Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái giá của miễn dịch cộng đồng thụ động

Để có miễn dịch cộng đồng dạng thụ động, chúng ta có thể phải trả giá rất đắt, có thể bằng chính mạng sống của người bệnh.

Zing.vn đăng tải bài viết của TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - người trực tiếp điều trị thành công cho hai cha con người Trung Quốc mắc Covid-19, về chiến lược miễn dịch cộng đồng.

Những ngày qua không ít chuyên gia lên tiếng phản đối về việc một cố vấn cao cấp chính phủ Anh tuyên bố có thể áp dụng chiến lược "miễn dịch cộng đồng" trong việc chống đại dịch Covid-19. Chúng ta thấy gì qua vấn đề này?

Thế nào là miễn dịch cộng đồng?

Xét về khía cạnh cá nhân: Khi một người bị nhiễm bệnh, virus sẽ xâm nhập, phát triển, tấn công cơ thể người bệnh và kết quả sẽ có hai tình huống xảy ra.

Tình huống thứ nhất: Người bệnh có sức khỏe tốt, hệ miễn dịch bình thường thì sau một khoảng thời gian cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để chống lại virus. Kết quả, virus dần bị tiêu diệt và bệnh nhân khỏi bệnh. Khi đó, cơ thể người bệnh này sẽ tồn tại một lượng kháng thể sẵn sàng chống lại virus gây bệnh nếu nó tái xâm nhập.

Tình huống thứ hai: Người bệnh già yếu, có bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy thận mạn… có nghĩa là người bị suy giảm miễn dịch thì sẽ khó có thể tạo kháng thể đủ về lượng và chất. Do vậy, họ không có khả năng tự chống chọi với sự tấn công của virus dẫn đến những biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Có những điểm giống và khác nhau giữa hai tình huống trên. Giống là cả hai đều có một khoảng thời gian virus được "tung tăng" phát triển trong cơ thể người bệnh đồng thời phát tán ra ngoài gây bệnh cho người khác. Sự khác nhau là người yếu sẽ có thời gian truyền bệnh lâu hơn (có thể kéo dài tới khi chết) trong khi người khỏe sẽ hết lây truyền cho người khác khi khỏi bệnh.

Xét về khía cạnh cộng đồng: Khi một người đã có kháng thể bị virus xâm nhập, hệ thống miễn dịch của cơ thể ngay lập tức "chiến đấu" với virus để tiêu diệt nó. Không có khả năng sống sót và nhân bản nên kết quả là virus không có cơ hội để lây lan bệnh cho người khác.

Còn người chưa có kháng thể sẽ có thể bị mắc bệnh và phát tán bệnh cho người khác. Kết quả là dòng virus gây bệnh sẽ có cơ hội sống lâu hơn và truyền bệnh cho nhiều người hơn, dịch bệnh có khả năng bùng phát.

Như vậy nếu trong một cộng đồng có đại đa số người có kháng thể chống lại một loại virus gây bệnh nào đó thì mỗi khi khi virus đó xuất hiện trở lại sẽ dễ dàng bị tiêu diệt, khó có thể thể lan rộng. Từ đó dịch bệnh sẽ không hình thành hoặc chỉ là những vụ dịch nhỏ, dễ dàng bị dập tắt. Đây chính là hiện tượng "miễn dịch cộng đồng".

mien dich cong dong cua nuoc Anh anh 1

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.

Miễn dịch cộng đồng có 2 loại: Chủ động và thụ động

Vậy bạn sẽ đặt vấn đề: Miễn dịch cộng đồng có tác dụng ngăn ngừa dịch bệnh, như vậy thì người Anh áp dụng trong cuộc chiến với Covid-19 ắt là đúng? Thưa không! Bởi vì miễn dịch cộng đồng có hai loại: Chủ động và thụ động.

Miễn dịch chủ động có nghĩa là người ta dùng vắc xin để chủng ngừa cho cộng đồng trước khi bệnh dịch xảy ra. Sau khi dùng vắc xin, cơ thể người dùng sẽ bị kích thích tạo ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh mà không bị bệnh, do vắc xin là chế phẩm có tính chất kháng nguyên mà không phải là virus gây bệnh thực sự. Vai trò của vắc xin được ví như những bài tập cho người lính rèn luyện kỹ năng chiến đấu trước khi bước vào trận chiến.

Còn miễn dịch thụ động là người có kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh sau khi mắc bệnh thực sự. Cũng có thể lấy hình ảnh minh họa là người lính vào trận chiến mà chưa được huấn luyện, kỹ năng chiến đấu họ có được do may mắn không chết trong trận chiến đó.

