Tự nhận là "vùng đất của mặt trời lúc nửa đêm", Phần Lan có những ngày không đêm trong suốt mùa hè và có lẽ ánh sáng nhiều hơn đã thúc đẩy tâm trạng con người nơi đây, theo NBC News.
Năm thứ 6 liên tiếp, Phần Lan trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, vượt qua Đan Mạch ở vị trí thứ hai và Iceland ở vị trí thứ ba.
Trong khi đó, những nơi kém hạnh phúc nhất được đánh giá là Afghanistan, nơi hàng triệu người đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói và Lebanon, quốc gia bị tê liệt bởi khủng hoảng kinh tế.
World Happiness Report năm nay đã khảo sát khoảng 137 quốc gia và nhận thấy rằng có sự gia tăng "lòng nhân từ" trên toàn cầu vào năm 2020, đặc biệt là vào năm 2021.
Helliwell, giáo sư tại Đại học British Columbia, cho biết: "Ngay cả trong giai đoạn khó khăn, những cảm xúc tích cực vẫn phổ biến gấp đôi cảm xúc tiêu cực và cảm giác được hỗ trợ xã hội tích cực mạnh gấp đôi cảm giác cô đơn".
Báo cáo được thực hiện bằng cách tính toán 6 loại chỉ số: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, số năm sống khỏe mạnh, tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng, nhận thức về tham nhũng và lạc hậu, một tiêu chí đánh giá đối với các quốc gia kém hạnh phúc.
Ít lo lắng và hạnh phúc hơn
Những cái tên đứng đầu danh sách quốc gia hạnh phúc không khiến Dan Buettner, tác giả, nhà giáo dục, người đã phát hiện ra khái niệm "Blue Zones", bất ngờ.
Buettner nói: "Như những người giống nhau xuất hiện trong cùng một bữa tiệc và đổi ghế cho nhau, có những điểm chung đáng lưu ý của các quốc gia được xếp hạng cao trong báo cáo. Người dân ở những nơi này có quyền tiếp cận miễn phí hoặc gần như miễn phí vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe, do đó họ sống lâu và khỏe mạnh hơn".
Cực quang xuất hiện ở vùng Lapland của Phần Lan. |
Có rất nhiều tiêu chí trong báo cáo, nhưng điểm chung lớn nhất của các quốc gia hạnh phúc là cung cấp mạng lưới an toàn cho công dân xung quanh các vấn đề quan trọng như chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội. Các chính phủ ở đây cho phép mọi người có thời gian dễ dàng hơn để tập trung và đạt được các mục tiêu của mình.
Còn Catherine Shea, trợ lý giáo sư về lý thuyết và hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh Tepper của Đại học Carnegie Mellon, nói rằng khi nghiên cứu các mục tiêu, bà thấy mọi người hạnh phúc nhất khi theo đuổi một mục tiêu tại một thời điểm. Nếu bạn theo đuổi 2-3 mục tiêu cùng lúc, bạn vẫn tương đối vui vẻ, nhưng không hạnh phúc bằng.
"Ở một quốc gia có thứ hạng cao, tôi cũng không phải lo lắng về việc phá sản hay bị sa thải. Mạng lưới an sinh xã hội tốt giúp tôi theo đuổi mục tiêu dễ dàng hơn", Shea giải thích.
Phong cách sống khác biệt
Mặc dù báo cáo thường giải thích Phần Lan giành được danh hiệu nhờ vào chính sách hiệu quả, các chuyên gia lưu ý rằng không phải tất cả niềm vui đều đến thông qua cách một quốc gia được vận hành và quản lý như thế nào.
Quốc gia Bắc Âu này có truyền thống lâu đời và phong cách sống khác biệt nhằm nuôi dưỡng, thúc đẩy niềm vui.
Heikki Väänänen, người sáng lập HappyOrNot, nền tảng phản hồi về mức độ hài lòng của khách hàng, nói rằng ở Phần Lan, nơi ông lớn lên và đang sống, mọi người luôn tương tác ngoài trời, ngay cả khi thời tiết xấu.
