Khi một đợt nắng nóng gay gắt quét qua Ấn Độ vào năm 2022, những người có thu nhập thấp của quốc gia Nam Á này một lần nữa trở thành nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Bà Sulachna Yevale tuyệt vọng vẩy nước lên những bó rau đang được bày bán - gồm một ít chanh và rau bina bà mua từ chợ đầu mối - để chúng không bị héo. Tuy nhiên, biện pháp đó không mang lại nhiều tác dụng. Nhiệt độ quá cao khiến một số sản phẩm bị hư hỏng, khiến bà không thể bán được nữa.
Mặc dù đã bán rau tại cùng một địa điểm trong nhiều thập niên, bà Yevale cho biết đây là lần đầu tiên bà mất nhiều nông sản như vậy, tổn thất một khoản đáng kể với người có thu nhập 800 rupee/ngày (9,7 USD).
Khi lợi nhuận giảm mạnh, bà lo lắng về tương lai của mình. Bà phụ thuộc vào gian hàng này để chu cấp cho gia đình bao gồm con dâu góa bụa và cháu gái. "Tôi cảm thấy bất lực”, bà Yevale mắt đẫm lệ nói.
Không chỉ với bà Yevale, những đợt nắng nóng tàn khốc như vậy đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới. Thời tiết như thiêu như đốt không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Ông Christopher Callahan là nghiên cứu viên tiến sĩ từ Đại học Dartmouth (Mỹ). Ảnh: Dartmouth. |
Một nghiên cứu hồi năm 2022 chỉ ra kể từ những năm 1990, các đợt sóng nhiệt vì biến đổi khí hậu do con người gây ra khiến thế giới thiệt hại khoảng 16.000 tỷ USD.
Nghiên cứu trên tính toán tác động tài chính của nhiệt độ cực cao với cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, năng suất, sức khỏe con người và nhiều khía cạnh khác.
“Nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy kể từ đầu những năm 1990, các đợt nắng nóng do nóng lên toàn cầu làm giảm 5% sản lượng kinh tế ở những khu vực nghèo nhất trên thế giới. Những nơi có nguồn tài chính hạn chế dễ bị tổn thương nhất trước nhiều tác động tiêu cực liên quan đến khí hậu vì có khả năng thích ứng kém hơn so với khu vực có thu nhập cao”, Christopher Callahan - nghiên cứu viên tại Đại học Dartmouth và tác giả chính của nghiên cứu - chia sẻ với Zing.
Mỗi năm thiết lập một kỷ lục mới
Trên toàn cầu, năm 2022 được xếp hạng là một trong những năm nóng nhất từng được ghi nhận, khi nhiệt độ đại dương tăng cao và lượng băng ở Nam Cực tan chảy xuống mức thấp kỷ lục.
Nghiên cứu vào năm 2022 từ tạp chí Communications Earth & Environment cảnh báo mức nhiệt gây nguy hiểm dự kiến xảy ra thường xuyên hơn 3-10 lần vào cuối thế kỷ này. Các khu vực nhiệt đới - gồm phần lớn châu Á - có thể phải đối mặt với số ngày “nhiệt độ cực kỳ nguy hiểm” tăng gấp đôi, rơi vào 51 độ C.
Theo đó, Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, khi những đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Biến đổi khí hậu cũng khiến khu vực trải qua tình trạng ô nhiễm không khí trong khu vực ngày càng tồi tệ. Nhiệt độ cực cao cùng không khí ô nhiễm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt, cũng như các vấn đề về hô hấp và tim mạch.
Năm nay, làn sóng nhiệt bắt đầu từ tháng 4 tiếp tục hoành hành tại Đông Nam Á. Việc khu vực trải qua nhiệt độ như thiêu đốt trong mùa hè này xuất phát từ nhiều vấn đề, như lượng mưa thấp hơn trong mùa đông qua và hiện tượng El Nino.
Cuối tuần qua, một số thành phố đạt mức nhiệt cao kỷ lục, NBC News đưa tin.
Nhiệt độ tại Tương Dương (Nghệ An) đạt mức 44,2 độ C vào 14/5, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam. Trước đó một ngày, Luang Prabang - một thành phố ở Lào - chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục 43,5 độ C.
Năm nay, làn sóng nhiệt bắt đầu từ tháng 4 tiếp tục hoành hành tại Đông Nam Á. Ảnh: AP. |
Thủ đô của Thái Lan là Bangkok cũng trải qua cái nóng 41 độ C trong những ngày cuối tuần, trong khi Cơ quan Môi trường Quốc gia cho biết nhiệt độ ở Singapore là 37 độ C - mức cao nhất từng được ghi nhận cách đây 40 năm.
Tại Bắc Mỹ, hơn 12 triệu người ở Tây Bắc Mỹ ven biển Thái Bình Dương đã nhận khuyến cáo về nhiệt hôm 14/5, sau khi nhiệt độ một ngày trước tại Oregon và Washington vượt mức trung bình năm.
