Sinh viên làm trợ giảng ở các trung tâm tiếng Anh với mức lương 25.000-35.000 đồng/giờ. Ảnh: Cottonbro studio/Pexels. |
Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh tại một đại học ở TP.HCM từ tháng 7/2022, đến nay, H. Trang (23 tuổi) vẫn duy trì công việc làm trợ giảng cho một trung tâm IELTS nằm trên địa bàn TP Thủ Đức. Công việc này Trang được trả mức lương 25.000 đồng/giờ. Mỗi tháng làm việc 74 giờ, tổng cộng Trang được trả 1,8 triệu đồng/tháng.
Tốt nghiệp đại học bằng khá, lại có TESOL (chứng chỉ dạy tiếng Anh dành cho người nói ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh), nhưng Trang vẫn chấp nhận làm công việc trợ giảng với mức lương thấp, thậm chí không đủ ăn.
Nhiều lần, gia đình, bạn bè khuyên trang nên đổi nghề hoặc đổi trung tâm tiếng Anh khác trả lương cao hơn. Dù vậy, Trang vẫn kiên quyết làm việc ở trung tâm này vì nhận thấy chưa đủ tự tin để làm công việc khác. Bản thân cô cũng chưa quyết định sẽ gắn bó lâu dài với việc dạy tiếng Anh nên muốn làm trợ giảng để thử xem mình có hợp với nghề giáo hay không.
H. Trang có bằng đại học và chứng chỉ TESOL nhưng vẫn chọn làm trợ giảng. Ảnh: NVCC. |
Tranh cãi vì mức lương 35.000 đồng/giờ của trợ giảng
H. Trang không phải trường hợp duy nhất làm trợ giảng tiếng Anh với mức lương vài chục nghìn đồng mỗi giờ. Mới đây, trên một hội nhóm Facebook, một sinh viên năm nhất ở Hà Nội - có chứng chỉ IELTS đạt 7.5 - đã chia sẻ câu chuyện đi làm trợ giảng của bản thân.
Trong bài viết, sinh viên này cho biết bạn đang làm trợ giảng ở một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội với mức lương ban đầu là 35.000 đồng/giờ. Hiện tại, mức lương đã tăng lên 45.000 đồng/giờ.
Bài đăng gây tranh cãi trên Facebook. |
Vui mừng vì được tăng lương, sinh viên này đã hào hứng kể với bạn bè. Tuy nhiên, bạn lại nhận về nhiều nhận xét tiêu cực như “trả lương như vậy thì đi làm làm gì”. Hoang mang, không biết đây có phải mức lương tương xứng với trình độ hay không, sinh viên này đã đăng tải bài viết để hỏi ý kiến từ cộng đồng mạng.
Dưới bài đăng của sinh viên, dân mạng “chia rẽ” thành 2 luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng mức lương này phù hợp với công việc trợ giảng ở trung tâm tiếng Anh. Sinh viên muốn có thu nhập cao hơn phải làm giáo viên dạy chính ở các trung tâm hoặc đi làm gia sư. Ngược lại, nhiều người nhận xét mức lương 35.000 đồng/giờ là quá thấp so với người có trình độ IELTS 7.5.
Bàn về mức lương 35.000/giờ của trợ giảng tại các trung tâm tiếng Anh, Nguyễn Hương (22 tuổi) nói rằng đây là mức lương rất thấp, dù làm việc chăm chỉ cũng không kiếm được nhiều tiền. Cô nói rằng những người được nhận làm trợ giảng đều có tiếng Anh ở mức khá, giỏi, việc các trung tâm chỉ trả vài chục nghìn đồng mỗi giờ là không xứng đáng với trình độ và công sức các bạn bỏ ra.
Cũng từng làm trợ giảng hồi năm nhất, năm hai đại học với mức lương 32.000 đồng/giờ, Hương hiểu nỗi khổ của những bạn trẻ làm trợ giảng tại trung tâm tiếng Anh. Hồi đó, Hương làm trợ giảng cho 4 lớp ở trung tâm, mỗi lớp 2 buổi/tuần.
Ngoài công việc hỗ trợ học sinh học tiếng Anh trên lớp, Hương phải dành thêm thời gian ghi chép sổ đầu bài, sổ liên lạc và soạn tài liệu. Dù đầu việc nhiều, Hương không hề được trung tâm trả tiền làm thêm giờ. Chưa kể, cô hay bị quản lý ở trung tâm bắt bẻ, cố tình gây khó dễ.
Ban đầu, Hương cũng có ý định nghỉ việc vì lương thấp, công việc lại vất vả. Nhưng vì yêu quý học sinh, cô quyết định gắn bó thêm một thời gian. Làm việc đến năm thứ hai, Hương được tăng lương từ 32.000 đồng/giờ lên 35.000 đồng/giờ. Sau khi được tăng lương, trung tâm không còn giao cho Hương nhiều lớp như trước mà lại giao cho các trợ giảng mới lương thấp hơn. Chán nản, Hương quyết định nghỉ việc.
Tương tự, Nhật Uyên (22 tuổi) cũng cho rằng mức lương trợ giảng 35.000 đồng/giờ là khá thấp, thậm chí có phần bóc lột vì trợ giảng phải đảm nhận rất nhiều công việc. Bản thân Uyên hiện cũng là trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội với mức lương 35.000 đồng/giờ. Mỗi ngày, cô phải hỗ trợ trẻ học tập, soạn tài liệu, sổ liên lạc, thậm chí khi tan làm vẫn phải dành thời gian để liên hệ với từng phụ huynh để thông báo tình hình học tập của trẻ.
