Chiều 28/11, trao đổi với Zing, đại diện TikTok tại Việt Nam cho biết đã khóa vĩnh viễn kênh @tuanbrice của TikToker Nờ Ô NÔ (tên thật Phạm Đức Tuấn) vì đăng tải những nội dung không phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng.
Cùng ngày, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết cơ quan chức năng đang tìm cách liên lạc với TikToker sinh năm 1996 để làm việc và đưa ra hướng xử lý thích hợp.
Trước đó, Nờ Ô NÔ gây bức xúc vì clip làm từ thiện nhưng có lời lẽ xúc phạm người lớn tuổi.
Trao đổi với Zing, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, người sáng lập và điều hành chương trình từ thiện Mỗi ngày một quả trứng, nhận định cách hành xử của Nờ Ô NÔ khi đi làm từ thiện là không thể chấp nhận. Việc cộng đồng mạng lên án, tẩy chay TikToker này là xứng đáng.
Bác sĩ Oanh cũng cho rằng những lời giải thích của Nờ Ô NÔ là không thuyết phục và không đáng được thông cảm.
“Một người có thái độ tôn trọng người khác không thể nào nói ra những lời lẽ như vậy, cho dù động cơ có là gì”, bà nói.
Xứng đáng tẩy chay
Nguyễn Đỗ Trúc Phương (28 tuổi), người tích cực hoạt động thiện nguyện tại TP.HCM, không giấu được cảm giác khó chịu, bức xúc trước những lời lẽ mang tính miệt thị của Nờ Ô NÔ dành cho người lớn tuổi.
“Tôi thấy TikToker này rõ ràng đang câu view bằng sự sỉ nhục đối với người khác. Tôi cảm thấy chạnh lòng thay cho những người nghèo khó trong clip. Bản thân tôi tuyệt đối không chấp nhận và sẽ tẩy chay kiểu làm từ thiện như vậy”, cô khẳng định.
Những năm qua, Trúc Phương được nhiều người biết tới khi thường xuyên kêu gọi từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. |
Bắt đầu làm thiện nguyện từ khi học phổ thông, Trúc Phương cho biết cô rất chú trọng đến cảm nhận của những người được mình giúp đỡ.
Theo Trúc Phương, khi muốn hỗ trợ ai đó, người làm từ thiện cần xuất phát từ tấm lòng chân thành và trước hết phải biết tôn trọng, thương mến họ.
Bản thân cô luôn chú ý từ việc ăn mặc giản dị đến lời nói khiêm tốn.
“Tôi tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, đôi khi là những người không có gì trong tay nhưng luôn có lòng tự tôn. Tôi không muốn người ta nghĩ rằng mình đến với họ trong tâm thế của người ban ơn. Vì của cho không bằng cách cho”.
Khi biết về một hoàn cảnh khó khăn, Trúc Phương thường liên hệ để xác minh, sau đó tâm sự để hiểu được nhu cầu và nguyện vọng của họ. Những điều cô làm đều dựa trên điều người được giúp đỡ cần.
Theo cô gái 28 tuổi, một người làm từ thiện không nên tạo cảm giác xa cách hay có thái độ ban ơn đối với người khác.
Thời điểm bất ngờ nổi tiếng khắp mạng xã hội khi kêu gọi ủng hộ được hàng trăm triệu đồng cho người khó khăn, Trúc Phương từng áp lực khi bị một số người nói rằng “làm từ thiện phong trào”. Dù vậy, cô bỏ qua những lời dèm pha để tiếp tục hành trình ý nghĩa.
Lâm Quách (thường được biết tới với biệt danh Sư Tử Ăn Chay, hiện sống tại TP.HCM) là người tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo trong thành phố và hỗ trợ bà con ở nhiều địa phương trên cả nước.
Hiểu được những người khó khăn có thể mang tâm lý nhạy cảm về gia cảnh, Lâm Quách cảm thấy bức xúc trước lời lẽ miệt thị mà TikToker Nờ Ô NÔ dùng trong clip mang danh “từ thiện” gần đây.