Trước đó, hôm 13/5, khu vực Seattle đã lập kỷ lục nhiệt độ ở bốn địa điểm: Quillayute đạt 32,2 độ C, phá kỷ lục 26,6 độ vào năm 1975; SeaTac là 30 độ, cao hơn một độ so với kỷ lục 5 năm trước; Hoquiam và Olympia đều đạt 31,6 độ, cao hơn một độ so với kỷ lục thiết lập vào năm 1973.
Sóng nhiệt đến sớm ngay đầu mùa hè cũng đang nung nóng hàng loạt quốc gia quanh Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Algeria hay Morocco. Theo các dữ liệu thu thập được, hiện tượng nóng thiêu đốt kéo dài 3 ngày liên tiếp trong tháng 4 ở khu vực Địa Trung Hải là rất hiếm thấy, chỉ có 0,25% khả năng xảy ra trong bất cứ năm nào.
Biện pháp quan trọng nhất
Theo ông Callahan, sóng nhiệt gây tác hại kinh tế do gây thiệt hại mùa màng, giảm năng suất lao động, làm tăng khả năng ốm đau bệnh tật và nhiều tác động khác.
Nghiên cứu của ông cùng các cộng sự phát hiện những nơi có nhiệt độ trung bình cao hơn - gồm một số khu vực vùng nhiệt đới, như Nam Á và Đông Nam Á - sẽ gần “vùng nguy hiểm” của nhiệt độ cực cao, nơi các giới hạn về sinh lý khiến cây trồng và con người dễ bị stress nhiệt.
Dẫu vậy, ngay cả trong một quốc gia, những đợt sóng nhiệt gây ảnh hưởng lớn hơn đối với người già và trẻ nhỏ - nhóm dân số dễ bị ốm trong các đợt nắng nóng.
“Nhiều tác động tiêu cực của sóng nhiệt đến sức khỏe cũng ảnh hưởng mạnh nhất đến nhóm bị cô lập hoặc sống một mình, vì họ không có mạng lưới hỗ trợ hoặc có thành viên gia đình phát hiện vấn đề của họ kịp thời”, ông chia sẻ thêm.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với Guardian hồi năm 2022, Justin Mankin, trợ lý giáo sư địa lý tại Đại học Dartmouth, khẳng định “cho đến nay, chúng ta đã đánh giá thấp những cái giá thực sự về kinh tế mà chúng ta phải gánh chịu do hiện tượng nóng lên toàn cầu”.
“Chúng ta có thể đang đánh giá thấp những cái giá sẽ phải trả trong tương lai”, ông Mankin nói thêm.
Những đợt sóng nhiệt gây ảnh hưởng lớn hơn với người già và trẻ nhỏ - nhóm dân số dễ bị ốm trong các đợt nắng nóng. Ảnh: AP. |
New York Times dẫn nghiên cứu của các nhà kinh tế và chuyên gia khí hậu châu Âu cho biết nhiệt độ cực cao đang gây tổn hại cho nền kinh tế.
Các nhà nghiên cứu ước tính trung bình các đợt nắng nóng đã làm giảm tổng mức tăng trưởng GDP hàng năm trên khắp châu Âu tới 0,5% trong thập niên qua. Con số đó có khả năng cao gấp đôi thiệt hại ước tính từ các đợt nắng nóng trong những thập niên trước.
Liên quan đến việc chuẩn bị đối phó với những đợt sóng nhiệt sắp tới, ông Callahan cho rằng biện pháp quan trọng nhất là giảm phát thải khí nhà kính. “Giảm phát thải hoàn toàn cần thiết để giảm thiểu tác động kinh tế tàn khốc của việc nóng lên toàn cầu”, ông Callahan khẳng định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia nhận định con người cũng có thể thích nghi với những đợt sóng nhiệt sắp tới. “Những việc đơn giản như tránh lao động ngoài trời vào những thời điểm nóng nhất trong ngày có thể giúp giảm thiểu tiếp xúc với nhiệt độ nguy hiểm. Ngoài ra, cần phải mở rộng điện khí hóa và phổ biến điều hòa không khí trên toàn thế giới”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, ông Callahan cho rằng những khu vực chưa có điều hòa không khí bây giờ sẽ cần đầu tư vào thiết bị này khi nhiệt độ tăng lên, giúp bảo vệ con người và cơ sở hạ tầng khỏi nhiệt độ khắc nghiệt.
“Vì điều hòa không khí và cơ sở hạ tầng liên quan có thể tốn kém, nó có thể không phù hợp với những nơi có nguồn tài chính hạn chế. Đây là lý do các nước giàu và nước phát thải lớn cần vào cuộc và gánh vác những chi phí thích ứng này”, ông nói.
"Mỹ và châu Âu, những quốc gia đóng góp nhiều nhất vào cuộc khủng hoảng khí hậu, cũng cần hỗ trợ tài chính cho các hoạt động thích ứng giúp mọi người chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu", vị chuyên gia kết luận.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.