Làm trợ giảng cho những lớp nhỏ tuổi, trẻ mới học tiểu học, Uyên cảm thấy bản thân như cô trông trẻ chứ không phải trợ giảng. Nhiều lần trẻ khóc quấy, tè dầm hay nôn trong lớp, cô đều tự mình xử lý, không ai hỗ trợ. Chưa kể, những lúc giáo viên nghỉ đột xuất, Uyên được trung tâm yêu cầu dạy học luôn. Dù đứng lớp dạy học, trợ giảng như cô cũng chỉ được trả 100.000 đồng/giờ, trong khi các giáo viên được trả 500.000 đồng/giờ.
Trong khi đó, T.D. (23 tuổi), trợ giảng tiếng Anh cho một trung tâm ở quận 7 (TP.HCM), cho rằng tùy thuộc vào khối lượng công việc và giờ làm ở từng trung tâm, mức lương 35.000 đồng/giờ sẽ được xem xét là phù hợp hay không.
“Theo tôi, nếu sinh viên đi làm trợ giảng với khối lượng công việc không nhiều, giờ làm ít, mức lương 35.000 đồng/giờ là phù hợp. Nhưng ở trường hợp sinh viên có bằng IELTS 7.5, nhận khối lượng công việc nhiều hơn, giờ làm cao hơn, 35.000 đồng/giờ là không đáng”, T.D. nói.
Ngoài hỗ trợ học sinh học tiếng Anh, trợ giảng phải dành thời gian soạn tài liệu, viết sổ liên lạc và trao đổi với phụ huynh. Ảnh: Pexels. |
Giỏi tiếng Anh, IELTS cao thì nên làm việc khác
Nói về việc làm trợ giảng với mức lương không cao, H. Trang khuyên các bạn trẻ có năng lực tiếng Anh tốt nên chọn công việc khác để tránh lãng phí tài năng và công sức của mình.
Bản thân Trang hiện làm trợ giảng với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng, cô cũng tự nhận thức được mức lương hiện tại không tương xứng với trình độ của bản thân. Do đó, Trang dự định học và ôn thi lấy chứng chỉ IELTS. Sau khi có chứng chỉ, cô sẽ chuyển việc, không làm trợ giảng nữa.
“Điểm IELTS càng cao, tôi càng có nhiều cơ hội làm việc tốt hơn. Tôi thấy các bạn đạt IELTS 7.5 thừa sức ứng tuyển làm giáo viên dạy chính ở các trung tâm tiếng Anh. Nếu các bạn chọn làm trợ giảng với mức lương là 35.000 đồng/giờ, tôi thật sự thấy rất đáng tiếc”, Trang nói.
Tương tự, Q. Giang (23 tuổi, TP.HCM) cũng khuyên sinh viên có chứng chỉ IELTS đạt điểm cao tìm công việc có lương cao hơn.
Giang cho biết 2 năm trước, khi chưa có chứng chỉ IELTS, cô đã làm trợ giảng tại một trường mầm non quốc tế với khối lượng công việc nhẹ nhàng là phiên dịch cho học sinh ở lớp học. Thời điểm đó, Giang được trả mức lương là 40.000 đồng/giờ. Công việc không cố định thời gian nên Giang thường dạy 5 buổi/tuần. Buổi sáng cô dạy 4 giờ, buổi chiều dạy 3 giờ.
“Công việc của tôi nhẹ hơn rất nhiều so với việc trợ giảng ở các trung tâm tiếng Anh. Tháng cao điểm, đi dạy nhiều, tôi có thể nhận mức lương hàng triệu đồng. Thấy các bạn có IELTS 7.5 chỉ nhận lương 35.000 đồng/giờ, tôi rất ngạc nhiên”, Q. Giang nói.
Theo Giang, công việc trợ giảng có thể bổ trợ kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho sinh viên. Tuy nhiên, khi đã có chứng chỉ IELTS ở mức cao, sinh viên nên làm công việc khác như giáo viên dạy chính tại các trung tâm hoặc làm trợ giảng với mức lương cao hơn.
Thầy L.H.B.C., giảng viên phụ trách bộ môn Tiếng Anh ở một trường đại học tại TP.HCM, cũng nhận xét mức lương 35.000 đồng/giờ cho vị trí trợ giảng tại trung tâm tiếng Anh là “hơi thấp” đối với sinh viên có IELTS 7.5.
“Các bạn lựa chọn công việc này để vừa làm lấy kinh nghiệm, vừa trau dồi kỹ năng, đồng thời có thêm chi phí sinh hoạt, mức lương 35.000 đồng/giờ có thể chấp nhận được. Nhưng nếu xem đây là công việc mang lại thu nhập chính, tôi thấy không xứng đáng với các em có IELTS 7.5”, thầy C. nói.
Thầy C. cho rằng sinh viên sở hữu chứng chỉ IELTS 7.5 có thể đăng ký ứng tuyển vào vị trí giáo viên dạy chính ở các trung tâm tiếng Anh. Công việc này sẽ phù hợp với trình độ tiếng Anh của sinh viên, đồng thời giúp các em nhận được mức lương xứng đáng. Tuy nhiên, sinh viên cũng cần xác định rõ công việc giảng viên chính phải làm toàn thời gian và kèm theo nhiều yêu cầu bắt buộc về chuyên môn, ví dụ chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ dạy tiếng Anh quốc tế...
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.