Người dân Phần Lan yêu thích các hoạt động ngoài trời. |
"Nếu đợi thời tiết đẹp, bạn sẽ phải chờ rất lâu. Chúng tôi chơi thể thao khá nhiều vào buổi tối và dành thời gian với những người hàng xóm. Không biết có nghiên cứu nào về vấn đề này hay không, nhưng tôi cá là chúng tôi dành ít thời gian xem Netflix hơn so với người Mỹ", Väänänen chia sẻ.
Väänänen nói thêm rằng vì Phần Lan có diện tích không lớn, việc đi làm thường diễn ra nhanh chóng, giúp mọi người có nhiều thời gian rảnh để tận hưởng hơn.
"Việc đi làm mất khoảng 5-15 phút và sẽ không bao giờ quá 30 phút. Chúng tôi thường đi bộ, đạp xe hoặc đi xe buýt, một số người có thể lái xe. Vì bọn trẻ tự đi học và rất độc lập nên chúng tôi không lo lắng về việc đưa đón con. Cha mẹ cũng không lo lắng điều gì đó đáng sợ sẽ xảy ra. Độc lập là một phần quan trọng trong hạnh phúc của chúng tôi".
Sức mạnh của "sisu"
Katja Pantzar, tác giả cuốn sách The Finnish Way: Finding Courage, Wellness, and Happiness Through the Power of Sisu, sinh ra ở Phần Lan, lớn lên ở Canada và sống ở Anh, New Zealand.
"Tôi thấy nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày ở Phần Lan khá kỳ lạ, nhưng người dân địa phương có thể coi nó là bình thường".
Pantzar bị thu hút bởi khái niệm "sisu" của Phần Lan. Khái niệm này được mô tả là sự quyết tâm khắc kỷ, kiên trì với mục đích, sự gan dạ, dũng cảm, kiên cường và cứng rắn.
Đặc điểm của "sisu" là sự kiên trì và quyết tâm. |
Tác giả nói rằng đây là "yếu tố then chốt dẫn đến hạnh phúc" ở quốc gia Bắc Âu.
"Sisu có nghĩa là đối phó với mùa đông dài tối tăm, lạnh giá bằng cách tham gia các hoạt động như bơi lội, ngâm mình trong nước lạnh, hồ hoặc biển khi nhiệt độ bên ngoài dưới mức đóng băng", Pantzar nói.
"Điều ngạc nhiên lớn đối với nhiều người lần đầu tiên thử bơi vào mùa đông là cảm giác sảng khoái sau khi ngâm mình. Những người bơi lội cảm thấy tràn đầy sinh lực và hồ hởi, vì việc ngâm mình trong làn nước lạnh giá sẽ giải phóng cái gọi là hormone hạnh phúc. Chúng bao gồm endorphin, dopamine và oxytocin", tác giả nói.
Theo Pantzar, khi kết hợp các loại hoạt động tái tạo sức sống này "với một xã hội khá bình đẳng, mạng lưới an sinh xã hội vững mạnh bao gồm giáo dục tiểu học, trung học và đại học hầu như miễn phí và nền văn hóa đáng tin cậy", bạn đã có những thành phần cơ bản cho cuộc sống cân bằng, vui vẻ.
Thí nghiệm sự bền chặt của các đôi
Trong cuốn Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy của tác giả David McRaney, nhà tâm lý học James Graham đã làm một thí nghiệm và đi tới kết luận rằng bởi vì con người luôn có nhu cầu được phát triển, mở rộng, trau dồi khả năng và vốn kiến thức, nên khi được kết hợp, học hỏi từ người yêu, biến chúng thành những kỹ năng, triết lý và bản ngã của bản thân, thì mối liên kết giữa bạn với người ấy sẽ được củng cố tốt hơn bất kỳ hành động lãng mạn nào.