Như vậy, cùng là miễn dịch cộng đồng nhưng để có miễn dịch cộng đồng dạng thụ động thì chúng ta có thể phải trả giá rất đắt, có thể bằng chính mạng sống của người bệnh.

Trở lại chuyện toan tính áp dụng chiến lược miễn dịch cộng đồng của người Anh. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh Covid-19, như vậy, muốn có miễn dịch cộng đồng, người ta bắt buộc phải dùng biện pháp thụ động. Có nghĩa là để cho virus SARS-CoV-2 tự do hoành hành, người dân sẽ phải đồng loạt mắc bệnh.

Theo tính toán, thống kê cho thấy trong vụ dịch này, trung bình một người bệnh sẽ lây truyền cho 3 người khác, từ đó để đạt được miễn dịch cộng đồng có tác dụng bảo vệ thì cần tối thiểu 60% người dân trong cộng đồng phải mắc bệnh.

Cụ thể, nước Anh có 68 triệu dân thì cần có tối thiểu 41 triệu người phải mắc bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân nặng cần chăm sóc y tế và tỷ lệ tử vong trung bình của dịch bệnh này lần lượt là 20% và 2-3%. Như vậy, có ít nhất 8 triệu người phải nhập viện và có thể có tới hơn 800.000 người tử vong. Tuy nhiên, số tử vong này còn thay đổi tùy thuộc vào thời điểm nhập viện và khả năng chăm sóc của y tế Anh. Nếu số bệnh nhân nặng cùng nhập viện trong khoảng thời gian ngắn, chắc chắn tỷ lệ tử vong sẽ tăng vọt.

mien dich cong dong cua nuoc Anh anh 2
Sự thành công trong công cuộc phòng chống dịch bệnh phụ thuộc rất lớn vào suy nghĩ, hành động của người dân. Ảnh: Hoàng Giám.

Nếu như vậy, tại sao người ta lại muốn áp dụng chiến lược này?

Mặc dù tổng số bệnh nhân của chúng ta còn ít và số lượng ca mới phát hiện hàng ngày mới chỉ giới hạn ở một con số, nhưng chúng ta đã thấy chi phí rất lớn và công sức của bao nhiêu người, bao nhiêu ban ngành trong cuộc chiến với dịch bệnh tại Việt Nam hiện nay.

Vậy, hãy tưởng tượng tại Anh (hay một số nước châu Âu khác), con số ca bệnh mới phát hiện mỗi ngày tăng lên 3 hay 4 con số thì làm sao có thể thực hiện triệt để việc phát hiện người tiếp xúc, khoanh vùng, cách ly... như chúng ta đang làm?

Không làm được như Việt Nam thì chỉ còn cách tập trung năng lực cứu chữa những ca bệnh nặng để giảm tỷ lệ tử vong. Đây có thể là lý do chính yếu đi tới quyết định áp dụng miễn dịch toàn dân thụ động của nước Anh.

Nhìn người lại nghĩ tới ta

Hiện nay, chúng ta còn đang duy trì được "thời gian vàng" chống dịch. Tổng số bệnh nhân và số ca mắc mới còn ít, chưa có bệnh nhân tử vong do bệnh dịch. Thế nhưng, chỉ cần vài người không có ý thức vì cộng đồng, trốn tránh cách ly, khai báo không trung thực, không tuân thủ các biện pháp phòng chống bệnh... hậu quả thật là khó lường. Khi số bệnh nhân mới tăng lên 2-3 con số, nguy cơ chúng ta giống như các nước tâm dịch châu Âu có lẽ là điều không tránh khỏi.

Sự thành công trong công cuộc phòng chống dịch bệnh không phải chỉ phụ thuộc vào chiến lược đúng đắn của nhà nước mà còn phụ thuộc rất lớn vào suy nghĩ, hành động của mỗi người dân. Lúc này bảo vệ mọi người là bảo vệ chính mình.

Ngày làm việc của nhân viên y tế ở khu cách ly dịch Covid-19 “Điều mong muốn lớn nhất là dịch bệnh được kiểm soát để những người cách ly về với gia đình, chúng tôi về nhà sau mỗi ca trực”, các điều dưỡng tại trung tâm cách ly quận 7 chia sẻ.

Việt Nam có thêm 5 ca mắc Covid-19, 3 người ở TP.HCM

Tối 17/3, Bộ Y tế thông tin có 5 bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 3 bệnh nhân ở TP.HCM ngụ tại quận 7, 8, Gò Vấp.

TS.BS Lê Quốc Hùng

Bạn có thể quan tâm