Chia sẻ với Zing, cô Nguyễn Việt Thảo cho hay đây là lễ khai giảng đầu tiên của cô với các học sinh tại điểm trường Tắk Pổ - nơi thuộc vùng núi xa nhất của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cả cô và trò đều hào hứng trong ngày mừng năm học mới.
Cách đây một năm, hình ảnh lễ khai giảng của cô Trà Thị Thu cùng 34 học sinh tại điểm trường này từng gây sốt mạng xã hội. Những bức hình cô trò tổ chức chào mừng năm học mới với hai dãy bàn ghế đơn sơ, xung quanh là núi đồi và mây trắng khiến nhiều người xúc động.
Nhưng khác với năm ngoái, năm học mới này, các em nhỏ có một lễ khai giảng đủ đầy, tươm tất hơn.
Lễ khai giảng năm ngoái (ảnh trái) và năm nay của cô trò ở điểm trường Tắk Pổ. Ảnh: Trà Thị Thu, Lê Quang Long. |
"Năm nay, cô trò tại điểm trường Tắk Pổ nhận rất nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, các em được tặng quần áo, sách vở, bánh kẹo, đồ chơi từ các mạnh thường quân, thông qua sự kết nối của thầy Huy (ĐH Sư Phạm Huế)", cô Thảo kể.
Những món quà được tình nguyện viên, mạnh thường quân trao đúng ngày khai giảng giúp học trò thêm phấn chấn tinh thần.
"Nhận được đồng phục mới, các em không giấu được niềm phấn khích trên gương mặt. Từng quyển sách mới tinh hay chiếc cặp xinh xắn đối với các trò đều là vật dụng giá trị".
Cô Thảo cho biết từ cuối tháng 8 đã nhận được tin sẽ chuyển đến điểm trường mới này. Ngày 4/9, cô lên trường và cùng mọi người chuẩn bị chu đáo cho ngày khai giảng.
Nhờ sự giúp đỡ từ chính quyền và các nhà hảo tâm, giáo viên và học sinh tại đây liên tục nhận được nhiều hỗ trợ. Nhiều món quà như quần áo, đồ dùng học tập được gửi lên cho các em. Địa phương cũng triển khai dự án xây dựng đường đến gần điểm trường để thuận tiện cho giáo viên đi lại.
Ngôi trường giữa núi đồi
Điểm trường thuộc Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập chỉ có 2 cô giáo cùng các học trò là con em người đồng bào Ca Dong sống bám vào hông những khối núi trên dãy Ngọc Linh.
Trường có vỏn vẹn 2 lớp, sĩ số năm nay vẫn giữ nguyên. Một lớp cấp tiểu học, liên kết lớp 1-2 có 14 học sinh do cô Thảo chủ nhiệm. Từ lớp 3, các em sẽ chuyển xuống trường chính của xã để học tiếp.
Lớp mầm non có 20 em nhỏ do cô Nguyễn Thị Bích Nguyên quản lý. Đây cũng là lớp học đầu tiên cô Nguyên chủ nhiệm sau khi tốt nghiệp. Vừa ra trường, cô đã mạnh dạn nhận công tác tại vùng được xem là khó khăn nhất nhì của huyện.
Năm học mới này, các em nhỏ nhận được nhiều quà tặng từ các mạnh thường quân. Ảnh: Lương Quang Linh. |
Dù gặp nhiều khó khăn song cô Thảo nói "đã quen" vì từng có 7 năm công tác và gắn bó tại các "điểm trường thôn" khác nhau của huyện Nam Trà My.
"Ngày lên nhận lớp, tôi có gọi điện trước nhờ phụ huynh xuống chân đồi mang giúp ít đồ lên điểm trường. Ai nấy đều nhiệt tình, chu đáo. Phụ huynh sợ cô mệt nên chia đồ ra mang giúp phần lớn, họ cũng đi chậm vì sợ cô giáo lạc đường".
Vì đường núi nên mọi người không tính đường đi bằng km mà quy ra thời gian đi. Để leo từ chân đồi lên điểm trường phải mất 45 phút đến 1 giờ đi bộ.
Khi thấy các cô đi qua bãi đất trống trên đồi, các học trò vẫy tay, gọi cô rối rít rồi kéo nhau cùng chạy theo xuống trường chơi.
"Các em háo hức được đi học lắm, nói nhớ cô và lớp, không muốn nghỉ thêm ngày nào. Từ những ngày còn chưa khai giảng, học sinh đã xuống trường chơi với giáo viên. Các em ham học chính là hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi".
"Các giáo viên đều muốn nỗ lực, hết lòng vì các học sinh, mong các em sẽ có thành tích tốt và học lên cao", cô nói thêm.
Cô Thảo cho hay, vì là "điểm trường lá" ở vùng xa nên nơi này chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Các giáo viên tự mang theo thức ăn đủ cho một tuần và không thể bảo quản bằng tủ lạnh.
Hiện, địa phương chưa có sự ảnh hưởng từ dịch bệnh song giáo viên luôn hướng dẫn các em thực hiện đầy đủ quy định phòng dịch như đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng.