Ngành du lịch Nhật Bản phụ thuộc vào các chuyên gia dự đoán mùa hoa anh đào. Ảnh: Reuters. |
Mỗi năm, nhà khí tượng học Hiroki Ito dự đoán ngày hoa nở cho khoảng 1.000 địa điểm trên khắp các thị trấn và thành phố của Nhật Bản. Rất nhiều người cũng làm công việc giống Ito để đáp ứng nhu cầu ngắm và chụp ảnh với hoa anh đào của du khách, dân địa phương.
Mặc dù tập tục ngắm hoa, còn được gọi là hanami ở Nhật Bản, là truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước, giờ đây, nó là một phần thúc đẩy kinh doanh, du lịch cho xứ Phù Tang.
"Pháo cứu sinh" của ngành du lịch
Theo ước tính của Đại học Kansai ở Osaka, các hoạt động kinh tế liên quan đến hoa anh đào sẽ tạo ra khoảng 4,7 tỷ USD cho Nhật Bản trong năm 2023. Đặc biệt, năm nay, sakura được xem là "phao cứu sinh" của ngành du lịch đang gặp nhiều khó khăn, vốn bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19.
Điều đó làm gia tăng áp lực cho Ito, người được tuyển dụng và đưa ra dự đoán cho Tập đoàn Khí tượng Nhật Bản có trụ sở tại Osaka, một trong những nhà cung cấp tư nhân lớn về dữ liệu hoa anh đào.
Các doanh nghiệp lớn và nhỏ, từ Starbucks Corp., công ty tung ra các loại latte có chủ đề hoa anh đào vào mùa xuân, cho đến các công ty lữ hành và nhà cung cấp dịch vụ lưu trú, đều phụ thuộc vào mùa hoa nở để thực hiện chiến dịch tiếp thị và khuyến mãi sinh lời cao. Chính vì vậy, các dự báo phải được xem xét, tính toán rất kỹ lưỡng.
Ito Hiroki là chuyên gia dự đoán mùa hoa anh đào ở Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg. |
"Công chúng dành nhiều sự quan tâm, vì vậy nếu bạn đưa ra dự đoán, nó sẽ được rất nhiều người xem. Nếu dự đoán đúng, uy tín công ty cũng tăng lên", người đàn ông 37 tuổi cho hay.
Ngược lại, dự báo sai có thể gây ra nhiều tác hại. Vào năm 2007, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản buộc phải đưa ra lời xin lỗi công khai sau khi dự đoán thời điểm hoa nở bị lệch 9 ngày so với thực tế và đã "gây ra một số rắc rối".
Cơ quan cũng đã ngừng việc dự báo vào 10 năm trước, do sự gia tăng cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tương tự.
Ngày càng khó khăn và cạnh tranh
Thời gian quan sát ở mỗi địa điểm là không nhiều và thời gian hoa nở cao điểm (hay mankai) thường chỉ kéo dài khoảng một tuần.
Mỗi năm, Ito đưa ra dự đoán đầu tiên vào tháng 1 và sau đó điều chỉnh thường xuyên cho đến khi mùa hoa tới gần. Năm nay, anh dự đoán hoa nở ở Tokyo vào ngày 22/3.
Nhưng đến đầu tháng 3, do thời tiết ấm áp trái mùa, dự báo lần thứ 7 của anh đã chuyển sang ngày 15/3. Anh chỉ đoán trễ một ngày.
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến các chuyên gia gặp khó khăn, dự đoán ngày càng trở nên phức tạp.
Nụ hoa anh đào hình thành sớm nhất là vào mùa hè và nằm im lìm cho đến mùa đông, rồi mới bắt đầu quá trình ra hoa. Bất kỳ sự thay đổi nhiệt độ bất thường nào cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian nở hoa.
Biến đổi khí hậu khiến việc dự đoán mùa hoa nở gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Reuters. |
Vào năm 2021, những điểm đến nổi tiếng bao gồm cả Kyoto đều ghi nhận mùa hoa đến rất sớm, một hiện tượng mà các nhà nghiên cứu cho biết đang trở nên phổ biến hơn và có khả năng sẽ xảy ra ít nhất 5 năm một lần vào cuối thế kỷ này, do tác động của con người đối với khí hậu.
Tại Tập đoàn Khí tượng Nhật Bản, Ito làm việc một mình, nhưng công ty anh lại có nhiều đối thủ cạnh tranh. Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản có một nhóm gồm khoảng 10 người chuyên dự báo mùa hoa.
Theo Aiko Saito, phó Giám đốc bộ phận kinh doanh tiêu dùng và truyền thông của Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản, công ty thuê nhân viên ở nhiều văn phòng khác nhau để quan sát các mẫu cây, đồng thời phân tích dữ liệu từ những trạm thời tiết hợp tác.
Saito cho biết Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản không tạo ra doanh thu trực tiếp từ các dự báo của mình, nhưng sự chú ý của giới truyền thông có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của công ty.
"Nhu cầu về thông tin dự báo hoa anh đào nở là rất cao, không chỉ ở Nhật Bản mà còn đối với du khách", cô nói.
Đối với Ito, công việc của anh giờ đây không chỉ bó hẹp với hoa anh đào. Các phương pháp của anh hiện được sử dụng trong dự đoán thời điểm tốt nhất để ngắm lá mùa thu hay mùa thụ phấn hoa.
Anh cũng đang tìm cách áp dụng công nghệ để giúp nông dân trồng trái cây dự đoán chính xác hơn thời điểm bắt đầu thu hoạch.
Nhưng sự hứng thú của Ito với hoa anh đào vẫn còn. Và với một nửa đất nước Nhật Bản vẫn chưa được chứng kiến mùa sakura, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào dự đoán của anh và các đồng nghiệp, cho đến khi những bông hoa anh đào cuối cùng nở rộ vào khoảng tháng 5.
Thí nghiệm sự bền chặt của các đôi
Trong cuốn Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy của tác giả David McRaney, nhà tâm lý học James Graham đã làm một thí nghiệm và đi tới kết luận rằng bởi vì con người luôn có nhu cầu được phát triển, mở rộng, trau dồi khả năng và vốn kiến thức, nên khi được kết hợp, học hỏi từ người yêu, biến chúng thành những kỹ năng, triết lý và bản ngã của bản thân, thì mối liên kết giữa bạn với người ấy sẽ được củng cố tốt hơn bất kỳ hành động lãng mạn nào.