Tỷ lệ sinh trên thế giới được dự đoán sẽ giảm vào năm tới do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến kinh tế khó khăn. Nhiều người trẻ khắp các quốc gia cũng chia sẻ có khả năng sẽ trì hoãn việc kết hôn và sinh con giữa tình hình hiện nay.
Với Nhật Bản và Hàn Quốc - 2 quốc gia châu Á vốn phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về nhân khẩu học như già hóa dân số - đại dịch càng gây khó khăn cho các nhà hoạch định trong việc triển khai các kế hoạch khuyến khích sinh đẻ.
Dịch bệnh khiến tỷ lệ sinh ở nhiều quốc gia được dự đoán giảm mạnh. |
Trì hoãn việc có con
Tính đến năm 2019, Nhật Bản đã có tỷ lệ sinh giảm 11 năm liên tiếp. Số ca sinh vào năm ngoái là 860.000 ca - lần đầu tiên nằm dưới mốc 900.000 ca kể từ khi số liệu được theo dõi.
Hideo Kumano - nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life - dự đoán số ca sinh tại nước này sẽ giảm khoảng 10% vào năm 2021.
"Vấn đề về kinh tế như những người là lao động thời vụ mất việc làm sẽ dẫn đến nhiều người trẻ tránh việc kết hôn, sinh nở trong một thời gian", ông Kumano nói.
Trong tháng 5, Nhật Bản có 32.544 cuộc hôn nhân mới, theo số liệu của Bộ Y tế. Đây vốn được xem là thời điểm nhiều đôi muốn kết hôn vì trùng với thời điểm thay đổi niên hiệu theo truyền thống (khi hoàng đế mới lên ngôi) song số đôi kết hôn đã giảm 2/3 so với tháng 5/2019.
Tại Hàn Quốc, số đôi kết hôn vào tháng 4 giảm 20% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua, chỉ đạt 1,36 vào năm 2019. Một quan chức của Bộ Y tế nước này cảnh báo con số sẽ còn thấp hơn trong năm nay và năm tới.
Tỷ lệ sinh không chỉ sụt giảm tại các nước châu Á. Theo một bài nghiên cứu của Viện Brookings (tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington), số trẻ sinh ra ở Mỹ trong năm tới có thể giảm từ 300.000 đến 500.000 so với năm nay - giảm 10% so với số ca sinh trung bình hàng năm tại Mỹ.
"Cuộc suy thoái sâu và lâu dài hơn sẽ diễn ra khiến thu nhập cả đời của nhiều người bị giảm xuống, đồng nghĩa với việc nhiều phụ nữ không chỉ trì hoãn việc sinh con mà họ còn quyết định có ít con hơn", bài nghiên cứu chỉ ra.
Suy thoái kinh tế do dịch bệnh là nguyên nhân dẫn tới nhiều người trì hoãn kết hôn, có con. |
Trước khi đại dịch diễn ra, vấn đề già hóa dân số đã là nỗi lo của nhiều quốc gia, giữa bối cảnh tỷ lệ sinh giảm mạnh trong những năm gần đây.
Báo cáo của chính phủ Anh cho thấy tỷ lệ sinh ở Anh và xứ Wales trong năm 2018 đạt mức thấp kỷ lục. Tỷ lệ sinh tiếp tục giảm ở Liên minh châu Âu, theo dữ liệu của Eurostat. Năm 2017, 5,1 triệu em bé được sinh ra ở EU, ít hơn 90.000 so với năm trước.
Các nước Đông Á cũng vật lộn với thực trạng tỷ lệ sinh giảm khi ghi nhận mức thấp kỷ lục ở nhiều quốc gia. Tại Singapore, số trẻ sinh trong năm 2018 xuống mức thấp nhất trong 8 năm trở về trước, theo thống kê của chính phủ nước này.
Không dám đẻ vì khủng hoảng tài chính
Thực tế, tỷ lệ sinh thường giảm xuống trong các cuộc khủng hoảng kinh tế. Theo Viện Brookings, sự suy thoái kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là nguyên nhân gây sụt giảm 400.000 ca sinh tại Mỹ.
Người trẻ bị ảnh hưởng nặng nề khi mối lo về việc làm và thu nhập đang lan rộng khắp thế giới.
Trong một cuộc khảo sát trực tuyến của Tổ chức Lao động Quốc tế, 17,1% người trẻ trong độ tuổi 18-29 tham gia cho biết họ đã không làm việc kể từ khi đại dịch bùng phát. Những người đang đi làm cũng nói rằng thời gian làm việc trung bình giảm 23% khiến thu nhập bị ảnh hưởng.
"Đại dịch lần này là cuộc khủng hoảng sức khỏe của thế kỷ, những tác động của nó sẽ còn dai dẳng trong thập kỷ tới", Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới - nói. Thời gian tìm ra vaccine càng kéo dài, các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng càng lâu.
Tỷ lệ sinh thường giảm xuống trong các cuộc khủng hoảng kinh tế. Ảnh: Theempoweredmama. |
Tại các nước đang phát triển, sự thiếu hụt trong hệ thống y tế khiến mối lo về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương tăng cao. UNICEF cảnh báo số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được sẽ tăng thêm 1,2 triệu trong 6 tháng tới do các biện pháp đối phó với Covid-19 tiêu tốn nguồn lực y tế.
Một nghiên cứu của Đại học Washington dự đoán rằng dân số thế giới sẽ đạt đỉnh 9,7 tỷ người vào thập niên 2060, sau đó giảm xuống khoảng 8,8 tỷ người vào cuối thế kỷ này. Đại dịch có thể đẩy nhanh sự suy giảm này.
Mặc dù dân số ít hơn làm giảm việc sử dụng tài nguyên và giảm gánh nặng cho môi trường, nó lại dẫn đến nguồn cung lao động hạn chế. Việc đổi mới công nghệ được xem là giải pháp thúc đẩy nền kinh tế.