Quản lý thời gian không nhất thiết thay đổi hành vi sử dụng mạng xã hội. |
Những người tham gia một loạt thử nghiệm nghiên cứu sử dụng các tính năng giới hạn thời gian cho thấy việc dùng mạng xã hội của họ chỉ tăng mà không hề giảm đi như kỳ vọng, theo The Washington Post.
Nghiên cứu chỉ ra rằng khi việc giám sát, quản lý thời gian không nhất thiết thay đổi hành vi sử dụng. Sự thất bại trong đặt giới hạn dùng mạng xã hội cũng tương tự việc theo dõi hoạt động thể chất, mức tiêu thụ thực phẩm hoặc giấc ngủ đã được chứng minh là không hiệu quả trong việc giảm cân, hạn chế ăn uống hay ngủ ngon hơn.
Thời gian lướt mạng không giảm
Trong nghiên cứu, những người tham gia đã sử dụng TikTok thường xuyên trong vài ngày và sau đó được nhắc đặt giới hạn thời gian cho chính mình trong ứng dụng. Giới hạn thời gian phổ biến nhất mà mọi người chọn là 60 phút/ngày.
Trung bình, những người tham gia đã dành thêm khoảng 7% thời gian cho TikTok vào ngày sau khi đặt giới hạn.
Tâm lý này được biên tập viên công nghệ Shira Ovide giải thích giống với cách mọi người phản ứng khi nhìn thấy biển báo giới hạn tốc độ trên đường.
Người dùng có xu hướng lướt mạng nhiều hơn mốc thời gian tối đa bản thân quy định. |
"Nếu giới hạn tốc độ là 60 km/h, chúng ta thường lái xe đến mức tối đa đó hoặc nhanh hơn. Nếu không có biển báo nào cả, bạn vẫn có thể đã lái xe với tốc độ 50 km/h".
Các nhà nghiên cứu đã so sánh giữa hành vi của người dùng với ứng dụng hẹn giờ và ngân sách hộ gia đình. Khi đã quyết định chi 200 USD/tháng cho quần áo, bạn chắc chắn sẽ tiêu đến giới hạn đó.
"Giới hạn thời gian của ứng dụng thường dẫn đến việc mọi người dành nhiều thời gian hơn chứ không phải ít hơn cho một hoạt động nhất định", nghiên cứu đi đến kết luận.
Jordan Etkin, giáo sư Đại học Duke và là một trong 3 tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Không phải những công cụ này không thể giúp ích, nhưng chúng chẳng thể tự mình làm được, nếu chưa có sự quyết tâm của người dùng".
Hai đồng tác giả khác là Jackie Silverman của Đại học Delaware và Shalena Srna, giáo sư Đại học Michigan.
Thử những cách khác
Nếu bạn thực sự muốn dành ít thời gian hơn cho một ứng dụng hoặc trò chơi điện tử, nghiên cứu đã đề xuất một số bước thực tế hơn.
So với những người đặt giới hạn thời gian tương đối cao cho hoạt động kỹ thuật số, chẳng hạn như 90 phút/ngày, những người tham gia đặt giới hạn thấp hơn thường lên mạng ít hơn.
Điều đó có nghĩa là tốt hơn hết bạn nên chọn giới hạn cho mình là 20 phút/ngày thay vì 30 phút.
Còn The Tech Friend có những gợi ý khác để giúp người dùng cắt giảm thời gian trực tuyến.
Bạn có thể đặt hẹn giờ để tắt Internet tại nhà lúc 22h, lên lịch cho các ngày nghỉ thay vì thói quen sử dụng điện thoại và sạc thiết bị bên ngoài phòng ngủ.
Các quy tắc không dùng điện thoại vào bữa tối hoặc khóa thiết bị trong ngăn kéo khi đến giờ ngủ có thể có tác dụng. |
Giáo sư Etkin cho rằng nếu bị cám dỗ bởi bánh ngọt, bạn có thể có các chiến lược để tránh ăn quá nhiều, ví dụ như không mua bánh về nhà, hoặc thỏa thuận với chính mình rằng sẽ chỉ ăn bánh vào cuối tuần.
Bà Etkin giải thích chúng ta không có xu hướng nghĩ rằng công nghệ đòi hỏi các loại chiến lược tự điều chỉnh giống như vậy.
Nhưng thực tế cách làm này vẫn hiệu quả nếu bạn muốn "cai nghiện" mạng xã hội. Các quy tắc không dùng điện thoại vào bữa tối hoặc khóa thiết bị trong ngăn kéo khi đến giờ đi ngủ vẫn phát huy tác dụng.
Các công ty công nghệ cũng đồng lõa với sự ảo tưởng của mọi người về bộ đếm thời gian của ứng dụng.
Khi những lo ngại về chứng nghiện công nghệ gia tăng, Facebook và Instagram đã trấn an người dùng bằng hệ thống cảnh báo thời gian sử dụng của riêng mình.
Năm 2018, các cài đặt mới có tên là Your Time và Your Activity bắt đầu được triển khai lần lượt trong các bản cập nhật cho ứng dụng Facebook và Instagram.
Với tính năng này, người dùng sẽ thấy bảng điều khiển cho biết lượng thời gian mình đã sử dụng mỗi ứng dụng trong tuần qua và cũng có cơ hội thiết lập giới hạn. Cửa sổ bật lên "nhắc nhở hàng ngày" với biểu tượng tạm dừng sẽ cho bạn biết khi nào mình đã vượt quá thời lượng cho phép.
Tuy nhiên, như phân tích trong nghiên cứu của mình, giáo sư Etkin nhấn mạnh biện pháp này không hiệu quả và chỉ tạo ra thói quen ỷ lại cho người dùng mạng xã hội.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn nổi tiếng của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở kiểu cách, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Khi mà thu nhập còn chưa đủ trang trải cho cuộc sống độc thân dù đã cố gắng tằn tiện, thì làm sao người ta dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.