Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái kết chưa đã của phim hot 'Quả tim máu'

Dưới đây là góc nhìn trái chiều nhưng rất thú vị của một khán giả sau khi xem bộ phim vừa lập kỷ lục phòng vé mùa Valentine 2014.

Thu về 24 tỷ đồng sau 3 ngày, Quả tim máu phần nào đã chứng minh sự thành công. Đạo diễn Victor Vũ tiếp tục trở thành cái tên hot của các phòng vé và báo giới. Rất nhiều lời khen trên báo chí và mạng xã hội đã khiến nhiều người tò mò đến rạp để được thưởng thức bộ phim này.

Tuy nhiên, những lời khen khiến nhiều người đặt kỳ vọng quá cao vào bộ phim và dẫn tới có nhiều comment chê bai sau đó. Chuyện thường! Phim nào cũng những lời khen, chê nhưng nói chung, ý kiến số đông mới là người quyết định số phận của nó. Quả tim máu có đôi ba lỗi logic cũng chẳng có gì đáng bàn. Tôi chỉ muốn zoom vào đoạn kết phim khiến cho nhiều khán giả cảm thấy chưa "đã".

Một cảnh quay trong Quả tim máu.

Việc xem Quả tim máu của tôi trái ngược với khi xem Saving Mr. Banks. Nói chung, hai phim khác nhau hoàn toàn, nhưng điều tôi muốn nói là hành trình cảm xúc khi xem. Đối với Saving Mr. Banks, tôi hơi khó chịu với lối kể dài dòng cùng những nhân vật khó có cảm tình nổi trong suốt chiều dài phim. Vậy mà, riêng cảnh cuối khi nhân vật Travers ngồi trong rạp vừa khóc vừa xem lại bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của mình, tôi lại thấy vô cùng có thiện cảm.

Phim là một sản phẩm công chiếu rộng rãi, nhưng cảm xúc với mỗi bộ phim lại là rất cá nhân, có những cảnh phim này làm bạn nhớ đến một kỷ niệm nào đó trong quá khứ, nhớ tới một người nào đó trong đời và làm bạn thổn thức. Và dù nhiều người không mảy may xúc động gì khi xem cảnh ấy, bởi họ không có những trải nghiệm cuộc sống như bạn, thì chỉ có bạn hiểu là nó đã chạm tới trái tim mình thế nào. Đó là một trong những ma thuật của điện ảnh.

Và chỉ vì một cảnh ở cuối phim Saving Mr. Banks ấy, tôi sẵn sàng bước ra rạp với một nụ cười mỉm hài lòng. Tuy nhiên, đoạn kết của Quả tim máu làm tôi phải nhíu mày, cho dù trước đó vô cùng ấn tượng với câu chuyện được kể trong suốt bộ phim. Victor Vũ đã thành công trong việc xây dựng không khí u ám cho một bộ phim rùng rợn diễn ra tại mảnh đất Đà Lạt nổi danh với những lời đồn đại ma ám. Diễn xuất có sự đồng đều và hợp rơ giữa các nhân vật, âm thanh - ánh sáng tạo ra hiệu quả tốt cho một câu chuyện nhiều nút thắt mở, gây bất ngờ khi tiết lộ các bí mật.

Sau khi được Victor Vũ dẫn dắt hoàn hảo tới gần cuối chặng đường, bộ phim đột ngột có một cách giải quyết tình huống hơi khó chấp nhận mà điện ảnh gọi là “Deus ex machina” - nghĩa đen có nghĩa là “vị thần đến từ cỗ máy”. Thuật ngữ tiếng Latin này được sử dụng trong các bộ phim và văn học để mô tả một thế lực bên ngoài, từ trên trời rơi xuống, đột nhiên xuất hiện để giải quyết các vấn đề nan giải, khó khăn đối với các nhân vật.

Ví dụ, khi một anh chàng kia bị lừa hết cả, bị đẩy ra đường và chẳng biết gì ngoài việc ngồi khóc, Bụt tự nhiên xuất hiện và cho anh cây tre trăm đốt. Thế là, anh ta chẳng cần làm mà vẫn giải quyết được vấn đề của mình. Tuy nhiên, đó chính là cách kết thúc đáng nhận điểm trừ. Bởi nếu như anh ta chẳng phải làm gì mà vẫn tự có được nó, thì hành trình gian khổ của anh trở nên vô nghĩa, ông Bụt có thể xuất hiện ngay từ đầu và giải quyết vấn đề cho anh.

Phân cảnh tìm thấy chiếc xe tang vật trong Quả tim máu.

Sau khi mọi bí ẩn được hé lộ trong Quả tim máu và khán giả biết được kẻ chủ mưu là ai, ngỡ rằng ta sẽ có một màn đối đầu giữa cái ác và cái thiện, rồi cái thiện sẽ chiến thắng cái ác. Nhưng hoá ra, nhân vật chính trong phim là Linh không thể làm gì với cái ác và trở về với mẫu nhân vật “bị nạn chờ người tới cứu”, để rồi "cái ác" bị một cái xe tự nhiên đâm vào và… kết liễu cuộc đời. Không phải lúc nào khác, mà lại đúng khi mọi bí mật được phanh phui và nhân vật chính không biết làm gì để giải quyết vấn đề. Đây là một cách kết thúc tình huống cụt lủn, khiến một số người có cảm giác khâu kịch bản quá dễ dàng.

Thiết nghĩ, sau khi khán giả biết sự thật, ai cũng muốn cái ác bị trừng trị thích đáng, nhưng bằng cách nào mới là điều đáng bàn. Có thể bằng cách đơn giản nhất như trên: anh ta bị ô tô tông phải, tương tự như người bạn gái của anh trước đó để hoàn thiện triết lý nhân – quả vốn được Victor Vũ thể hiện trong Giao lộ định mệnh. Hay bằng một cách khác, là để toàn bộ các nhân vật trong phe Thiện đứng dậy chống cái Ác và mọi vấn đề giải quyết trong căn phòng nơi xảy ra án mạng. Có thể, khi Hù đang vật lộn với kẻ ác, Linh và Phương có thể làm một cái gì đó để hạ gục hắn – bằng chiếc xẻng mà kẻ ác từng dùng chẳng hạn. Khi đó, câu chuyện phim sẽ trở nên dễ chấp nhận hơn là kiểu "Deus ex machina" kia.

Dĩ nhiên, được cái này lại mất cái kia. Nếu chọn cách giải quyết thứ 2, sẽ không có cảnh phim Linh chạy trong rừng tạo ra sự kịch tính rất "ép phê", cần thiết cho bộ phim vốn thiên về mystery (kỳ bí) hơn là horror (kinh dị) này. Do đó, mỗi đạo diễn đều có một (hay vài) cách giải quyết khác nhau cho bộ phim của mình và phụ thuộc vào nhiều yếu tố để quyết định. Và cho tới khi nào đa số khán giả chấp nhận được kết cục ấy, thì vẫn có thể nói, bộ phim đó đã thành công trong lòng đông đảo người xem.

4 lý do 'Quả tim máu' thành bom tấn phòng vé

Sau ba ngày ra mắt, bộ phim kinh dị "Quả tim máu" của đạo diễn Victor Vũ đã tạo ra một thành công bất ngờ với doanh thu 24 tỷ đồng – kỷ lục mới của điện ảnh Việt.

http://tiin.vn/index.php/chuyen-muc/phim/cai-ket-chua-da-cua-phim-hot-qua-tim-mau.html

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm