Tác dụng của cải xoong
Theo Lương y Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, cải xoong có nguồn gốc ở châu Âu và Trung Á. Tên của nó cũng được phiên âm từ tiếng Pháp là Cresson mà ra. Ngoài cách gọi dân gian là cải xoong, trong Đông y loài rau này còn có tên là đậu ban thái, thủy điều thái, tây dương thái...
Hiện tại, ở nước ta, cải xoong được trồng làm rau ăn với nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đồng thời cũng là vị thuốc chữa bệnh.
“Cải xoong tính hàn, vị hơi đắng và hắc, có tác dụng lợi tiểu, giúp tiêu hóa tốt, giải độc..., chữa chảy máu chân răng, bí tiểu khó đi tiểu, lao phổi, viêm phế quản kinh niên, đái tháo đường, sỏi thận, mật, phòng bệnh bướu cổ, trị tàn nhang…”, lương y Bùi Hồng Minh chia sẻ. Theo ông, trong những ngày hè nóng bức, tính mát của cải xoong sẽ giúp cơ thể thanh nhiệt hiệu quả.
Thành phần hóa học của cải xoong bao gồm sắt, phốt pho, iốt, vitamin C và glucozit... nên khi vò hay giã nát, các chất này sẽ tiếp xúc với men Myrosin ở những tế bào khác, tạo ra chất Senevol phenyl etylic, có tác dụng chữa ho rất tốt.
Không chỉ vậy, loại rau này còn được coi là vũ khí nổi bật trong công cuộc phòng ngừa ung thư. Vừa qua, tạp chí The British Journal of Nurition (Anh) đã công bố nghiên cứu của tiến sĩ Nicholas Perricone với nội dung ăn khoảng 100 g cải xoong mỗi ngày có thể ngăn ngừa ung thư vú cũng như suy giảm nguy cơ ung thư nói chung.
Cũng theo tiến sĩ Nicholas Perricone, cải xoong chứa nhiều vitamin, sắt, canxi, magiê, mangan, kẽm và kali hơn so cả bông cải xanh, táo và cà chua nên có thể nâng cao thể lực, giúp phòng chống nhiều loại bệnh tật khác.
Thuốc quý phải biết cách dùng
Theo chia sẻ của Lương y Bùi Hồng Minh, cây cải xoong sinh sôi phát triển rộng ở khu vực có nhiều chất thải động vật nước tù đọng vì thế nó có thể trở thành nơi cư trú của các loài động vật ký sinh như sán lá gan, một số loài khác như vắt, đỉa...
“Nếu chúng ta vô tình ăn phải rau cải xoong có các ấu trùng nang sán thì rất dễ bị nhiễm sán. Vì vậy, khi dùng cải xoong trong bữa ăn hàng ngày, bạn cần rửa thật sạch để tránh bị nhiễm giun, sán”, ông khẳng định.
Lương y này cũng tư vấn không nên ăn quá 100 g/lần trong thời gian dài để tránh đau bụng, bàng quang khó chịu hoặc tổn thương tới thận. Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu không ăn quá nhiều cải xoong vì nó có thể gây sẩy thai.
Một số bài thuốc hay từ cải xoong
Bài 1: Thanh nhiệt cơ thể:
Rửa sạch 100 g cải xoong tươi cho vào máy sinh tố say nhuyễn lọc lấy nước uống, mỗi ngày 2 lần. Uống cải xoong tươi sẽ hiệu quả hơn là khi đã được sắc lên.
Bài 2: Làm mờ tàn nhang
Dùng cải xoong tươi xay nhuyễn trộn với mật ong bôi trực tiếp lên nốt tàn nhang ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều tốt trong khoảng từ 15-20 phút, sau đó rửa sạch sẽ, vết tàn nhang sẽ mờ đi nhanh chóng.
Bài 3: Chữa bí tiểu
Cải xoong tươi 45 g, 20 g củ hành tây, 15 g củ cải trắng. Tất cả rửa sạch, cắt nhỏ, sấy khô sắc với 1 lít nước còn 300 ml, chia uống 2 lần trong ngày. Dùng trong 7 ngày. Hoặc lấy rau cải xoong rửa sạch, để ráo, nhúng qua nước sôi trộn với dầu vừng (dầu mè) và dấm ăn trong ngày. Thực hiện liên tục trong 5 ngày.
Bài 4: Hỗ trợ điều trị đái tháo đường
Cải xoong 150 g, 30 g củ cải, 10 g cần tây, 20 g cải bắp, 15 g cà rốt, 10 g tía tô. Tất cả rửa sạch, giã nát hoặc ép lấy nước uống, ngày 1 cốc.
Bài 5: Giúp phòng bệnh bướu cổ
Cải xoong rửa sạch để ráo. Tôm tươi rửa sạch lột vỏ và ướp với bột nêm, tiêu bột, hành tím giã dập cho thấm. Bắc nồi lên bếp phi dầu ăn với tỏi cho thơm rồi nhắc xuống cho ngay cải xoong vào nồi trộn đều với giấm (hoặc nước chanh tươi), rau thơm, đậu phụng rang giã dập, nêm gia vị vừa ăn. Mỗi tuần nên ăn 3-4 lần.