Hoạt náo viên NBA phải đối mặt với không ít khó khăn để trụ vững với nghề. Ảnh minh họa: HoopsHype. |
Lauren Herington mới chỉ 19 tuổi khi được chọn làm hoạt náo viên NBA cho đội Milwaukee Bucks, đội bóng rổ chuyên nghiệp của Mỹ có trụ sở tại Milwaukee, trong mùa giải 2013-2014. Vì quá vui mừng, cô quyết định chuyển đến Milwaukee ngay sau khi nhận được thông báo trúng tuyển.
Tuy nhiên, sự hào hứng của cô nhanh chóng phai nhạt khi được biết về mức lương: 30 USD cho mỗi buổi tập, 65 USD cho mỗi trận đấu trên sân nhà và 50 USD cho mỗi lần xuất hiện trước công chúng, bất kể thời lượng, theo PopSugar.
Lauren Herington khi còn là hoạt náo viên của đội Milwaukee Bucks. Ảnh: Andresen & Associates. |
Vụ kiện đình đám
Đối mặt với 1.000 USD tiền thuê nhà hàng tháng và các chi phí khác, Herington phải vật lộn để kiếm sống.
Thêm vào đó, Milwaukee Bucks cũng yêu cầu các hoạt náo viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về ngoại hình.
Điều này đồng nghĩa với việc thành viên có mái tóc ngắn sẽ phải nối tóc hoặc nhuộm nếu đó là yêu cầu từ huấn luyện viên.
Ngoài tóc, các hoạt náo viên còn phải chi tiền làm đẹp bao gồm làm móng, nhuộm da, tẩy lông, lông mi giả và thậm chí cả việc giặt giũ đồng phục.
Đồng phục của Harinton được dùng lại từ mùa trước, nhưng cô vẫn phải đóng tiền như thể đó là một bộ đồng phục mới, và sau đó được yêu cầu giặt sạch. Pom pom (bông tua cổ vũ) cũng vậy, nếu chúng bị dập nát hoặc thậm chí bị hư hỏng nhẹ, cô vẫn sẽ phải trả tiền mua mới.
Để sinh sống, Herinton đảm nhận đồng thời hai công việc bán thời gian khác, trong khi tiếp tục việc học hành. Cô thường phải làm việc tới 100 giờ/tuần với lịch trình dày đặc gồm luyện tập cường độ cao, biểu diễn và học hành.
Đột hoạt náo của Milwaukee Bucks biểu diễn trong trận đấu trước mùa giải với Minnesota Timberwolves vào ngày 20/10/2015. Ảnh: ABC News. |
Dưới sự khuyến khích của gia đình và bạn bè, Herington cuối cùng chọn rời khỏi vị trí hoạt náo viên của đội Milwaukee Bucks. Song, một vài năm sau đó, nhận thấy công việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm thần và tài chính của mình, cô đã quyết định đệ đơn kiện Milwaukee Bucks.
Vào năm 2018, vụ việc đã được giải quyết với số tiền là 250.000 USD được chia đều cho khoảng 40 hoạt náo viên như một khoản đền bù cho số tiền lương đáng lẽ họ đã được nhận khi còn làm việc cho NBA.
Về Milwaukee Bucks, họ phủ nhận các cáo buộc nhưng quyết định đồng ý giải quyết vấn đề để tránh quá trình kiện tụng kéo dài và tốn kém. Họ cũng nói rằng họ đánh giá cao đóng góp của các hoạt náo viên và nhân viên cũng như coi trọng và đối xử công bằng với họ theo như luật pháp.
Hoạt náo viên cống hiến nhiều hơn cho công việc dù mức lương nhận về không tương xứng. Ảnh minh họa: Tony Gutierrez/Associated Press. |
Chịu đánh đổi
Cho đến nay, Herington là hoạt náo viên duy nhất đã sử dụng luật pháp để nhận được tiền đền bù từ NBA. Dù vậy, hành động của cô có thể coi như một lời cảnh tỉnh. Hiện tại, NBA có vẻ như đã cải thiện mức lương thưởng nhưng đây vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh luận.
Sau khi vụ kiện của Lauren Herington được giải quyết vào năm 2018, Milwaukee Bucks đã giải tán đội hoạt náo viên nữ của họ và thay thế bằng một đội nhảy kết hợp breakdancing và nhào lộn.
Sự thay đổi khiến nhiều hoạt náo viên nữ thêm ngần ngại trước việc lên tiếng về những khó khăn trong công việc của mình.
PopSugar đã liên hệ với hơn 60 hoạt náo viên NBA bao gồm cả những cựu thành viên và những người còn đang làm việc. Họ bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này nhưng cuối cùng từ chối phát biểu vì sợ ảnh hưởng đến hợp đồng làm việc của mình với NBA.