“Từ trước, TikToker này đã ‘nổi tiếng’ với các dạng nội dung tiêu cực nên lần này tôi không bất ngờ, nhưng khi xem vẫn có chút tức giận vì bạn ấy đã đi quá giới hạn. Cụ bà trong clip hay bất kỳ ai khác đều không đáng phải nhận những lời lẽ khó nghe như vậy”, anh bày tỏ.
Khi giúp đỡ người khác, Lâm Quách thường không nghĩ mình đang làm “từ thiện”. |
Lâm Quách chia sẻ khi tham gia các hoạt động giúp đỡ người khó khăn, anh thường không nghĩ mình đang làm “từ thiện” mà là đi “chia sẻ”. Với anh, từ “chia sẻ” tạo nên sự ấm áp, gần gũi hơn với bà con.
Lâm Quách không đặt hai bên vào thế người cho - người nhận, bởi khi cho đi nghĩa là anh cũng đang được nhận lại, dễ thấy nhất là niềm vui.
“Tôi đối xử với họ bằng những gì giản dị, chân thật nhất từ trái tim”, chàng trai nói.
Lâm Quách và nhóm của mình thường tìm hiểu xem người dân đang cần gì, vì cho đi cái thiết thực cũng là cách thể hiện sự quan tâm với họ. Mọi người cũng rất chú ý đến các tiểu tiết.
“Khi trao quà Tết cho bà con khó khăn, các bạn trong nhóm tôi viết thêm vài dòng chúc Tết nhỏ kèm theo. Những thứ đó nhỏ bé nhưng mang lại giá trị tinh thần rất lớn. Chúng tôi không chỉ muốn trao vật chất hữu hình, mà còn tặng giá trị tinh thần vô hình, giúp họ cảm thấy được quan tâm hơn trong cuộc đời này”.
Chia sẻ thêm về vấn đề quay phim, chụp hình khi làm thiện nguyện, Lâm Quách cho rằng đó không phải chuyện xấu bởi qua đó có thể lan tỏa truyền cảm hứng cho người khác. Tuy nhiên, người làm từ thiện cần có sự tinh tế, nếu không sẽ khiến người được giúp khó chịu, thậm chí mặc cảm.
“Không nhất thiết phải dí sát camera vào mặt họ, với những người ngại ống kính thì không được ép họ lên hình. Nếu có những hình ảnh nhạy cảm, cần xin phép trước. Hãy đặt mình vào vị trí của người đó để hiểu hơn”, anh lưu ý.
Theo Lâm Quách, hành động của Nờ Ô NÔ chính là kiểu lợi dụng người nghèo để tăng tương tác. Đây cũng không phải lần đầu tiên anh bắt gặp dạng nội dung này trên TikTok.
“Tôi chắc chắn mình sẽ ủng hộ và đi đầu trong việc tẩy chay triệt để những dạng nội dung bẩn này. Theo tôi, điều đáng sợ nhất với họ là những chiêu trò không còn gây thu hút nữa. Thế nên cách tốt nhất là báo cáo, chặn và bỏ qua nếu thấy”.
Cần nhận thức đúng
Theo bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, người muốn giúp đỡ các cá nhân khác phải có nhận thức đúng.
Mỗi người đều cần hiểu rằng những thuận lợi mà mình có được ngoài nỗ lực của bản thân, còn nhờ vào sự may mắn mà cuộc đời mang lại.
“Ngay cả việc được sinh ra lành lặn, đầu óc bình thường hay lớn lên trong gia đình có nhiều tình yêu thương, ở một nơi không có thiên tai, thảm họa,… cũng đã là điều may mắn. Tương tự, việc có điều kiện để học hành, công việc tốt, trong cuộc đời không mắc phải những lỗi lầm không thể sửa chữa,... cũng phần nhiều là do may mắn.
Nhận thức được điều đó sẽ giúp chúng ta thông cảm và có trách nhiệm hơn với những người gặp đang gặp khó khăn, cần được giúp đỡ và cảm thấy may mắn vì có cơ hội để san sẻ”, bà khẳng định.
