Gần nửa đêm, bên trong một khu trung tâm mua sắm gần như bỏ hoang ở thủ đô Bangkok, một nhóm người tất bật chuẩn bị cho việc lên sóng, theo Jakarta Post.
Trên màn hình livestream, các dòng bình luận từ người xem liên tục xuất hiện. Nội dung của lần phát sóng trực tuyến này là ê kíp nhận các cuộc gọi từ người dùng và nghe họ kể lại những trải nghiệm vừa kỳ lạ vừa sợ sệt, khó giải thích.
Dù tính xác thực của lời kể không thể xác định, chương trình vẫn thu hút đông người xem hàng tuần. Theo nhà nhân chủng học văn hóa Andrew Alan Johnson, khán giả không chỉ trải qua cảm giác tò mò, sợ hãi mà với nhiều khán giả trẻ, đây còn được coi là hình thức giải trí, xả stress.
Watcharapol Fukjaidee bên trong phòng thu. |
Các tin đồn, câu chuyện mang màu sắc tâm linh, kinh dị vốn luôn có sức thu hút sự tò mò từ người dùng mạng. Tại Thái Lan, video livestream về chủ đề này đang xuất hiện trên nhiều nền tảng như YouTube, TikTok, WhatsApp và thậm chí ứng dụng giao hàng Grab.
“Cô ấy mơ thấy mình một người đàn ông mặc vest trắng, người này nói rằng thời gian đã hết và cô ấy sẽ phải đi với anh ta. Khi quay lại, linh hồn của cô gái thấy thân xác mình đang nằm trên giường”, người gọi đầu tiên kể lại với giọng run run.
Trong trường quay, người dẫn chương trình Watcharapol Fukjaidee chăm chú lắng nghe, rồi rút ra các chi tiết điểm nhấn.
Hai lần phát livestream mỗi tuần, nam MC 46 tuổi này làm việc từ 23h tối hôm trước đến rạng sáng hôm sau. Nhiệm vụ của anh là tiếp nhận các cuộc gọi, trong lúc hàng triệu người theo dõi và để lại hàng nghìn bình luận trực tuyến.
20 năm trước, Watcharapol cũng từng dẫn dắt một chương trình trò chuyện đêm khuya có chủ đề tương tự, vốn được giới chạy taxi đêm yêu thích vào thời điểm đó.
Quán cà phê mang phong cách kinh dị, phục vụ những khách hàng thích chủ đề ma quái. |
Còn hiện tại, Khemjira Jongkolsapapron - một thành viên thuộc ê kíp - cho biết: “Với sức ảnh hưởng của Twitter và TikTok, giờ có đông người trẻ tuổi gọi điện đến chúng tôi hơn".
Nhà nhân chủng học văn hóa Johnson giải thích thêm nhiều địa điểm ở Bangkok được đề cập tới trong các câu chuyện, cả những nơi xa lạ lẫn các chỗ bị cho là kém may mắn, càng dễ kích thích trí tưởng tượng của người nghe.
Hiện tại, kênh YouTube này đã có gần 3 triệu người đăng ký và được tài trợ bởi nhiều công ty địa phương, đồng thời có thêm thu nhập từ việc mở quán cà phê theo chủ đề kinh dị ở tầng trệt.
Trong lúc Watcharapol bận rộn làm chương trình ở tầng trên, bên dưới cửa hàng, tiếng ồn ào từ những vị khách trẻ tuổi và các gia đình ghé quán vang vọng khắp không gian.
Tuy có khán giả ủng hộ, song các chương trình theo mô típ này ở Thái Lan dễ vấp phải phản đối, khi công chúng cho rằng nhà sản xuất lợi dụng nỗi sợ các thế lực siêu nhiên và niềm tin tín ngưỡng vốn có ở con người để câu khách.
Năm 2020, một chương trình về các hiện tượng huyền bí ở Thái Lan đối mặt với làn sóng tẩy chay bởi chứa các chi tiết bị cho là bôi nhọ một nữ anh hùng dân tộc, theo iHeart.
Trong một tập khác, với bối cảnh là một trường học, nội dung có chứa những lời lẽ bị cho là xúc phạm, bôi nhọ đến người thầy hiệu trưởng quá cố. Sau đó, gia đình nhà giáo đã đệ đơn kiện nhà sản xuất, cáo buộc tội phỉ báng.
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.