Songkran là lễ hội đánh dấu năm mới của người Thái. Ảnh: @_eulachin. |
Lễ hội té nước Songkran 2024 tại Thái Lan kéo dài từ ngày 1 đến 21/4, nhưng không tổ chức đồng thời trên cả nước mà có lịch riêng tại các địa phương. Tuy nhiên, 3 ngày hội chính thức vẫn được cử hành vào 13-15/4 và người dân Thái Lan được nghỉ lễ 5 ngày liên tiếp 12-16/4 để ăn mừng sự kiện.
Theo Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT), lễ hội ước tính thu hút khoảng 510.000 du khách quốc tế và 4,29 triệu chuyến đi nội địa, tạo ra doanh thu lên đến 24,4 tỷ baht trong kỳ nghỉ 5 ngày.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà nhiều người gắn mác "tuần lễ nguy hiểm" do gia tăng số vụ tai nạn giao thông và các vụ lùm xùm, bê bối.
Năm nay, chỉ trong 5 ngày diễn ra Songkran, liên tiếp các cụ tai nạn chết người, hét giá, móc túi và quấy rối khiến Thái Lan phải bố trí thêm nhiều lực lượng an ninh để kiểm soát tình hình
206 người thiệt mạng và 1.593 người bị thương
Những con số này được Bộ trưởng Y tế Công cộng Cholnan Srikaew công bố vào hôm thứ ba (16/4). Ông cho biết chỉ tính riêng ngày 15/4 đã có 39 người thiệt mạng và 314 người bị thương trong 301 vụ tai nạn đường bộ trên toàn quốc.
Theo The Nation, lái xe khi say rượu tiếp tục là nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn. Hầu hết vụ tai nạn xảy ra trên đoạn đường thẳng và 38,54% trong số đó xảy ra trên đường cao tốc.
Thời gian cao điểm của các vụ tai nạn là 16-17h, với đặc biệt nhiều nạn nhân thuộc nhóm tuổi 20-29.
Hoạt động bắn súng nước tại lễ hội Songkran được nhiều khách du lịch lựa chọn. Ảnh: @o.m.ghi, @aoumi_00. |
Số vụ tai nạn và thương tích cao nhất vào hôm thứ hai xảy ra ở tỉnh Nan, với 14 vụ và 16 trường hợp, trong khi thành phố Chiang Rai ghi nhận số người thiệt mạng cao nhất là 4.
Tính đến chủ nhật, Chiang Rai đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông nhất (61), trong khi Nan báo cáo nhiều thương tích nhất (60). Cả Bangkok và Chiang Rai đều báo cáo số lượng người thiệt mạng cao nhất là 13.
Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có 17 trong số 77 tỉnh không ghi nhận trường hợp tử vong trên đường.
Ngoài ra, trong vòng 5 ngày, đã có 124 báo cáo về các vụ cháy ở Bangkok. Ngày thứ hai có 32 vụ cháy, chủ yếu là các các đám cháy cỏ ven đường. Đáng chú ý là chỉ có một vụ cháy tòa nhà và không có thương vong nào được báo cáo.
Thiếu nước, 'chặt chém' xô nhựa, thùng đá
Thái Lan đang phải đối mặt với nhiệt độ nóng kỷ lục do hiện tượng El Niño gây ra. Việc té nước Songkran đang làm trầm trọng vấn đề khô hạn ở cả nước. Bộ Y tế công cộng Thái Lan cũng cảnh báo về nguy cơ say nắng trong dịp lễ Songkran khi nhiệt độ đã lên tới mức 40 độ C ở một số khu vực.
Trong khi cả nước đều vui mừng trong lễ hội, hòn đảo du lịch nổi tiếng Samui đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng, theo Guardian.
Người dân tại đây lo lắng về việc không đủ nước trong nhiều ngày, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày. Nhiều khách sạn lớn đã phải chi tiền mua nước tư nhân để đảm bảo cung cấp nước cho khách.
Không chỉ riêng Samui, các đảo Phi Phi ở tỉnh Krabi cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt. Chính quyền địa phương đang xem xét các phương án để tìm ra giải pháp, bao gồm việc xây dựng đường ống dẫn nước từ đất liền đến các hòn đảo hoặc sản xuất nước ngọt từ nước biển.
Phankham Kittitorakul, chủ tịch của Tổ chức quản lý tambon (TAO) của Ao Nang, cho biết tình trạng thiếu nước máy trong mùa khô, đặc biệt là trong mùa cao điểm du lịch, đã xảy ra trong vài năm qua.
Trong khi cả nước chơi Songkran, nhiều quần đảo của Thái Lan thiếu nước ngọt trầm trọng. Ảnh: @bearrrich. |
Ngoài ra, trong vòng 5 ngày diễn ra hoạt động té nước, không chỉ có tiếng cười vui tươi mà còn có sự sôi động của hoạt động mua bán. Nhiều tiểu thương tận dụng khoảng thời gian hiếm hoi này để hét giá các vật dụng chứa nước.
Theo đó, một chiếc xô nhựa chứa nước có thể lên đến 650 baht (tương đương 450.000 đồng), trong khi một thùng nước đá loại 200 lít có giá lên đến 1.200 baht (tương đương 820.000 đồng), theo thông tin từ Bangkok Post.
Rác thải và quấy rối
Ngày 16/4, chính quyền Bangkok thông báo những người tham gia lễ hội trên đường Khaosan đã tạo ra 42 tấn chất thải trong khoảng thời gian 12-14/4. Các khu vực trên các tuyến đường lân cận cũng góp phần tạo thêm 74 tấn rác thải.
Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt cho biết 6 xe tải chở nước và lực lượng chức năng được triển khai để dọn dẹp các điểm nóng du lịch, bắt đầu từ 4h ngày 16/4. Các quan chức phát hiện rằng đường phố bị bao phủ bởi bột, chai thủy tinh, hộp các loại, súng nước và xô.
Hàng trăm tấn rác thải được tạo ra sau những ngày lễ hội Songkran. Ảnh: The Nation. |
Theo Bangkok Post, một phụ nữ báo cho cảnh sát về việc bị quấy rối trong lễ hội Songkran ở quận Muang vào tối 15/4. Cô đã nộp đơn khiếu nại tại đồn cảnh sát Muang Samut Prakan vào sáng hôm sau.
Cụ thể, người phụ nữ yêu cầu cảnh sát tìm ra người đàn ông đụng chạm vào vòng một cô trên đường Praekasa khoảng 20-21h ngày 15/4. Cô gần như mất thăng bằng trên chiếc xe đạp và người bạn đi cùng cũng bị quấy rối.
Việc quấy rối phụ nữ trong các lễ hội Songkran không phải là hiếm. Một nghiên cứu của Tổ chức Phong trào Tiến bộ Phụ nữ và Nam giới (WMP) chỉ ra rằng 50% phụ nữ và bé gái đã từng bị quấy rối hoặc sàm sỡ trong các lễ hội.
Songkran là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất của Thái Lan, được tổ chức ngày 13-15/4 hàng năm. Đây là dịp chào đón năm mới theo Phật lịch và cũng là thời điểm người Thái thể hiện lòng kính trọng với Đức Phật bằng cách dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính.
Vào tháng 12/2023, lễ hội Songkran đã được UNESCO công nhận là một phần của Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. Với danh hiệu này, năm nay, Thái Lan kéo dài lễ hội Songkran suốt 3 tuần thay vì chỉ 3 ngày như trước đây, đồng thời giảm giá vé máy bay để kích cầu du lịch.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.