“Cha luôn nghĩ tôi chỉ là một người rửa chân”, Fang Qiyu, chủ một cửa hàng làm móng ở Thâm Quyến, ngậm ngùi kể.
Trong 2 năm đầu kinh doanh, do lượng khách không ổn định và thu nhập thấp, cha cô thường cằn nhằn: “Mau mau đóng cái tiệm rửa chân đó đi. Đi tìm lấy người bạn trai tốt, có công việc hoặc chủ nhà trọ cũng được”.
Nhưng trong 6 năm qua, tiệm của Fang Qiyu ngày càng nổi tiếng. Ngoài làm nail, tiệm còn nối mi, chăm sóc sắc đẹp và làm thêm một số dịch vụ khác. Nếu dịch bệnh không xảy đến, cô đã có thể mở thêm 3 cửa hàng trong năm nay.
Dù không tự tin nói mình đã đạt được tự chủ tài chính, Fang vẫn khiến nhiều người ngưỡng mộ khi có thể đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Cha cũng ngừng càm ràm về chuyện bảo cô dẹp tiệm.
Fang không phải phụ nữ trẻ duy nhất tại đất nước tỷ dân nuôi mộng làm giàu với nghề này, vì không đòi hỏi trình độ cao và vốn bỏ ra thấp, theo The Paper. Số liệu của iResearch cho biết năm 2017, nước này có 370.000 tiệm nail với hơn 2,6 triệu nhân viên.
Phụ nữ trẻ Trung Quốc chọn nghề làm nail với mong muốn làm giàu. |
Tiệm nail mọc lên như nấm sau mưa
Luo Yun là chủ một tiệm nail ở Sâm Châu, Hồ Nam. Cô nói với Jiemian News rằng chi phí ban đầu bỏ ra để kinh doanh ngành này rất thấp, chủ yếu chỉ cần phí mặt bằng và tiền trang trí.
“Khi mới mở cửa hàng riêng, mặt bằng chỉ cần rộng 20 m2 đã có thể chứa 4-6 khách cùng một lúc. Nếu không mở ở những khu thương mại nổi tiếng, chỉ cần 20.000 nhân dân tệ cũng đủ cho sửa chữa, trang trí và trả tiền thuê ban đầu. Dụng cụ, vật liệu chỉ tốn khoản tiền không đáng kể”.
Địa điểm đặt cửa hàng có thể là vấn đề sống còn đối với nhiều loại hình kinh doanh, song với nghề nail, đó không phải chuyện quá quan trọng.
Với những cửa hàng cao cấp, nổi tiếng trên mạng, đơn giá có thể lên tới 500 nhân dân tệ. Nếu khách muốn đính thêm phụ kiện nhỏ, tiệm sẽ tính thêm 20 nhân dân tệ phụ phí.
Một thợ làm móng phục vụ 8 khách mỗi ngày, doanh thu hàng tháng có thể đạt mức thấp nhất là 24.000 nhân dân tệ (hơn 80 triệu đồng). Nhiều cửa hàng cung cấp thêm dịch vụ nối mi, chăm sóc sắc đẹp nên con số này còn có thể tăng lên.
Với mức vốn ban đầu thấp, không quan trọng nơi kinh doanh, nhiều người chọn mở cửa hàng nail. |
Không dễ để thành công
Luo Yun cho rằng để kinh doanh tốt trong ngành này không hề dễ dàng. Thực tế, chỉ sau một năm, cô đã phải đóng cửa hàng vào năm 2019 do người bạn làm chung đi lấy chồng và sinh con.
Trong giai đoạn đầu, Luo đã làm việc chăm chỉ để xây dựng một studio chuyên nghiệp và tinh tế nhất. Cô còn sang Nhật Bản mua hàng chục nghìn loại vật liệu, dụng cụ cao cấp, đắt tiền.
Thế nhưng, cô phát hiện các loại vật liệu nội địa bán trên mạng cũng đủ đáp ứng nhu cầu và những người cùng ngành với cô không phải đều sử dụng loại hàng xịn như họ quảng cáo.
Khi bắt tay vào làm, cửa hàng chỉ có hai người. Luo chủ yếu chờ đợi khách đặt hàng qua mạng. Lượng khách quá ít, chỉ có vài ba người một ngày.
Đến lúc lượng khách quen ổn định, người hợp tác với cô đột ngột bỏ đi, Luo chật vật để tìm một thợ làm móng mới. Cuối cùng, cô phải làm một mình.
"Thực tế, vấn đề khó nhất khi mở tiệm nail là nhân công. Nhân viên làm móng thường xuyên nhảy việc, ít ai làm ở một tiệm trong hơn một năm. Một phần nguyên nhân là hầu hết chủ các tiệm nail đều tính thu nhập của mình bằng cách ăn chia với thợ, trong khi thu nhập của thợ nail cũng không cao".
Một phương án khác được đưa ra là tìm người học việc, nhưng chủ cửa hàng không thể giữ chân khi họ học xong.
“Có thể tôi không cần trả lương cho người học việc, nhưng tôi phải dạy họ. Người ta rời đi khi học xong, lại phải tuyển học viên mới, cứ luẩn quẩn như thế”, Luo nói.
Kinh doanh tốt trong ngành nail không hề dễ dàng. Ảnh: CTPost. |
Tuy nhiên, những người làm móng chuyên nghiệp có thể lựa chọn nơi làm việc với mức lương thỏa thuận cao hơn. Họ tích lũy một nhóm khách hàng riêng và có thể chủ động đề nghị hợp tác với các chủ cửa hàng. Họ thậm chí không cần lương cơ bản, chỉ mượn địa điểm, dụng cụ nhưng có thể chiếm một nửa doanh số.
Thực tế, để tuyển được những người như vậy rất khó. Do số vốn ban đầu khá thấp, những thợ nail có thâm niên thường chọn mở cửa hàng riêng.
Ngành công nghiệp làm móng của Trung Quốc trải qua nhiều thay đổi lớn trong thập kỷ qua.
Từ năm 2009, keo dán móng đã thay thế sơn móng tay, làm thay đổi thói quen tiêu dùng của một thế hệ phụ nữ. Nhiều người thay đổi thói quen tự chăm sóc, vẽ móng tỉ mỉ ở nhà sang việc tìm dịch vụ bên ngoài để có người phục vụ họ.
Thậm chí đến đàn ông cũng biết rằng có dáng móng tay dài và nhọn là những cô gái theo phong cách phương Tây, còn những ai đính hoa hay hạt đá lấp lánh là người yêu phong cách Nhật Bản.
Tuy nhiên, Xu Changfa - giám đốc quan hệ công chúng của công ty Nail Printer - cho rằng suốt nhiều năm vẫn không có chuỗi thương hiệu lớn nào trong lĩnh vực làm móng vì ngành này không thể tiêu chuẩn hóa.
Theo đó, khách hàng có xu hướng chọn một người làm móng đáng tin cậy, tìm tiệm gần nhà hay nơi có giá thấp nhất. Mọi người sẽ không chạy theo thương hiệu.