Sau khi công bố cải tiến chữ viết tiếng Việt phần phụ âm gây xôn xao dư luận, mới đây, PGS.TS Bùi Hiền chính thức hoàn thiện công trình cải tiến chữ quốc ngữ của mình với phần cải tiến nguyên âm.
Nếu trong lần công bố trước, PGS Bùi Hiền thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R=R; S = S, X; X = Kh; W =Th; Z = D, Gi, R. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có ký tự mới thay thế nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n' để biểu đạt.
Lần công bố này chỉ có 6 chữ cái được thay đổi như sau: C (chờ) = ch, tr; K (cờ) = k, c, q; Q (thờ) = th; W(ngờ) = ng, ngh; X (khờ) = kh; Z (dờ) = d, gi, r.
Là đề xuất cá nhân
Chia sẻ với Zing.vn, PSG.TS Phạm Văn Tình (Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) cho biết hội đã có ý kiến về đề xuất của PGS Bùi Hiền trong lần công bố trước.
Theo đó, ý tưởng cải tiến chữ tiếng Việt mới chỉ dừng lại là ý kiến của một nhà ngôn ngữ học, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay.
Hiện tại, PGS công bố phần 2 là văn bản trọn vẹn nghiên cứu là việc cá nhân của PGS. Hội không có chủ trương nhận định thêm về đề tài này.
PSG.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Ảnh: VTV. |
Trước đó, PGS Phạm Văn Tình cho hay nghiên cứu của PGS Bùi Hiền có luận cứ riêng của ông, chúng ta nên ghi nhận tinh thần, thái độ của ông đối với tiếng Việt. Đó là nhà giáo, nhà khoa học nghiêm túc, tâm huyết.
Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng đề xuất của PGS Bùi Hiền có những ý tưởng đã cũ. Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không dễ dàng thay đổi được nó, mặc dù còn bộc lộ những bất hợp lý. Tuy nhiên, những bất hợp lý này cũng giống như những bất hợp lý của nhiều ngôn ngữ khác.
Phân tích sâu hơn, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng ở phần 2 của nghiên cứu PGS Bùi Hiền, những căn cứ để phân chia âm tiết tiếng Việt thành những "khúc đoạn", tức âm vị (có thể cả những hiện tượng được cho là "siêu đoạn" gồm âm vị, âm tiết) không dễ thuyết phục về tính khách quan, khả tín.
Vì vậy, không thể dựa vào đó tạo nên cuộc "hôn phối" giữa một âm vị của âm tiết với một/hai/ba chữ cái La tinh.
Bảng chữ cái mới theo cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền. Đồ hoạ: Minh Trí. |
Nên giữ nguyên chữ viết
PGS.TS Lưu Văn An - phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho rằng đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền là công trình nghiên cứu khoa học, cần được công bố trên các tạp chí chuyên ngành và tạo diễn đàn trao đổi, tranh luận giữa các nhà khoa học.
Chỉ trên cơ sở đó mới có sự thống nhất cao, được các cơ quan khoa học có thẩm quyền, uy tín có thể đề nghị lên các cơ quan Nhà nước về một vấn đề cụ thể.
PGS.TS Lưu Văn An - phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Đ.T. |
PGS Lưu Văn An nhận định việc thay đổi chữ cái rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến xã hội trên nhiều mặt, cả kinh tế, văn hoá, tâm lý, xã hội... Vì vậy, vấn đề này phải hết sức thận trọng, nghiên cứu, trao đổi kỹ lưỡng, nghiêm túc.
Chỉ khi nào nghiên cứu được đánh giá là hiệu quả và có lợi cho sự phát triển do Hội Ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ và các cơ quan khoa học khác thẩm định thì mới nên kiến nghị lên cấp trên. Chỉ có những cơ quan Nhà nước này mới biết vấn đề nghiên cứu thay đổi tiếng Việt có nên thực hiện hay không?
Đối với trường hợp của PGS Bùi Hiền, đây chỉ là ý kiến cá nhân của nhà khoa học. Ai quan tâm thì cứ phát biểu tranh luận, mang ý kiến chuyên môn, không nên chỉ trích hay thóa mạ tác giả. Chúng ta cần trân trọng những thành quả nghiên cứu của nhà khoa học.
PGS.TS Lưu Văn An nêu quan điểm không nên thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt vì hệ lụy của nó quá lớn. Sự thay đổi có thể là "lợi bất cập hại", làm ảnh hưởng đến mọi người trong xã hội.
Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhìn nhận ngôn ngữ nào cũng có những ưu điểm, hạn chế. Nếu những hạn chế đó không có ảnh hưởng đến nền kinh tế, văn hóa, xã hội… thì nên giữ nguyên.
Đồng thời, chúng ta cần có biện pháp quản lý, hướng dẫn thống nhất trên cả nước về cách viết theo quy phạm (ví dụ chữ viết hoa, chữ viết tắt… hiện chưa thống nhất).
Ngoài ra, việc giảng dạy chữ tiếng Việt trong nhà trường cần được quan tâm hơn nữa, giảm thiểu việc nói hay viết sai.
"Các nhà xuất bản, cơ quan báo chí, truyền thông cũng phải rà soát, kiểm tra kỹ văn bản và các bài viết trước khi phát hành. Các nhà ngôn ngữ cần chỉ ra những sai sót, hạn chế trong phát âm và viết để chấn chỉnh, đồng thời có sáng kiến bảo vệ và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt - niềm tự hào của văn minh Việt từ hàng nghìn năm nay", PGS Lưu Văn An chia sẻ.