Thêm vào đó, bác sĩ Oanh cho rằng cuộc đời luôn có những điều không thể lường trước. Hôm nay, bản thân hoặc gia đình đang khoẻ mạnh, an lành, nhưng hôm sau, một năm tới, chưa biết cuộc đời sẽ đưa đẩy đến đâu. Bất kỳ ai cũng có thể có lúc gặp khó khăn, về mặt này hoặc mặt khác.
Nhận thức được điều này sẽ giúp mỗi người khiêm nhường hơn và coi việc giúp đỡ người khác cũng như là cho chính bản thân hoặc gia đình mình.
“Khi đó, chúng ta sẽ có thái độ tôn trọng với những người mình giúp đỡ”, bà kết luận.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), có hơn 20 năm đồng hành cùng những người dễ bị tổn thương. |
Chị L.T., người hoạt động về từ thiện lâu năm tại TP.HCM, cho biết trước hết cần nhìn nhận sự việc gây ồn ào vừa qua chỉ là trường hợp cá biệt, gây phản cảm của một số ít người. Nó không đại diện cho hoạt động của phần lớn cá nhân, tập thể đang làm từ thiện khác.
Thái độ của người làm từ thiện khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì chạm vào phần quan trọng của con người là nhân phẩm, mà ở đây, người nhận món quà từ thiện đã bị chà đạp thông qua lời nói xúc phạm đến lòng tự trọng của họ.
Theo chị L.T., cớ sự xảy ra do người làm từ thiện chưa có dịp được đào tạo bài bản về cách làm từ thiện. Thực tế, bất cứ ngành nghề nào cũng có những nguyên tắc riêng. Lĩnh vực từ thiện và phát triển cũng vậy.
Về nguyên tắc ứng xử, người làm từ thiện cần có niềm tin rằng những người mình giúp đỡ có một số nhu cầu cơ bản chưa được đáp ứng, nhưng họ có nhân phẩm, giá trị riêng và quyền được đối xử tôn trọng, bình đẳng. Việc chấp nhận họ thể hiện sự chân thành và qua đó tạo được niềm tin từ cả hai phía, thúc đẩy sự hợp tác trong quá trình giúp đỡ.
Bên cạnh đó, người thực hành từ thiện và phát triển đều tâm niệm nguyên tắc đạo đức không gây hại, tức là không để cho việc giúp đỡ của mình trở thành hành động làm tổn hại đến người nhận sự giúp đỡ.
Ngoài ra, việc quay phim người nhận quà từ thiện rồi đưa lên mạng mà chưa có sự đồng ý của họ là hành vi vi phạm đến quyền riêng tư của người nhận quà từ thiện.
Theo chị L.T, điều đáng tiếc là một số người làm từ thiện hiện nay không biết đến những nguyên tắc này nên mới xảy ra chuyện người phát quà từ thiện thoải mái nêu định kiến của mình và “lên lớp” người nhận quà rồi đăng tải clip đó lên mạng.
“Cần nhìn nhận đây là hành động tương trợ lẫn nhau hơn là việc ban phát, bố thí. Khi xác định mối quan hệ là cho - nhận, nặng về ban phát, bố thí, cán cân quyền lực sẽ mất cân bằng, nghiêng về phía người cho. Người cho sẽ nắm nhiều quyền trong tay, dẫn đến dễ bị lạm quyền. Còn khi nhìn việc này như một hành động tương trợ, có qua có lại, đặt người nhận sự giúp đỡ ngang hàng với mình, người làm từ thiện mới có sự tôn trọng, thấu hiểu đối với người mình đang giúp”.
Chị L.T. khẳng định việc làm từ thiện không khó, nhưng thực sự không đơn giản.
“Tôi mạn phép đề nghị những người chưa trang bị đủ kỹ năng, kiến thức để làm từ thiện chớ vội bắt tay vào tự làm. Hãy hợp tác với những tổ chức, nhóm, đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết đủ về văn hóa, tập quán của người được giúp đỡ và làm cùng với họ”, chị nói.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.