Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Khi chuyện sinh con bị đặt lên bàn cân trong tuyển dụng, thăng tiến

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp coi chế độ thai sản là “thứ gì đó rắc rối” và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Ở chiều ngược lại, lao động nữ cũng gặp nhiều rào cản khi làm mẹ.

Hơn 70% phụ nữ Việt Nam 15-55 tuổi tham gia vào lực lượng lao động, trong khi tỷ lệ tương ứng ở cấp độ toàn cầu là 47,2%, theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế. Dù vậy, bất bình đẳng giới vẫn khá phổ biến ở môi trường làm việc trong nước.

Lao động nữ gặp nhiều khó khăn khi làm mẹ, từ việc quyết định kế hoạch mang thai, quyền lợi cho đến cơ hội việc làm sau sinh. Nhiều công ty muốn tránh ký hợp đồng lao động với nhân sự nữ có ý định mang thai trong những năm đầu làm việc.

Phát biểu tại Tọa đàm "Bình đẳng giới tại nơi làm việc: Những câu chuyện và giải pháp trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới", bà Trần Thùy Trang, Giám đốc Nhân sự và Đào tạo Deloitte Việt Nam, cho biết: “Điều doanh nghiệp cần làm là cổ vũ những nhân sự mang thai, trao cơ hội họ trong công việc".

Các quyền lợi cần được đảm bảo đầy đủ cho nhân sự, kể cả những lao động nam có vợ đang trong thời kỳ thai sản thay vì phân biệt đối xử với họ. Tuy nhiên, vẫn phải đợi rất lâu để các doanh nghiệp thực sự ưu tiên điều này.

Việc sinh nở bị đặt lên bàn cân

Theo báo cáo của cổng thông tin tuyển dụng Zhaopin (Trung Quốc), trong các cuộc phỏng vấn xin việc, 61,1% lao động nữ được hỏi về tình trạng hôn nhân hoặc kế hoạch sinh con, trong khi chỉ có 21,5% nam giới nhận được câu hỏi như vậy.

Khoảng 23% phụ nữ nói mình bị hạn chế cơ hội thăng tiến vì đang ở độ tuổi kết hôn và sinh con, China Daily dẫn số liệu.

Nhiều lao động nữ phản ánh rằng, trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng dành quá nửa thời gian để hỏi về kế hoạch lập gia đình, sinh con mà phớt lờ chủ đề học vấn hay môi trường làm việc và mong muốn của ứng viên.

bat binh dang gioi anh 1

Kế hoạch sinh con được nhà tuyển dụng quan tâm nhiều hơn cả trình độ học vấn hay mong muốn của ứng viên. Ảnh: Career Advice.

Nhà tuyển dụng có thể có lý khi cần phải cân nhắc vấn đề phân công lao động và đảm bảo tiến độ công việc, đặc biệt là ở những vị trí cấp cao, cần nhiều thời gian để đào tạo hay tìm người thay thế.

Tuy nhiên, nhiều công ty lấy kế hoạch sinh con làm điều kiện tiên quyết khi ký hợp đồng lao động và coi đó là luật ngầm. Ứng viên nữ cần ký cam kết không được mang thai trong 1-2 năm đầu nếu muốn làm việc chính thức.

Áp lực và phân biệt đối xử khi mang thai

Thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tương đương với 649 triệu phụ nữ ở 185 quốc gia được khảo sát, không được hưởng đầy đủ chế độ theo Công ước Bảo vệ Thai sản.

Một số lao động nữ cảm nhận được sự thay đổi thái độ của quản lý khi thông báo việc mình mang thai. Những người này chịu áp lực phải nhanh chóng hoàn thành công việc và bàn giao trước khi nghỉ sinh.

Một số bị thuyên chuyển bộ phận, gây áp lực doanh số ngay khi bắt đầu đi làm trở lại sau kỳ thai sản. Khối lượng công việc được giao nhiều cộng thêm thái độ kém hợp tác từ phía quản lý khiến họ lựa chọn “rút lui” trước.

