Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 6 năm liền. |
Cha của Marja Heinonen, tác giả sách có hơn 30 năm làm báo tại quê hương Phần Lan, là công nhân xây dựng. Mẹ bà làm việc trong một nhà máy.
Nhờ hệ thống giáo dục thuộc hàng tốt nhất thế giới, Heinonen có thể theo học, lấy bằng tiến sĩ miễn phí. Quá trình học tập của hai con gái bà cũng không hề tốn kém.
Là mẹ đơn thân, Heinonen nói rằng điều này rất có ý nghĩa với mình.
"Phí chăm sóc trẻ em ban ngày được trợ cấp cho tất cả gia đình ở Phần Lan. Trước khi đi học, các con của tôi được gửi đến một nhà trẻ công tốt, chuyên nghiệp với chi phí hợp lý. Thực tế đó giúp tôi có thể yên tâm đi làm", nhà báo viết trên CNN.
Theo World Happiness Report (WHR) 2023, Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, danh hiệu được giữ vững suốt 6 năm liền.
Từ năm 2002, WHR đã lập bảng thống kê mức độ hạnh phúc tương đối của mọi người trên toàn cầu, sử dụng phân tích thống kê để tính đến các yếu tố như GDP đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự hào phóng của người dân nói chung và nhận thức về vấn đề tiêu cực trong xã hội.
Giống như các quốc gia Bắc Âu khác, Phần Lan cung cấp cho người dân nhiều phúc lợi và cảm giác hài lòng. Những nước khác trong khu vực đều có thứ hạng cao trong báo cáo (Đan Mạch đứng ở vị trí thứ 2, Iceland đứng thứ 4, Na Uy đứng thứ 6).
Nhà khoa học Ronald Inglehart đã đưa ra lời giải thích tại sao cư dân của các quốc gia Bắc Âu luôn hài lòng với cuộc sống. Trong báo cáo năm 2020 có tên "Nordic Exceptionalism", một phần của WHR, ông nói rằng các quốc gia này là "ví dụ hàng đầu về hiện đại hóa thành công, tối đa hóa thịnh vượng, đoàn kết xã hội cũng như tự do cá nhân".
Phúc lợi
Trong bài viết trên CNN, nhà báo Heinonen chỉ ra rằng không chỉ giáo dục, hệ thống y tế ở Phần Lan cũng rất phát triển và đưa ra mức giá phải chăng cho người dân.
Một trong hai người con của Heinonen bị bệnh xương khớp mạn tính từ khi còn nhỏ, và việc điều trị kéo dài hơn chục năm.
Hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Phần Lan thuộc hàng tốt nhất thế giới. |
Tuy vậy, chi phí y tế chưa bao giờ tạo ra gánh nặng quá mức đối với gia đình bà.
"Phần lớn các chi phí đã được trả bởi hệ thống y tế công. Trên thực tế, tôi trả chưa đến 1.000 USD cho những lần con nằm viện, khám bác sĩ và gắn 10 chiếc nẹp điều chỉnh cột sống trong suốt một thập kỷ".
Nhiều năm trước, nhà kinh tế học Richard Easterlin đã nhận định rằng thu nhập và hạnh phúc không phải lúc nào cũng song hành cùng nhau. Một thành phần thường bị bỏ qua, nhưng lại quan trọng tạo nên sự khác biệt to lớn trong việc gia tăng cảm giác hài lòng của một quốc gia là mức độ chênh lệch thu nhập trong xã hội.
Ở một quốc gia càng ít chênh lệch giàu nghèo, người dân thường ít bất mãn hơn.
"Tại một đất nước như của tôi, nơi không có sự giàu có tột độ hay nghèo đói cùng cực, khả năng để bạn không hài lòng với số phận của mình giảm đi rất nhiều. Và những người không may rơi xuống dưới mức nghèo khổ ở Phần Lan biết rằng có một mạng lưới các dịch vụ phúc lợi và viện trợ công cộng để giúp họ đứng vững trở lại", Heinonen cho biết.
Cái giá
Tuy nhiên, phúc lợi càng lớn, thuế càng cao. Phần Lan là một trong những quốc gia đánh thuế thu nhập cao nhất thế giới.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một người lao động độc thân bình thường ở Phần Lan phải đối mặt với mức thuế suất trung bình (tỷ trọng thu nhập phải nộp thuế trong tổng thu nhập, chưa trừ các khoản chi phí phải khấu trừ) là 30,8% vào năm 2021.
Tỷ lệ này ở Mỹ trong cùng năm là 22,6%, trong khi mức trung bình của các nước OECD là 24,6%.
Thuế suất cận biên (tỷ lệ thuế phát sinh trên một đơn vị thu nhập tăng thêm) cao nhất của Phần Lan là gần 60%. Những người rơi vào khung thuế này phải trả mức thuế trung bình khoảng 42%.
Phần Lan là một trong những quốc gia đánh thuế thu nhập cao nhất thế giới. |
"Thuế suất cận biên của Phần Lan ở mức cao, trong khi mức thuế trung bình thấp hơn nhiều. Đây là hai khái niệm khác nhau thường bị nhầm lẫn", Timo Viherkenttä, giáo sư thực hành luật và thuế tại Đại học Aalto, giải thích.
Mặc dù mức thuế trung bình dành cho người có thu nhập cao không khác lắm so với các quốc gia khác, điều làm nên sự khác biệt của Phần Lan là khi mức thuế suất cận biên cao nhất được áp dụng.
"Ở một số quốc gia, bạn chỉ phải chịu mức thuế cận biên 60% đối với thu nhập rất cao, nhưng ở Phần Lan thì không phải vậy. Thu nhập hàng năm 100.000 euro (110.000 USD) đã là đủ để áp dụng mức thuế này", ông Viherkenttä nói.
Những khoản thuế đó đang thúc đẩy tầm nhìn bình đẳng của Phần Lan. Thuế cao, nếu được phân bổ hợp lý và tương xứng, có thể tài trợ cho các chương trình xã hội và dịch vụ công mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Ở quốc gia Bắc Âu, hầu hết người dân đều đồng ý rằng dù phải đóng thuế cao hơn, đổi lại, họ nhận được nền giáo dục chất lượng, cơ sở hạ tầng công cộng đảm bảo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt và chi phí y tế thấp hơn.
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.