đây, khi quán xá được mở cửa trở lại, nhiều người có thể sẽ bị cám dỗ và quay về với thói quen cũ.
Cyrus Abbasian, bác sĩ tâm thần kiêm chuyên gia về chứng nghiện rượu, lo ngại rằng những người mới cai được rượu có thể tái nghiện giữa bối cảnh dịch bệnh.
“Suy thoái kinh tế có mối liên quan chặt chẽ với việc lạm dụng rượu bia khi người ta đối mặt áp lực tài chính. Rượu thì rẻ và dễ mua. Điều này sẽ để lại ảnh hưởng về lâu dài”, Abbasian nói.
Dù các kệ hàng ở siêu thị đã không bán rượu trong những tuần đầu phong tỏa, dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy từ 23/3-11/7, người tiêu dùng đã uống 1,3 tỷ lít rượu. Con số này thấp hơn so với mức 2 tỷ lít rượu được tiêu thụ cùng kỳ năm ngoái.
“Một số người đã tận dụng thời gian phong tỏa là cơ hội để cắt giảm mức tiêu thụ rượu của mình. Có lẽ dịch bệnh khiến họ hiểu được sự cần thiết của việc bảo vệ sức khỏe, hoặc nhận ra trước đây mình đã uống quá nhiều”, Andrew Misell, thành viên Alcohol Change UK, lập luận.