Thậm chí, nhiều người còn “được gợi ý” thôi việc để nghỉ dưỡng, chăm con trong khi thực chất, doanh nghiệp chỉ đang né tránh việc đảm bảo quyền liên quan đến thai sản cho người lao động.

bat binh dang gioi anh 2

Nhiều lao động nữ bị gây áp lực và phải chủ động nghỉ việc. Ảnh: Reedgroup.

Việc lao động nữ được nghỉ việc đi khám thai, ưu tiên không bị xử lý kỷ luật lao động hay không phải tăng ca, đi công tác... đều được pháp luật quy định. Tuy nhiên, người lao động nữ vẫn bị gây khó dễ khi thực hiện quyền của mình.

Phân biệt đối xử có thể xuất phát từ phía lãnh đạo, người quản lý nhân sự và thậm chí từ chính đồng nghiệp.

Thay đổi tư duy

Những phân biệt đối xử liên quan đến thai sản nêu trên, xét cho cùng, bắt nguồn từ phía lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này cần được thay đổi.

“Với lao động nữ, việc thực hiện thiên chức là điều cần được khuyến khích”, bà Trang chia sẻ.

Thay vì coi thai sản là “thứ gì đó rắc rối” và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, lãnh đạo cần phải hiểu cho người lao động. "Họ đã cống hiến, và sẵn sàng cống hiến, chỉ là đang tạm ngừng trong một thời gian. Và khi quay trở lại, họ cần được cảm thông và hỗ trợ".

Không chỉ có nữ giới, lao động nam ngày càng quan tâm đến chế độ thai sản để cùng chia sẻ và chăm sóc con cái, đặc biệt là khoảng thời gian sau sinh. Pháp luật đã quy định rõ ràng chế độ thai sản cho nam giới và doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi cơ bản cho người lao động.

bat binh dang gioi anh 3

Tọa đàm “Bình đẳng giới tại nơi làm việc: Những câu chuyện và giải pháp trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới”. Ảnh: VGEM.

Khi được hỏi về việc đảm bảo và khuyến khích chế độ thai sản cho lao động nam, bà Trang nhấn mạnh: "Đây là việc rất cần thiết. Doanh nghiệp chúng tôi cho rằng đó là một sự kiện quan trọng và đầy ý nghĩa đối với gia đình. Chúng tôi mong muốn nhân sự của mình chia sẻ niềm hạnh phúc và trách nhiệm đối với vợ. Và vì vậy nó cần được khuyến khích và cổ vũ, trước hết là ở mặt tinh thần".

Những người lãnh đạo, từ cấp cao đến cấp trung, và cả những người chuẩn bị được bổ nhiệm cần phải được đi qua một “phòng thí nghiệm” để hiểu, thực hành và mang tư duy không phân biệt đối xử.

Việc thực hành bình đẳng giới, không phân biệt đối xử cần được khởi xướng từ phía lãnh đạo, là tấm gương để các nhân viên noi theo. Điều này là cần thiết để giảm thiểu những định kiến về giới ở nơi làm việc.

"Khi bình đẳng giới đi vào tư duy và hành động của người lãnh đạo thì tất thảy nó sẽ trở thành văn hoá doanh nghiệp và trường tồn", bà Nguyễn Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ.

Đến bao giờ mới có bình đẳng giới thật sự ở nơi làm việc

Lao động nữ ở Việt Nam vẫn đang gặp nhiều rào cản để cạnh tranh công bằng với đồng nghiệp nam. Điều này cần thay đổi để có bình đẳng giới thực chất trong thị trường việc làm.

Sự bất công với phụ nữ luôn ẩn mình trong xã hội hiện đại

Khi nghiên cứu về nhiều mặt của đời sống như: Giao thông, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội… phần lớn dữ liệu được thu thập từ nam giới, hoặc không phân biệt giới tính khi tiến hành khảo sát. Từ đó các nhu cầu của phụ nữ không được quan tâm đúng mức. Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về bình đẳng giới. Bình đẳng không nằm ở việc đặt hai giới ngang nhau khi suy xét một vấn đề cụ thể. Sự công bằng đến từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn về các hạn chế của phụ nữ từ đó giúp họ thể hiện hết khả năng của mình và không bị tụt lại phía sau.

Thuỳ Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm