Tháng 9 năm ngoái, hai người đàn ông ghé qua một nhà hàng thuộc chuỗi Yoshinoya chuyên về cơm bò ở quận Suminoe, tỉnh Osaka. Trong lúc dùng bữa, cả hai lấy đũa riêng gắp vào bát chứa gừng ngâm - món ăn kèm quen thuộc với cơm thịt bò - vốn dùng chung cho mọi thực khách tới quán.
Theo quy định, khách hàng sẽ dùng dụng cụ riêng cho các khay đồ chấm, gia vị nếu muốn lấy đồ trong đó.
Hành động này được cả hai dùng điện thoại quay lại, chia sẻ lên mạng xã hội với biểu cảm thích thú. Trong clip, Shimazu liên tục xúc gừng ngâm từ bát chung cho vào miệng.
Cảnh Ryu Shimazu liên tục vã món gừng hồng ngâm vào miệng từ chiếc bát vốn dùng chung cho khách của quán. Ảnh: Next Shark. |
Nhà hàng sau khi phát hiện video trên mạng đã báo cáo vụ việc cho cảnh sát và tạm thời đóng cửa để vứt bỏ toàn bộ số gừng còn lại và làm sạch bát đựng gừng.
Đến ngày 9/3, Shimazu bị bắt giữ, còn Oka bị bắt trong tuần này với tội cản trở kinh doanh và phá hoại tài sản. Hai người này đã thừa nhận các cáo buộc phạm tội.
Theo Kyodo News, Oka khai với cảnh sát rằng mục đích của hai người đàn ông là để đùa vui, gây cười cho người khác.
Nếu bị kết tội, Shimazu và Oka có thể phải đối mặt án tù 3 năm và khoản tiền phạt lên tới 500.000 yen (3.800 USD) vì tội cản trở kinh doanh. Ngoài ra, đối với tội hủy hoại tài sản, họ có thể phải chịu 3 năm tù giam và nộp khoản tiền phạt 300.000 yen (2.280 USD).
Giống như nhiều nhà hàng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của "khủng bố sushi", phía Yoshinoya quyết tâm kiện hai người đàn ông cố tình phá hoại chuyện làm ăn của nhà hàng. Ảnh: AP. |
Về phía chuỗi nhà hàng Yoshinoya, người phát ngôn của công ty cho biết: “Thật đáng tiếc khi tin tức này đã gây ra sự khó chịu và lo lắng cho khách hàng, đồng thời đặt ra câu hỏi về sự an toàn khi đi ăn bên ngoài nói chung. Chúng tôi chân thành hy vọng điều này sẽ không xảy ra nữa".
Vụ bắt giữ Toshihide Oka và Ryu Shimazu diễn ra khi ngành dịch vụ ăn uống ở Nhật Bản đang tăng cường ngăn chặn làn sóng khách hàng cố tình bôi bẩn đồ ăn, gây ảnh hưởng cho những thực khách khác và khiến uy tín của các bên kinh doanh nhà hàng bị sụt giảm nghiêm trọng.
Trước đó một tháng, cảnh sát tỉnh Aichi tiến hành bắt giữ 3 người sau khi video về trò chơi khăm mất vệ sinh, được gọi là "khủng bố sushi", khiến nhiều người phẫn nộ.
Cụ thể, một người trong nhóm đã liếm nắp chai nước tương dùng chung đang mở tại nhà hàng Kura Sushi ở địa phương, sau đó "khoe" lên mạng.
Một số hành vi mất vệ sinh khác từng ghi nhận là liếm ngón tay rồi chạm vào miếng sushi trên bằng chuyền hoặc liếm mép tách trà trước khi đặt nó trở lại kệ. Một số người còn cho mù tạt vào những miếng sushi trên băng chuyền hoặc liếm thìa trong hộp đựng bột trà xanh dùng chung.
Một loạt vụ bê bối diễn ra trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến lĩnh vực ẩm thực ở xứ phù tang. Các clip bôi bẩn đồ ăn thu hút hàng triệu lượt xem, nhiều nhà hàng phải nộp báo cáo thiệt hại cho cảnh sát, sau khi trở thành nạn nhân bất đắc dĩ và bị nhiều khách hàng đòi tẩy chay, quay lưng.
Ngoài quyết tâm có hành vi pháp lý đối với ai cố tình phá hoại, một số đơn vị tiến hành lắp đặt hệ thống camera được trang bị trí thông minh nhân tạo (AI) để tìm ra các vị khách có dấu hiệu khả nghi. Nhà hàng còn lắp đặt camera ở bộ phần điều khiển băng chuyền và ở cả những đĩa đựng sushi.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.