"Tôi ước là tôi có thể trả lời nhưng tiếc là tôi hiện không thể bình luận thêm"; "Lương là một vấn đề đáng chú ý ở NBA nhưng vì tôi đang làm việc cho một đội NBA nên tôi không thể thảo luận về vấn đề này"; "Tôi không được trả nhiều tiền nhưng ước mơ của tôi là được làm việc ở NBA nên tôi không thể mạo hiểm với bình luận tự do" là một số ít phản hồi mà PopSugar nhận được.
Hoạt náo viên NBA sẵn sàng chịu khó khăn để đổi lại danh tiếng và mối quan hệ. Ảnh minh họa: Kirby Lee/USA TODAY Sports. |
Herington cho hay không ít người khao khát được biểu diễn cho NBA và thường bỏ qua không ít khó khăn để bám trụ lại với nghề. Cô nhớ lại cuộc trò chuyện với các hoạt náo viên, những người cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận hoàn cảnh, đồng thời tin rằng được vào NBA và không phàn nàn là một đặc ân.
Thực tế, nhiều hoạt náo viên gia nhập đội nhảy NBA vì mong muốn nổi tiếng và có thêm nhiều cơ hội hấp dẫn hơn từ những mối quan hệ và thời gian dài làm ở NBA. Một số người còn chịu mức lương thấp như một khoản đầu tư cho sự nghiệp tương lai của họ.
Một bài đăng vào tháng 6/2024 trên trang web tìm kiếm việc làm và đánh giá công ty GlassDoor chỉ ra rằng mức lương hàng giờ cho một hoạt náo viên (cụ thể là cho đội LA Clippers) dao động từ 29-47 USD/giờ, bao gồm lương cơ bản và lương bổ sung. Trong một video được đăng vào năm ngoái, TikToker Alex Hoffman cho biết cô được trả 17 USD/giờ để trở thành hoạt náo viên NBA cho Chicago Bulls.
Hoạt náo viên cống hiến nhiều hơn cho công việc dù mức lương nhận về không tương xứng. Ảnh minh họa: Tony Gutierrez/Associated Press. |
Tương lai của hoạt náo viên NBA
Tương tự nhảy cổ động cho NFL (Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ), nhảy cổ động NBA vẫn được coi là một công việc bán thời gian.
Herington và hoạt náo viên ẩn danh khác mà PopSugar trò chuyện cùng cho hay mô tả công việc này trong hợp đồng của họ là "công việc bán thời gian với cam kết toàn thời gian".
Theo Salt Lake Tribune, các hoạt náo viên ghi nhớ khoảng 40-50 động tác nhảy mỗi mùa. Điều này đòi hỏi nhiều thời gian và sự cống hiến hơn ngoài buổi luyện tập tiêu chuẩn hai tuần một lần.
Ngoài ra, họ phải làm thêm ngoài sân đấu để tham gia các hoạt động cộng đồng, đóng vai trò là người mẫu đại diện cho đội và giải đấu.
Đáng chú ý, NBA có đủ tiền để trả lương toàn thời gian cho các hoạt náo viên của mình. Mỗi đội NBA trung bình được định giá 4 tỷ USD và NBA nói chung được định giá 120 tỷ USD, theo Sportico. Vào năm 2023, cầu thủ bóng rổ NBA được trả lương cao nhất đã kiếm được 51,9 triệu USD trước thuế.
Có không ít hoạt náo viên vẫn đang đấu tranh để được hưởng lương và quyền lợi bình đẳng hơn trong nghề. Ảnh minh họa: Alberto Mariani/Cronkite News. |
Những hoạt náo viên mà PopSugar phỏng vấn không biết nguyên nhân khiến mức lương của họ lại thấp như vậy. Tuy nhiên, họ tin rằng lý do có thể là sự phân biệt giới tính và phần lớn nhân viên nam làm việc trong ngành thể thao không xem hoạt náo viên là bình đẳng.
Kể từ vụ kiện của Herington, đã có nhiều nỗ lực kêu gọi mọi người hợp nhất để đòi trả lương bình đẳng. Dù chúng không thực sự thành công, vẫn có những cải thiện trong hỗ trợ sức khỏe tâm thần, tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết căng thẳng liên quan đến ăn uống và tập luyện.
Bất chấp những thách thức, Herington vẫn tự hào vì đã đạt được ước mơ NBA của mình và đang cân nhắc việc quay trở lại nhảy cổ động như một sở thích khi hiện cô đã ổn định về tài chính. Cô hy vọng nhận thức được nâng cao sẽ mang lại sự đền bù thỏa đáng cho các hoạt náo viên NBA, cho phép họ tận hưởng trọn vẹn giấc mơ của mình.
Cảm xúc tiêu cực tuổi 20
The Inner Game of Tennis là tác phẩm nổi tiếng được viết bởi Gallwey - một huấn luyện viên tennis chuyên nghiệp ở miền nam California. Đây cũng là cuốn sách giúp Bill Gates thoát khỏi thói quen tự trách khi gặp thất bại và hình thành phong cách lãnh đạo của ông. "Đó là cuốn sách hay nhất về tennis mà tôi từng đọc, và những lời khuyên sâu sắc trong đó có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh khác của cuộc sống", nhà sáng lập Microsoft viết.